Theo báo cáo từ Đội đo đạc số 8, trước đó đơn vị đã sao lưu 15.000 file sang máy khác. Đơn vị chức năng sẽ mất khoảng 1 tháng để mượn lại hồ sơ rồi tiến hành phục hồi.
Có thể nói, 1 tháng để phục hồi được dữ liệu mất thì là may mắn. Nhưng nếu số dữ liệu mất lớn hơn và không có đầy đủ hồ sơ lưu trữ để khắc phục thì hậu quả sẽ thế nào? Hay nếu đó là dữ liệu liên quan nhân thân của người dân thì rủi ro cũng không hề nhỏ.
Hiện nay, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các hệ thống quản lý trên nền tảng số hóa, hay nói chính xác là “chính quyền điện tử”. Các bộ ngành chức năng khác cũng đang tiến hành tương tự. Đây là những nỗ lực cần thiết để tăng cường minh bạch, hiệu quả quản lý cũng như hòa cùng xu hướng của kỹ nguyên công nghệ số mà thế giới đang theo đuổi. Thế nhưng, xu hướng này không hề đơn giản và đặt ra một trọng trách là phải đảm bảo an toàn dữ liệu - vốn được xem là yếu tố “sống còn” của kỷ nguyên số.
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều cơ quan chức năng, thậm chí doanh nghiệp, ở nhiều nước phát triển gần như nghiêm cấm nhân viên dùng máy tính xách tay công vụ vào việc riêng, hay mang về nhà. Việc nghiêm cấm đó không phải chỉ vì lo ngại lạm dụng tài sản công, mà quan trọng hơn còn là nhằm đảm bảo an ninh dữ liệu, giữa nhiều nguy cơ hiện hữu: bị đánh cắp máy tính, bị tin tặc tấn công, bị nhiễm vi rút... Rất nhiều rủi ro có thể xảy đến khiến dữ liệu bị mất, hoặc chiếm đoạt.
Tại VN, từ năm 2017, Bộ Nội Vụ cũng đã xây dựng cơ sở pháp lý cho việc quản lý văn bản và hồ sơ điện tử để áp dụng cho các cơ quan tổ chức nhà nước. Tất nhiên, các cơ sở pháp lý này không thể sớm hoàn thiện trong thời gian ngắn. Thế nhưng, trong khi chờ một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng những cơ sở cần thiết để đảm bảo an toàn cho dữ liệu. Bởi đây không còn là thông tin liên quan người dân mà thực sự đã trở thành tài sản công và các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải bảo vệ.
Bình luận (0)