Trái dưa nước giúp 4 chàng trai kiếm bộn tiền

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/11/2021 06:45 GMT+7

Dưa nước là trái gì, ăn như thế nào? Loại trái cây nghe có vẻ lạ tai với nhiều người này đã giúp 4 chàng trai kiếm bộn tiền.

“Dưa nước trái to, căng tròn, có thể to như bắp chân. Ăn lúc còn xanh thì thơm, mát, ngọt, còn lúc chín vàng thì giòn tan, có vị chua nhẹ, khoái khẩu nếu trộn thêm muối, ớt và ăn như món gỏi, salad”, anh Y Phi On Mlô, 26 tuổi, người khởi nghiệp với trái dưa nước ở xã Phú Lộc, TT.Krông Năng, H.Krông Năng, Đắk Lắk, cũng là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam của thị trấn, cho hay.

Anh Y Phi On Mlô tại trang trại trồng dưa nước

Từ vài hạt giống của anh mập

Nói về cơ duyên khởi nghiệp với cây dưa nước, anh Y Phi On Mlô kể: “Tôi học Trường ĐH Luật Hà Nội (phân hiệu Đắk Lắk), có thời gian đi nghĩa vụ quân sự. Là trung đội phó, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân ở Đắk Lắk, tôi hỗ trợ công tác trồng trọt, tăng gia sản xuất trong đơn vị và rất yêu thích công việc liên quan nông nghiệp này. Trong một lần đi dân vận, thấy bà con ở buôn làng còn giữ được giống dưa nước truyền thống ăn rất thơm ngon, trong khi ngoài thị trường, loại trái cây này đang dần khan hiếm, tôi lóe ra một ý tưởng”.

Anh Y Phi On Mlô ngỏ lời xin người dân và chỉ được cho có vài hạt với lý do “giờ hiếm lắm, không cho nhiều”. Anh mang về nhờ mẹ ươm giống. Những chiếc hạt nảy mầm, cũng là khi kế hoạch khởi nghiệp với giống dưa đặc biệt quê hương anh được thành hình.

Xuất ngũ, Y Phi On Mlô cùng 3 người bạn cùng chung chí hướng, bắt tay vào làm trang trại. Mỗi người trong nhóm có thế mạnh khác nhau. Y Phi On Mlô, trưởng nhóm, có kinh nghiệm về cây trồng; anh Y Noel Niê (26 tuổi), học công nghệ sinh học, Trường ĐH Tây Nguyên; anh Y Ngơi Mlô (27 tuổi), học điều dưỡng nhưng muốn thử sức với nông nghiệp sạch; anh Y Yô Rim Niê (31 tuổi), giáo viên dạy nghề trung tâm giáo dục thường xuyên.

20 triệu đồng được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho vay không lãi suất, cộng thêm 4 anh em mỗi người góp 10 triệu đồng, họ có trong tay 60 triệu đồng đầu tiên để làm vốn. Cộng cả đất nhà và đi thuê là 450 m2, họ bắt tay vào làm nhà màng, xây dựng hệ thống giá thể để trồng dưa nước. “Nhóm cần một cái tên, tôi thì dáng người tròn trịa, anh em đều là những người nông dân chất phác, vậy là cả nhóm thống nhất cái tên Mập Farmer đặt cho trang trại của mình”, anh Y Phi On Mlô kể.

Cây dưa nước phù hợp với khí hậu ở Tây nguyên, song cần chăm sóc nó thế nào để đạt năng suất cao, điều này thách thức cả 4 anh em Mập Farmer. Họ nghiên cứu ra phải ngâm hạt trong nước ấm, đặt trong khăn trước khi trồng. Giá thể để trồng dưa nước gồm 40% đất, 20% xơ dừa, còn lại là phân chuồng, rơm, rạ đã qua xử lý, từ đó hạn chế sâu bệnh cho dưa. Đồng thời, dưa nước được trồng trong nhà màng, có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Bên cạnh trồng dưa nước, họ trồng ớt chỉ thiên và cung cấp ớt tươi, ớt đã xay thành bột ra thị trường với giá cao, có lúc bán được 180.000 đồng/kg ớt tươi. Canh tác theo hướng bền vững với môi trường, họ không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Ớt tươi trong vườn cùng với tỏi được những chàng trai chế biến thành chế phẩm sinh học, phun lên trái dưa nước giúp hạn chế sâu bệnh hại trái, an toàn với sức khỏe người dùng.

Ngoài dưa nước, trang trại còn trồng ớt, bầu bí cho thu nhập cao

NVCC

Trên trồng dưa nước, dưới nuôi ốc nhồi

Bắt tay vào làm trang trại từ tháng 9.2020, tới nay 4 chàng trai đang thu hoạch mùa dưa nước thứ 2. Mùa dưa đầu tiên, họ để chín và lấy hạt bán hạt giống, cây giống ra thị trường. “Chúng tôi thu hoạch được khoảng 50 kg hạt, nhu cầu người mua hạt giống dưa nước cao lắm, bán hết veo, giúp chúng tôi thu hồi ngay vốn ban đầu”, Y Phi On Mlô khoe. Mùa dưa thứ 2 này dự kiến thu hoạch được khoảng 1,2 tấn quả, họ bán ra thị trường vài chục ngàn đồng mỗi ký.

Khởi nghiệp rất hiệu quả

Anh Phạm Trọng Phát, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, cho hay dự án Mập Farmer của 4 chàng trai, khởi nghiệp với trái dưa nước ở TT.Krông Năng đang cho thấy rất hiệu quả. Theo anh Phát, dưa nước là loại trái cây quen thuộc với các đồng bào ở Tây nguyên, vốn mọc dại trên rẫy, bà con đi rẫy để cho lớn, hái ăn giải khát. Việc đưa dưa nước vào nhà màng, nhà kính trồng, chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ đã giúp tăng năng suất, bảo tồn, phát huy được giống cây bản địa, tạo công ăn việc làm cho người địa phương.

Không chỉ phát triển cây dưa nước bản địa, 4 chàng trai Ê Đê còn bắt đầu nuôi 5.000 con giống ốc nhồi. Các hồ nuôi ốc nhồi được đào dưới giàn trồng dưa nước. Trái mướp, bầu bí bị hư sẽ được băm nhỏ ra làm thức ăn cho ốc, đồng thời mặt nước nơi nuôi ốc cũng sẽ bốc hơi, giúp cho giàn dưa nước tươi tốt hơn. “Một người anh của tôi nuôi ốc nhồi khá thành công và có đầu ra cho sản phẩm”, Y Phi On Mlô cho hay.

Bên cạnh đó, tháng 6.2021, nhóm được gia đình cho thuê thêm 2 sào đất để trồng măng tây, cho giá trị cao. Đồng thời, đan xen với diện tích trồng ớt, họ còn trồng khổ qua, mướp, bầu bí… để thu hoạch vào dịp tết. Như vậy, khi thu hoạch dưa nước xong, sẽ có các nông sản khác đến vụ, tạo thêm doanh thu cho nhóm.

Song song với canh tác trong trang trại, nhóm còn có nghề lắp đặt, thi công, bảo dưỡng các nhà vòm, nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động cho các nhà vườn trồng bơ, sầu riêng… ở Đắk Lắk. Công việc có triển vọng này đem lại thêm thu nhập cho các chàng trai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.