Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

06/03/2022 07:10 GMT+7

Người dân địa phương bức xúc vì cơ sở sản xuất dầu DO giả với quy mô lớn trên đất nông nghiệp, xe tải vào ra rầm rộ, hoạt động từ sáng đến khuya, gây mùi hôi nồng nặc cả năm nay. Cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương vẫn... vô cảm (!?).

Sau khi cơ sở sản xuất dầu DO không phép của ông Trần Thiện Minh (39 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa) bị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triệt phá chiều 2.3, người dân địa phương bày tỏ sự vui mừng bởi môi trường ở khu vực này được trả lại trong lành.

Dân than trời vì mùi hôi

Từ khi cơ sở sản xuất dầu DO không phép của ông Minh tại thôn 5, xã Bình Trung, H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đi vào hoạt động, người dân địa phương hằng ngày phải hít khí thải nồng nặc từ việc nấu dầu. Người dân đi làm ruộng, rẫy quanh khu vực lò nấu bị ảnh hưởng rất nhiều nên tỏ ra bức xúc. Kể cả những người dân sinh sống trong khu dân cư cách lò nấu dầu của ông Minh cả cây số vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi khí hôi thối.

Xe bồn vô lấy dầu trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không hay biết

thanh niên

Ông N.V.T (ngụ thôn 5, xã Bình Trung) phàn nàn: “Tôi có mảnh ruộng gần cơ sở nấu dầu này nên mỗi ngày đi làm đều phải ngửi mùi hôi nồng nặc. Hai ống khói cứ xả liên tục, mùi hôi bay theo gió khắp nơi ám vào áo quần. Chỉ cần ngửi mùi khí do lò nấu thải ra một lúc là nhức đầu, buồn nôn. Chưa nói, mùi hôi theo gió thổi bay vào tận khu dân cư chúng tôi khiến mọi người rất khó chịu”.

Nhà cách cơ sở nấu dầu của ông Minh không xa, vì liên tục hít phải mùi hôi thối gây khó thở, ông H.A (ngụ thôn 5) bức xúc: “Chúng tôi ở đây hằng ngày bị tra tấn bởi mùi hôi từ sáng sớm đến đêm chịu không nổi. Nhiều hôm không có gió thì mùi còn nồng nặc rất khó thở. Dân ở đây nhiều người biết và phản ứng mạnh lắm nhưng không thấy ai xử lý. Cả năm nay mới thấy công an vào cuộc, trả lại môi trường trong lành cho người dân chúng tôi”.

Dầu “thành phẩm” hằng tháng bán ra thị trường 200.000 lít

Thanh Niên

Còn ông C.X.Đ (62 tuổi, ngụ thôn 6) cho hay, hơn một năm trước khi ông đi làm ruộng thì ngửi thấy mùi hôi nồng nặc phát ra từ cơ sở này, nhưng vì họ vây tôn bao kín nên không thể biết sản xuất gì bên trong. Qua tìm hiểu, người dân phát hiện cơ sở này hoạt động đốt lò, thải khói gây mùi hôi. Chính ông Đ. trong lần tiếp xúc cử tri đã phản ánh lò nấu dầu ông Minh gây ô nhiễm môi trường. Chưa hết, ông Đ. còn đến tận UBND xã Bình Trung phản ánh. “Tôi đến xã phản ánh thì vài ngày sau được đoàn cán bộ của xã dẫn vào lò nấu dầu kiểm tra nhưng lúc này lò rất sạch sẽ, khói không còn. Thế nhưng vài ba ngày sau thì lò lại đốt, khói hôi thối lại bay khắp nơi”, ông Đ. kể.

UBND xã Bình Trung bị lừa?

Trong suốt thời gian dài nhóm PV Thanh Niên đeo bám hoạt động tại cơ sở của ông Minh, ghi nhận hằng ngày xe tải các nơi chở dầu nhớt cặn đến để nấu dầu thành phẩm, rồi vài ngày sau xe bồn lại đến hút dầu đưa đi tiêu thụ. Hoạt động ì xèo này diễn ra một cách công khai, rầm rộ, chỉ cách trụ sở UBND xã Bình Trung khoảng 1 km, vì sao chính quyền địa phương không biết?

Trả lời câu hỏi của PV, bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, nói rằng hơn một năm trước, chủ cơ sở có đến xã xin làm nơi thu mua phế liệu, chứ không phải nấu dầu. “Sau đó, người dân phản ánh thì chúng tôi mới biết là họ tái chế dầu nhớt cặn. Do việc tái chế dầu nhớt cặn không đúng quy định nên xã đã yêu cầu họ ngưng hoạt động. Đến nay cơ sở nấu dầu của ông Minh bị công an triệt phá, báo chí phản ánh, tôi cảm thấy họ đã lừa dối địa phương”, bà Huệ giãi bày.

Theo biên bản kiểm tra xây dựng và môi trường ngày 24.12.2021 của UBND xã Bình Trung lập, thể hiện việc cơ sở này thuê đất của một người dân tại thôn 3, xã Bình Trung. Tại cơ sở này xây dựng hệ thống xử lý nhớt thải, dầu thải bao gồm 5 bồn chứa, một số thùng phuy, 2 lò chưng cất xử lý nhớt thải; 1 nhà xưởng xây tạm và tường rào tôn bao quanh. Thời điểm lập biên bản, hệ thống xử lý nhớt thải đã được vận hành 50%.

Tại hiện trường ghi nhận có mùi hôi gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Cơ sở vẫn chưa có giấy phép hoạt động cũng như các đồ án bảo vệ môi trường. UBND xã Bình Trung đề nghị chủ cơ sở dừng các hoạt động, khi có giấy phép phải báo và cung cấp hồ sơ liên quan đến hoạt động cho cơ quan chức năng. “Dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi phải lo rất nhiều công việc. Tôi có giao cán bộ địa chính thường xuyên kiểm tra giám sát nhưng thời điểm vừa rồi họ lén lút hoạt động lại”, bà Huệ nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng TN-MT H.Châu Đức cho biết khu đất mà ông Minh làm cơ sở nấu dầu không phép là đất trồng cây lâu năm. Diện tích khu đất làm cơ sở 2.500 m2 là sử dụng sai mục đích, vượt thẩm quyền xử lý của địa phương. Trường hợp UBND xã Bình Trung phát hiện, lập biên bản kiểm tra, sau đó phải báo cáo UBND huyện để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên địa phương đã không làm việc này.

Phải khởi tố để điều tra

Qua theo dõi loạt bài điều tra trên Báo Thanh Niên đăng tải, luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định hành vi của ông Trần Thiện Minh đã cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 bộ luật Hình sự. “Với hình ảnh, clip trên các bài viết chứng tỏ sản xuất của cơ sở này có quy mô lớn, xe bồn liên tục vào lấy hàng, đưa đi tiêu thụ chứng tỏ số lượng lớn như vậy, đủ yếu tố để cấu thành tội danh nêu trên. Đây là hành vi giả về chất lượng hoặc giả về quy cách, không có giấy phép, không đúng công thức. Dầu DO không phải ai cũng sản xuất được, ở VN may ra chỉ có vài đơn vị mà hầu hết là nhập khẩu. Riêng những người lấy dầu ở cơ sở ông Minh sản xuất mà biết là hàng giả vẫn mua về trộn với dầu thật để bán ra thị trường lấy lãi thì rõ ràng cũng là tội mua bán hàng giả”, luật sư Tám nói.

Cũng theo quan điểm của luật sư Tám, cơ sở nấu dầu của ông Minh với số lượng cho ra thành phẩm rất lớn, cho dù chưa đưa đi tiêu thụ cũng đã cấu thành hành vi sản xuất hàng giả mà không cần người mua dùng vào việc gì cả. Người ta mua dùng làm dầu đốt hay chạy xe cũng rất tai hại và nguy hiểm. “Theo tôi, với hành vi rõ như vậy cần xác định đây là hành vi sản xuất hàng giả và phải khởi tố để điều tra triệt để, nhằm tránh tình trạng sản xuất, mua bán xăng dầu giả gây bức xúc lâu nay. Với hình thức pha trộn, đốt nấu thủ công với quy mô lớn trong khu ruộng rẫy như thế này để bán cho các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng trong thời gian dài thì càng nguy hiểm”, luật sư Tám nói.

Liên quan đến loạt bài điều tra Báo Thanh Niên đăng tải, ngày 5.3, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đã yêu cầu UBND H.Châu Đức báo cáo vụ việc và xử lý những cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng cơ sở nấu dầu không phép trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề hay biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.