Cam, quýt giàu vitamin, khoáng chất
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cam có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm. Cam cũng rất giàu vitamin, khoáng chất, flavonoid, chất chống oxy hóa, đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn,... Nước cam là thức uống thơm ngon, bổ dưỡng ngày hè, có thể kết hợp với các loại củ, trái cây khác để pha chế thành những ly nước ép hấp dẫn, có thể thêm chút muối hoặc đường để dễ uống và không hại dạ dày.
Tuy nhiên, lưu ý không nên uống quá nhiều nước ép cam, chỉ nên uống 1 cốc/ngày, tương ứng khoảng 200ml. Phụ nữ có thai có thể uống nhiều hơn nhưng nên chia ra nhiều lần uống. Trẻ em chỉ uống 1/2 quả cam mỗi ngày là đủ. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tuyến tụy, hay bệnh thận nên hạn chế ăn cam. Không nên ăn cam khi đói, hoặc ngay khi ăn no hoặc ngay trước và sau khi uống sữa.
Chanh thanh nhiệt, hỗ trợ trị cảm nắng
Theo Đông y, chanh có vị chua ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân, chỉ khát, trừ thấp, an thai, có thể dùng trong các trường hợp cảm nắng, mất nước, khát nước, vật vã kích động, bị nhiệt miệng, ăn kém,…
Quả chanh là nguồn vitamin vô cùng dồi dào, đặc biệt chứa hàm lượng lớn vitamin C, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm tình trạng mệt mỏi, cân bằng nước và điện giải, duy trì độ ẩm và tính đàn hồi cho da trong những ngày nắng nóng.
Nước chanh là loại nước giải khát vừa rẻ tiền, dễ mua lại dễ làm. Một ngày hè nóng bức và một ly nước chanh tươi thì thật là tuyệt vời, chanh và mùa hè dường như đi đôi với nhau.
Tuy là thức uống giải khát rất tốt nhưng không lạm dụng, vì dùng nhiều nước chanh cũng gây tác hại cho sức khỏe như làm hỏng men răng, hại dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, gây mất nước, thừa vitamin C,… Người có bệnh lý về răng miệng, bệnh dạ dày, tá tràng chưa ổn định, bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì không nên dùng nước chanh.
Giải nhiệt cơ thể trong ngày hè đúng cách là rất quan trọng. Cần chú ý an toàn thực phẩm đối với các loại thức ăn, nước uống giải nhiệt mùa nóng từ trong việc lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản, sử dụng,... để cơ thể vừa được thanh mát vừa an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ khuyến cáo cần đảm bảo uống đủ nước, trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi, làm việc ngoài trời nắng hay đi ngoài nắng phải có trang phục bảo hộ (đội mũ, mang găng, đeo kính mát, khẩu trang,…). Nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và giảm thiểu hoạt động ngoài trời trong thời gian nắng nóng, để giúp phòng bệnh mùa hè nắng nóng.
Bình luận (0)