Theo thông báo của Công ty CP đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư hầm đường bộ Hải Vân 2, đồng thời là đơn vị quản lý vận hành 2 hầm đường bộ Hải Vân, mức thu phí sẽ áp dụng tại trạm BOT này cho 5 loại phương tiện, trung bình từ 110.000 - 280.000 đồng/lượt xe, tăng khá nhiều so với mức trước đây từ 70.000 - 240.000 đồng/lượt xe. Trong đó, mức tăng đối với xe 7 chỗ trở xuống tương đương 64%.
Tăng đúng quy định(?)
Đó là giải thích của ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả. Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 7.900 tỉ đồng. Công trình có chiều dài 6,2 km (bao gồm cả đường dẫn là 12,4 km), là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, do Công ty CP đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư, gồm 2 giai đoạn, gồm nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1, sửa chữa tuyến đường qua đèo Hải Vân và thi công mở rộng hầm Hải Vân 2.
|
Trong quá trình thực hiện, dù còn nhiều khó khăn như vốn ngân sách nhà nước không giải ngân đủ như đã cam kết trong hợp đồng (còn thiếu 1.180 tỉ đồng), nhưng nhà đầu tư đã chủ động huy động các nguồn lực để triển khai thi công và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng từ ngày 11.1.2021. Với quy mô và tổng mức đầu tư lớn như vậy, nhà đầu tư có huy động thêm vốn vay để thực hiện dự án. Theo ông Nam, sau khi dự án hoàn thành thì nhà đầu tư được quyền thu phí để hoàn vốn thông qua giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ.
“Áp lực về tín dụng không phải là lý do để nhà đầu tư tăng phí. Việc điều chỉnh này đã được quy định trong hợp đồng, không phải tình huống phát sinh; Giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ, người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ”, ông Nam giải thích.
Cũng theo ông Nam, hiện nay phía nhà nước vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết của hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư. Cụ thể là chưa bố trí đủ phần vốn ngân sách nhà nước tham gia (còn thiếu 1.180 tỉ đồng) khiến dự án thiếu hụt nguồn vốn, nhà đầu tư đã phải ứng trước phần vốn của mình để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Đồng thời việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, dẫn đến việc thiếu hụt kinh phí để vận hành, bảo trì hầm Hải Vân 2 cũng như không đủ nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Sự chậm trễ trên khiến nhà đầu tư phải chịu phát sinh lãi vay gần 500 tỉ đồng.
Tất cả đều đổ lên đầu người dân
Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tại khu vực Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế cho rằng việc Bộ GTVT cho phép Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả tăng phí sử dụng đường bộ BOT Nam Hải Vân hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 quá cao và không có sự chia sẻ với người dân và DN vận tải, gây ra làn sóng bức xúc.
Ông T.V.T (tài xế xe khách chạy tuyến Huế - Đà Nẵng) cho biết ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, nên thời gian qua lượng khách Huế đi Đà Nẵng và ngược lại đều giảm sút rất lớn. “Với mức thu hiện hành, các lái xe chúng tôi cũng đã không có ăn rồi, huống chi phí qua hầm còn tăng, chắc chắn giới kinh doanh vận tải gặp khó khăn, giới lái xe chắc chết đói thôi”, ông T.V.T nói.
Trả lời Thanh Niên ngày 30.4, ông Hoàng Việt Cường, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết ngày 24.4, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ GTVT đề nghị lùi thời gian tăng phí dịch vụ qua hầm đường bộ Hải Vân đến 1.6, vì kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý. Văn bản trên đã được Bộ GTVT xác nhận “đã nhận được” nhưng đến nay phía Bộ GTVT vẫn chưa có phản hồi.
Bùi Ngọc Long
|
Ông Nguyễn Minh Thành (trú tại TP.Huế, làm việc cho một DN ở Đà Nẵng) tháng nào cũng phải từ Huế vào Đà Nẵng họp cơ quan, cho rằng: “Phí qua hầm tăng, chắc chắn các đơn vị vận tải sẽ tăng giá vé, như vậy rồi tất cả cũng đổ lên đầu người dân mà thôi”.
Trả lời Thanh Niên chiều 30.4, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP.Đà Nẵng, cho hay qua giải trình của chủ đầu tư, thấy điểm nghẽn với Bộ GTVT, quy trình không sai, nhưng tăng giá với lý do tín dụng ngân hàng thì chưa thuyết phục.
“Việc đó có phải lỗi của người dân đâu, tăng phí quá cao như vậy chi phí đầu vào của DN tăng rất dữ. Nhiều nơi đang gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT lùi thời hạn tăng giá, theo tôi hợp lý là phải lùi thêm 1 năm, vì hiện nay sức khỏe DN sau Covid-19 chưa khỏe lắm, đặc biệt là DN vận tải từ 1.7 bắt buộc phải lắp camera thì đổ dồn thêm gánh nặng chi phí, cuối cùng cũng tính vào giá thành mà người dân phải gánh chịu”, ông Tô Văn Hiệp nói.
Bộ GTVT nói gì?
Trả lời Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho biết việc tăng giá phí hầm Hải Vân 2 đã được Bộ rà soát, đánh giá từng dự án cùng các DN BOT theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP tháng 12.2020.
“Việc điều chỉnh tăng phí tuân thủ hợp đồng dự án đã ký kết khi nhà đầu tư đã hoàn thành công trình hầm Hải Vân 2. Với việc hoàn thành hầm Hải Vân 2, người dân và DN vận tải được sử dụng công trình mới, dịch vụ mới chất lượng hơn, lưu thông 1 chiều với 2 làn xe trên mỗi ống hầm, thời gian di chuyển giảm còn khoảng 6 phút so với 15 phút trước đây”, đại diện Bộ GTVT nói và cho rằng người dân có thêm lựa chọn khác ngoài hầm Hải Vân. Cụ thể, tuyến đường qua đèo Hải Vân hiện hữu và tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đưa vào khai thác (không thu phí).
Đáng chú ý, năm 2019 Trạm BOT Bắc Hải Vân từng tăng phí và thu gộp luôn cho cả dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Theo Quyết định 460/QĐ-BGTVT, Bộ GTVT chấp thuận sử dụng Trạm BOT Bắc Hải Vân để hoàn vốn dự án Phước Tượng - Phú Gia và dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân). Tuy nhiên, do Trạm Phước Tượng - Phú Gia đặt tại cửa bắc hầm Hải Vân (cách 12 km), nên không thể tổ chức thu phí tại trạm Nam Hải Vân do cự ly 2 trạm quá gần. Theo đại diện Bộ GTVT, đây là lý do Bộ GTVT quyết định thu phí gộp và chia sẻ doanh thu giữa 2 dự án.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thu phí gộp với mức giá quá cao tại một trạm vẫn gây thiệt thòi cho những người dân đi làm việc khoảng cách gần từ Đà Nẵng ra TT.Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), bởi thực tế họ chỉ sử dụng 1/2 quãng đường nhưng vẫn phải đóng đủ. Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết đang xem xét các kiến nghị và sẽ sớm có phản hồi, trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân và DN, song phải tôn trọng hợp đồng đã ký kết, không phá vỡ phương án tài chính của DN.
Hầm đường bộ Hải Vân (thuộc địa phận nối ranh giới Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng) nằm trên tuyến QL1, huyết mạch quốc gia. Vì vậy, việc “khoán trắng” cho DN đầu tư, quản lý vận hành rồi tự đưa ra mức thu hoàn vốn khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà nước trong quản lý hạ tầng quốc gia, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn như hiện nay.
Bình luận (0)