Trái cây rớt thảm, giá nào cũng có

14/02/2023 04:16 GMT+7

Mới đầu năm nhưng tấm bảng "giải cứu" trái cây lại xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là tại TP.HCM. Ngược lại với giá thịt, tại chuồng rớt thảm nhưng ra chợ lại đội lên gấp hai, gấp ba lần.

Cung cao cầu thấp, giá lao dốc

Sáng qua (13.2), anh T.V.L, chủ một vườn cam tại Vĩnh Long, thông báo: "Tôi sẽ thu hoạch đợt cuối từ đây đến đầu tháng sau rồi trả vườn lại cho chủ không thuê nữa. Giá cam hiện nay tại vườn loại đẹp chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, nhưng tỷ lệ khoảng 50% thôi, còn lại là thương lái trả thấp lắm. Tôi nản nên không làm nữa". Bà Trần Thị Thắm, một chủ vựa ở Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết: "Giờ chỉ giao cam xô thôi không lựa nữa, giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tùy theo số lượng, mình mua tại vườn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy hàng đẹp xấu. Thêm công cắt, vận chuyển về vựa, đóng hàng… nên bán gấp đôi cũng chưa đủ lời. Tôi làm nghề mười mấy năm nay rồi thêm làm vườn gần 30 năm, mà chưa từng thấy giá cam rẻ như vậy".

Đắng nghét ở “thủ phủ” cam sành vì giá lao tận đáy còn dưới 1.000 đồng/kg

 Trái cây rớt thảm, giá nào cũng có       - Ảnh 1.

Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, thông điệp “giải cứu” lại xuất hiện

Chí Nhân

Từ cuối tuần trước, người trồng ở thủ phủ cam sành (Vĩnh Long) kêu trời vì giá chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg và đứng trước nguy cơ chặt bỏ hàng ngàn héc ta cam nếu giá không được vực dậy. Khảo sát tại các chợ và siêu thị TP.HCM hôm qua, cam sành cũng tràn ngập với giá bán khác nhau nhưng chênh lệch không nhiều. Tại các siêu thị, cam sành loại 1 giá 17.200 đồng/kg, loại 2 còn 13.900 đồng/kg. Trong khi đó, các loại đạt chuẩn VietGAP/GlobalGAP có giá từ 23.500 - 23.900 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, giá cam rớt liên tục từ mức 10.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg, thậm chí một số loại nhỏ chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg.

"Chênh lệch giá cam từ vườn lên đến TP.HCM không nhiều, chủ yếu là "giải cứu" cho người trồng", anh Cao Văn Dũng, tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ Xóm Mới (đường Lê Đức Thọ, P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bộc bạch: "Cam đẹp thì bán 10.000 đồng/kg, bán ế để vài ngày thì giảm xuống. Tuy nhiên, sức mua rất chậm vì có nhiều loại trái cây khác cũng rẻ nên người mua có nhiều lựa chọn".

 Trái cây rớt thảm, giá nào cũng có       - Ảnh 2.

 Trái cây rớt thảm, giá nào cũng có       - Ảnh 3.

Nhiều loại trái cây giá chưa tới 10.000 đồng/kg

Ngoài cam sành, nhiều loại trái cây miền Tây cũng đang ở mức dưới 10.000 đồng/kg như: mận đá, mận đường, mận An Phước, xoài Đài Loan, xoài cát chu, dưa gang. Tại các chợ đầu mối, ổi cũng có giá chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, củ sắn còn 7.000 đồng/kg; xoài xanh giống Đài Loan 29.900 đồng/kg; xoài vàng giống Đài Loan 38.900 đồng/kg…

Anh Nguyễn Hiếu, chủ vựa cam tại Biên Hòa (Đồng Nai), chia sẻ mấy ngày nay thường đi thu mua trực tiếp trái cây cho bà con tận vườn, hạn chế mua qua cò lái hoặc giới thiệu trung gian vì giá trái cây hiện đang quá thấp, nếu bị ăn "cò" nữa thì họ không còn được bao nhiêu. Vì vậy, anh khuyến khích chủ vườn liên hệ trực tiếp, gửi hình ảnh, video vườn cam để định giá, đặt cọc, thu mua.

Đang đi thực tế ở các vùng chuyên canh cam ở Vĩnh Long. Dọc bờ sông Hậu, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho biết hầu hết bà con bỏ đất lúa trồng cam vì mấy năm qua cam trúng mùa trúng giá lãi cao. Lý giải tình trạng giá cam rớt thảm, GS Bùi Chí Bửu nói, trước đây thị trường phía bắc và đặc biệt là Hà Nội tiêu thụ cam rất mạnh. Thế nhưng giờ họ không tiêu thụ mạnh như trước nữa vì trùng với cam của các tỉnh phía bắc. Bên cạnh đó, diện tích trồng cam tăng quá nhanh. Các giống cam cao sản được đưa vào sản xuất và bà con nông dân tận dụng triệt để các kỹ thuật chăm sóc làm năng suất cam tăng vọt. Cung vượt cầu khiến giá lao dốc.

Đại diện Hiệp hội Rau quả VN cũng thừa nhận, nhu cầu sau Tết Nguyên đán đang xuống thấp, sức mua chưa phục hồi vì công nhân đang khó khăn, các bếp ăn giảm khẩu phần, và một lượng lớn du khách nước ngoài chưa quay trở lại. Đối với các loại trái cây tiêu thụ nội địa, thị trường rất đa dạng chủng loại, chưa kể trái cây nhập khẩu nên sự cạnh tranh rất lớn, giá giảm. Ngược lại, xuất khẩu trái cây của VN đang thuận lợi với các vùng trồng đã được liên kết hợp tác, được cấp mã chứng nhận và chất lượng ổn định.

Giá trái cây trên vỉa hè TP.HCM đột ngột rẻ đến bất ngờ

Từ chuồng ra chợ, giá thịt đội gấp đôi, gấp ba

Không chỉ trái cây, thị trường thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, bò cũng đang rớt giá mạnh. Theo ghi nhận của PV, giá bò hơi, heo hơi trên cả nước đã và đang đứng mức thấp trong thời gian dài, khiến người chăn nuôi thua lỗ. Cụ thể, giá heo hơi bình quân cả nước hiện chỉ khoảng 52.500 đồng/kg, giá bò hơi tại chuồng trại từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người nuôi lao đao, nhiều người treo chuồng không dám tái đàn. Đáng nói là trong khi giá tại chuồng rớt thảm thì thịt heo, thịt bò ra đến các chợ vẫn không hề rẻ.

Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, giá thịt heo vẫn neo ở mức cao kể cả sản phẩm thường hay có thương hiệu. Cụ thể, tại siêu thị Lotte, sản phẩm thịt ba rọi heo được giới thiệu xuất xứ VN có giá 185.000 đồng/kg, giảm giá còn 149.900 đồng, sườn non giá 285.000 đồng/kg, nạc dăm 171.000 đồng/kg, thịt đùi và cốt lết được khuyến mãi đồng giá 99.000 đồng/kg (so với giá chính thức 130.000 - 136.000 đồng/kg). Thịt bò VN giá cũng rất cao. Ví dụ, nạm giá 225.000 đồng/kg (đã giảm 10.000 đồng/kg), bắp bò 289.000 đồng/kg, bò bít tết 299.000 đồng/kg, gân bì 225.000 đồng/kg.

Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, giá các sản phẩm thịt heo có thương hiệu cũng ở mức cao. Cụ thể như: sườn già 148.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, sườn non 216.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 216.000 đồng/kg, thịt ba rọi 160.000 đồng/kg… rẻ nhất là xương ống 65.000 đồng/kg. Các sản phẩm thịt bò như: phi lê có giá 350.000 đồng/kg, thăn bò 330.000 đồng/kg, bắp bò 245.000 đồng/kg…

Tại các chợ truyền thống, giá thịt heo, thịt bò bình quân thấp hơn hệ thống phân phối lớn 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Với mức giá bán lẻ như vậy, chênh lệch giữa giá thịt hơi và thịt pha lóc gần gấp 2 lần. Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), các khâu trung gian đang hưởng lợi nhiều nhất trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ, đây là một bất cập tồn tại lâu nay nhưng cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng cơ quan phụ trách phía nam Hội Làm vườn VN, nhận định: Giá cây nội địa rớt vì nhu cầu tiêu thụ hiện ở mức thấp, không chỉ tại VN mà các nước có nghỉ Tết âm lịch. Còn sầu riêng giá cao kỷ lục bởi đang là thời điểm nghịch vụ, hàng khan hiếm, trong khi mới mở được thị trường lớn là Trung Quốc. Phải chờ đến lúc chính vụ sầu riêng thì mức giá mới phản ánh được giá trị thực. Thực tế này đặt ra bài toán "rải vụ" cho trái cây để tránh việc thu hoạch đồng loạt. Đối với cam sành, thời điểm này ai cũng biết giá sẽ thấp nên những hộ trồng lâu năm, có kinh nghiệm đều né vụ này để dưỡng cây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.