Thoát giá sàn
Mấy ngày gần đây, thương lái tại khu vực tỉnh Bình Thuận đã bắt đầu tìm mua thanh long để xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Giá thanh long loại 1 mua tại vựa đã liên tục tăng từ 15.000 đồng/kg lên mức 18.000 đồng/kg. Giá loại 2 cũng được thương lái mua với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg, cao hơn khá nhiều so với thời điểm cách đây nửa tháng. Chị Đặng Thị Hương, một thương lái thu mua thanh long, cho biết: “Giá thanh long gần đây tăng lại vì cửa khẩu Trung Quốc đã được xuất khẩu trở lại, nhu cầu tiêu thụ tăng và sản lượng tại các vườn đã gần hết. Hiện tại rất khó tìm được vườn có hàng loại 1 mà đa số là loại 2 và hàng xá để bán chợ. Nhu cầu tiêu thụ trong đợt rằm cũng khiến giá tăng cao”.
Giá một số loại nông sản trái cây Việt tăng lên gần đây chủ yếu là do nhà vườn đã hết sản lượng chứ thật ra tình hình xuất khẩu trái cây vẫn chưa thể lạc quan được
Mặc dù vậy thanh long tại vườn không còn nhiều do các chủ vườn đã giảm diện tích và thu hoạch gần hết trước đó. Anh Nguyễn Anh Dũng, chủ vườn thanh long tại xã Tân Thuận, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cho biết: “Giá thanh long gần đây đang tăng mạnh, loại nhỏ nhất cũng được thương lái tìm mua với giá 6.000 đồng/kg. Với mức giá này thì người trồng thanh long đã thoát lỗ, nhưng đợt thu hoạch cao nhất thì đã hết rồi nên hiện nay chỉ còn một số ít vườn còn trái”. Theo một số chủ vựa, giá thanh long hiện nay đã khá cao so với thời điểm cách đây 1 - 2 tháng, khi giá thanh long nằm sàn ở mức 1.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng ớt xuất khẩu, giá cũng tăng liên tục từ đầu tháng 4. Nhiều nơi giá ớt đã tăng cao trên 50.000 đồng/kg. Cụ thể: Giá ớt tại An Khê (Bình Định) dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, tại Đồng Nai, Bình Dương là 35.000 đồng/kg; tại Đồng Tháp, Cần Thơ là 33.000 - 38.000 đồng/kg. Nay giá ớt đang giảm nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức khá cao so với 1 tháng trước. Một số nhà vườn cho biết, có những lúc thương lái tranh nhau mua, đẩy giá ớt lên cao gấp 2 - 3 lần so với trước đó. Tuy nhiên, giờ đang vào mùa mưa nên sản lượng thấp, nhiều vườn đã thu hoạch trước đó nên đến thời điểm hiện tại không còn nhiều ớt để bán. Theo ghi nhận, có khá nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu mua ớt tươi để xay cấp đông xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều vùng trồng ớt tại miền Tây như Đồng Tháp, Sóc Trăng... giá ớt đạt chuẩn xuất khẩu được thu mua đến hơn 40.000 đồng/kg.
Giá dưa hấu ngày 14.4 cũng tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện một số ruộng trồng dưa ở Long An đang bán giá tại vườn từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, dưa hấu ở một số tỉnh khu vực Tây nguyên bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, dưa vùng Đông Nam bộ giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn cho biết giá dưa hấu đang tăng mạnh trở lại sau khi cửa khẩu Trung Quốc được mở lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam nhiều hơn. Với mức giá này, dưa hấu đã thoát được mức giá nằm sàn dưới 1.500 đồng/kg vào tháng trước, dù chưa trở lại mức cũ và nông dân đã có thể có lãi.
Giá trái cây đang tăng lên, nhưng vẫn còn đó nỗi lo thị trường Trung Quốc bất ngờ đóng cửa |
Quang Thuần |
Chưa thể lạc quan
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), thông tin: “Tình hình xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị đã được lưu thông trở lại sau 1 tháng tạm ngừng do phía Trung Quốc xét nghiệm toàn bộ nhân viên sau khi phát hiện 1 ca dương tính Covid 19. Tại đây mỗi ngày có khoảng 20 xe chở hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc”. Tình hình cửa khẩu đã có chuyển biến tích cực hơn, tổng số phương tiện còn tồn đến ngày 13.4 tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ có 362 xe (trong đó có 178 xe tại khu trung chuyển, 171 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị, 13 xe tại bãi Cốc Nam). Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, mỗi ngày có khoảng 70 - 80 xe xuất khẩu thông quan. Tổng số phương tiện còn tồn ngày 13.4 là 911 xe (trong đó tại bãi Bảo Nguyên 233 xe, khu phi thuế quan 582 xe, 96 xe tại bãi Cốc Nam). Số lượng xe xuất khẩu bình quân chưa đến 100 xe mỗi ngày, nếu so với công suất có thể đảm nhận lên đến 400 xe/ngày đêm thì vẫn chưa thể lạc quan.
Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cho biết: “Thời điểm này nhu cầu tiêu thụ thanh long đang khá tốt. Thị trường Trung Quốc vẫn nhập đều đặn nên tôi xuất khẩu cả đường biển và đường bộ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là xuất khẩu bằng đường biển đang rất kẹt container. Hiện nay công ty chúng tôi vẫn còn kẹt 13 container chưa đi được”.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam, nhận định: “Giá một số loại nông sản trái cây Việt tăng lên gần đây chủ yếu là do nhà vườn đã hết sản lượng chứ thật ra tình hình xuất khẩu trái cây vẫn chưa thể lạc quan được. Cửa khẩu Trung Quốc đã mở nhưng lượng xe xuất đi vẫn còn hạn chế, chỉ vài chục xe mỗi ngày. Tính chung từ đầu năm đến tháng 3.2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt xấp xỉ 700 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm gần 80 triệu USD. Việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này không quá khó đoán khi thị trường Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu trên các địa bàn biên giới phía bắc từ cuối năm 2021 đến nay”. Theo ông Nguyên, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn còn phức tạp, nhiều khả năng nước này sẽ kéo dài chính sách “Zero Covid” đến hết năm nay. “Thị trường Trung Quốc chiếm thị phần khá lớn trong kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây khoảng 3,5 tỉ USD, năm nay cố gắng hết mức thì đạt được con số như năm ngoái đã là thành công lắm rồi”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Giá phân bón tiếp tục tăng
Giá vật tư, phân bón tăng cao đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất mùa vụ của nông dân. Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty phân bón Vinacam, nhận định: “Diễn biến chiến sự trên thế giới vẫn chưa ổn định, dẫn đến giá cả leo thang, đặc biệt trong lĩnh vực phân bón. Đối với phân bón DAP, hiện các nhà cung ứng Trung Quốc đang chào về Việt Nam với mức giá 1.150 - 1.200 CFR (tương đương giá vốn tầm trên dưới 30 triệu đồng/tấn). Với mức giá này, sẽ khá rủi ro để các thương nhân nhập khẩu Việt Nam có thể cân nhắc mua hàng. Ngoại trừ Vinacam đã chuẩn bị hàng DAP từ đầu năm, chúng tôi không thấy sự tích cực từ các nhà nhập khẩu khác. Thị trường nội địa đang giao dịch hàng DAP 64 nhập khẩu ở mức 26.000 - 27.000 đồng/kg và Đình Vũ mới có văn bản tăng giá từ 21.000 - 22.000 đồng/kg lên 22.000 - 23.000 đồng/kg cho hàng DAP 60 nhưng nguồn cung là hạn chế. Đối với mặt hàng kali bột, đến quý 3/2022 giá sẽ cán đích 20 - 22 triệu đồng/tấn cho kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho kali miểng. Phân NPK cũng trong tình trạng thiếu nguồn cung tương tự, nguồn nhập NPK Nga đã bị chặn, nhập khẩu từ Trung Quốc thì ách tắc vì hàng rào kỹ thuật từ kiểm hóa hải quan. Cùng với việc một loạt nhà máy sản xuất NPK quy mô nhỏ tạm đóng cửa do giá nguyên liệu cao, sản xuất không có lời thì giá NPK sản xuất trong nước bây giờ thực sự nằm trong tay các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Bình Điền, Phú Mỹ, Cà Mau... Với tình hình này, việc bán gối đầu cho các đại lý từ vụ tới chắc chắn sẽ bị siết lại”.
Bình luận (0)