Sau các bài viết đăng tải trên Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng “hung thần” xe ben lộng hành trong khu vực nội đô TP.HCM, Sở GTVT TP dự kiến từ ngày 1.9 tới chỉ nhận hồ sơ đề nghị cấp phép lưu thông vào nội đô TP đối với các phương tiện đã thực hiện truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Sở.
Việc truyền dữ liệu là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ. Vấn đề quan trọng hơn vẫn là giám sát các dữ liệu ấy như thế nào để xử lý hiệu quả các sai phạm nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông.tin liên quan
Hú vía vì “hung thần” xe ben "đại náo" trên Xa lộ Hà NộiTừ vài năm qua, ngành giao thông đã thực hiện lộ trình dần bắt buộc các loại phương tiện đường bộ hoạt động kinh doanh như taxi, xe khách tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe tải... phải gắn thiết bị giám sát hành trình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT). Thế nhưng, trong thực tế thì công tác giám sát việc thực thi các quy định này dường như chưa hiệu quả, nếu không muốn nói là bị buông lỏng. Điển hình như trong vụ tai nạn thảm khốc hồi cuối tháng 7 tại Quảng Nam, khi chiếc xe khách hợp đồng tông vào xe container khiến 13 người chết thì chiếc xe khách không hề có thiết bị giám sát hành trình. Trước đó hơn 1 tháng, vào giữa tháng 6, một xe khách lao xuống đèo Lò Xo (Kon Tum) khiến 3 người chết và hơn 20 người bị thương. Chiếc xe gặp nạn này sau đó cũng bị phát hiện là không có dữ liệu về giám sát hành trình.
Rõ ràng, nếu kiểm tra giám sát hiệu quả việc gắn thiết bị và truyền dữ liệu thì cơ quan chức năng có thể xử lý sớm những sai phạm để phòng ngừa nguy cơ tai nạn từ các xe trên. Lẽ ra, cơ quan chức năng mà cụ thể là ngành giao thông từ sớm phải chủ động cập nhật thường xuyên, thậm chí là kiểm soát theo thời gian thực, để có biện pháp xử lý sai phạm của các xe thuộc diện bắt buộc gắn thiết bị kiểm soát hành trình. Bởi các dữ liệu ấy gồm tốc độ xe, hành trình, thông tin và tình trạng tài xế... có thể được cập nhật gần như liên tục qua thiết bị đã gắn.
Quay lại với TP.HCM, khi Thanh Niên phản ánh tình trạng xe tải chạy sai giờ, chạy quá tốc độ trong nội đô thì lực lượng chức năng vẫn thường biện minh rằng là không đủ nhân lực, hoặc xe đã “né” được các chốt kiểm soát. Vậy thì, thời gian qua, tại sao không khai thác thông tin dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của những chiếc xe “hung thần” ấy để xử lý sai phạm?
Chính vì thế, vấn đề quan trọng nhất để quản lý hiệu quả xe tải trong nội đô vẫn là trách nhiệm giám sát của lực lượng chức năng, cụ thể là ngành GTVT và lực lượng cảnh sát giao thông. Bởi dù thiết bị hiện đại đến đâu, dữ liệu chính xác đến cỡ nào mà việc xem xét, xử lý của người có chức trách bị buông lỏng thì đều vô ích.
Bình luận (0)