Trái phiếu doanh nghiệp, xăng dầu 'làm nóng' nghị trường

29/10/2022 06:08 GMT+7

Ngày 28.10, tiếp tục thảo luận tình hình KT-XH năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tới bất cập trong quản lý xăng dầu, trái phiếu, lãng phí sử dụng đất đai...

Xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả”?

Phó trưởng ban Công tác đại biểu (ĐB) Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đại biểu Quốc hội: Xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"

Theo ĐB Yên, dù đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70 - 80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%; nhưng thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM. ĐB Yên cho rằng cách can thiệp tốt nhất của nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại QH ngày 28.10

Gia Hân

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngành công thương rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng thương mại cho vay và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu. “Để DN xăng dầu tồn tại được và cưu mang được hệ thống đại lý và hệ thống bán lẻ thì trong công thức tính giá bán lẻ xăng dầu cần được ngành chức năng cập nhật kịp thời chi phí định mức, tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế khác. Việc đó nhằm giúp DN trong lúc khó khăn nếu không có lãi thì cũng không bị lỗ, không để đứt gãy hệ thống phân phối”, ông Diên nói.

Lý giải tình trạng thiếu hàng cục bộ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Nam, theo ông Diên, đây là “điều đáng tiếc và bất thường”. Theo lãnh đạo Bộ Công thương, có nguyên nhân khách quan do đứt gãy nguồn cung, tỷ giá tăng hàng giờ. Nhưng nguyên nhân chủ quan là các DN xăng dầu khó tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, room (hạn mức) hẹp, điều kiện vay thanh khoản khó khăn; tỷ giá ngoại tệ thay đổi liên tục, biên độ giá thay đổi lớn, vì thế rủi ro rất cao cho DN.

“Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, chưa được cập nhật phản ánh trong công tác tính giá cơ sở nên DN càng làm càng lỗ. DN đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình thì không lấy đâu ra chiết khấu cho hệ thống bán lẻ nên gây ra sự đứt gãy cục bộ tại một số khâu bán lẻ”, ông Diên nói.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên: "Thiếu xăng dầu tại TP.HCM và phía nam là bất thường"

Về giải pháp, ông Diên cho biết Bộ Công thương sẽ tham mưu tập trung chỉ đạo đầu mối, thương nhân phân phối kịp thời chi viện cho các địa bàn cần ứng cứu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các DN kinh doanh khi vi phạm nhiều lần, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, để DN xăng dầu không lỗ hoặc lỗ thì cũng trong khả năng chịu được, Bộ Công thương sẽ tham mưu tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, Quỹ bình ổn xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ phù hợp... Ông Diên cũng cho hay sẽ phối hợp với NHNN kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, coi đây là điều kiện tiên quyết để các DN xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.

Hồi đáp Bộ trưởng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định đây là vấn đề được NHNN rất quan tâm. Bà Hồng cũng thông tin vừa qua, sau khi nhận được văn bản từ Bộ Công thương, NHNN đã tổng hợp số liệu các ngân hàng thì thấy rằng tổng hạn mức cấp cho 16 DN xăng dầu là 103.000 tỉ đồng nhưng hiện mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỉ đồng. “Hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỉ đồng, chứ chưa phải là đã hết. Tôi đề nghị như vậy”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Bộ trưởng Công thương nói doanh nghiệp xăng dầu khó vay vốn Thống đốc nói còn 44.000 tỉ

Sẽ kiểm soát phát hành trái phiếu DN

Liên quan đến những sai phạm trong phát hành trái phiếu lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, ĐB Tạ Thị Yên cho rằng các vụ việc tuy được phát hiện song rõ ràng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế. Theo bà Yên, mọi người đều có thể cảm nhận được sự lo lắng, bất an của người dân, DN về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá cả bất động sản... “Nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn”, bà Yên nêu.

Cùng quan điểm này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này. Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn (khoảng 140% GDP), trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các DN bất động sản phát hành.

Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trước đây luật Doanh nghiệp, luật Chứng khoán quy định việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ rất đơn giản, trên nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Hiện dư nợ trái phiếu DN khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, chiếm 12,8% GDP (theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, đến năm 2030 đạt 25%). Trong đó, dư nợ của các ngân hàng thương mại chiếm 46%, bất động sản chiếm 37,5%... “Sắp tới đề xuất sửa luật Doanh nghiệp, luật Chứng khoán và các luật liên quan kiểm soát chặt chẽ minh bạch, tạo nguồn vốn trung và dài hạn”, ông Phớc nói.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân: "Nên có cơ chế để dưới nói thì trên nghe"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.