Sau ngày 31.3, thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 1 chiều và dừng 2 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. Sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên nhà mạng ra "tối hậu thư" về việc đăng ký SIM chính chủ. Nhiều năm trước, người dân đã phải "rồng rắn xếp hàng" chờ đăng ký thông tin cá nhân cho SIM. Nhưng đến nay, SIM "rác" vẫn tràn lan, không chỉ gây phiền toái bằng cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác" mà còn tiềm ẩn rủi ro khi còn được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Thẳng thắn mà nói, việc đăng ký thông tin chủ thuê bao điện thoại di động - SIM là cần thiết, đảm bảo quy định, nhưng rõ ràng chưa thể là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng SIM "rác". Biện pháp này chỉ phòng người ngay, chứ không thể phòng kẻ gian!
Vì sao? Vì hầu hết những người mua SIM "rác", vốn là loại SIM trả tiền trước, để tổ chức quảng cáo "rác" hay lừa đảo thì chẳng dại gì mà đi đăng ký thông tin. Đối tượng này cũng sử dụng hết hạn mức gọi, nhắn tin của SIM rất nhanh, không phải dùng lâu dài, nên cũng chẳng có lý do gì để đi đăng ký thông tin.
Vấn đề đặt ra là tại sao còn có SIM đã được kích hoạt, SIM được bán trên thị trường mà người mua không cần phải đăng ký thông tin? Đây là trách nhiệm của nhà mạng!
Vốn dĩ, SIM lẫn thẻ nạp tiền điện thoại được các nhà mạng cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối, nên các nhà mạng phải có trách nhiệm đảm bảo từng SIM được bán ra, SIM được kích hoạt đều phải được lưu trữ thông tin chính xác người sử dụng theo quy định. Với những gì đã diễn ra, người ta có quyền đặt câu hỏi phải chăng nhà mạng chỉ tập trung vào doanh thu, bán được hàng, cạnh tranh thu lợi bán SIM trả trước mà không kiểm soát chặt chẽ quá trình bán hàng, nên dẫn đến tình trạng SIM "rác" tràn lan như hiện nay.
Chính vì thế, lẽ ra, mỗi khi một số thuê bao vi phạm quy định hoặc được sử dụng cho các hành vi phạm pháp như lừa đảo, thì cơ quan chức năng phải quy trách nhiệm rõ ràng của nhà mạng đối với việc phải cung cấp chính xác thông tin thuê bao liên quan vụ việc. Trong từng trường hợp, nếu nhà mạng không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu, thì cần phải có biện pháp xử lý. Có như thế, các nhà mạng mới siết chặt quy trình cung ứng SIM trả trước ra thị trường, thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả SIM "rác".
Còn với các biện pháp hiện nay, chúng ta chỉ có thể phòng được người ngay mà không thể phòng được kẻ gian.
Bình luận (0)