Vậy thù lù là trái gì, có những đặc điểm gì về mặt dược liệu và dinh dưỡng mà nhiều bạn trẻ mê như vậy? Cây thù lù có dễ trồng và chăm sóc trong các điều kiện khí hậu đa dạng của Việt Nam?
Tên quen thuộc là tầm bóp
Chị Nguyễn Thị Thùy, 29 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, thành viên "Hội thích trồng cây" cho biết cây thù lù này ở quê chị còn gọi là cây lù đù hoặc cây tầm bóp. Vì trái này có một lớp vỏ bọc bên ngoài nên ngày nhỏ những đứa trẻ thích nhất là cầm cả trái đập vào đầu nghe tiếng nổ nhỏ, vui tai. “Trái thù lù khi chín đồng loạt thì nhìn cả cây như có hàng loạt chiếc đèn lồng treo trên đó nhìn rất thích. Trái vàng, thơm, ăn chua ngọt rất ngon”.
Chị Phạm Thị Phương, 32 tuổi, quê H.Thuận Thành, Bắc Ninh, thành viên diễn đàn “Những người thích trồng cây và hoa quanh nhà” thì miêu tả: "Trái thù lù tròn, lớp da bóng, khi chín màu vàng đẹp mắt. Mỗi quả còn có một lớp "áo" mỏng căng phồng bên ngoài, khi chín thì lớp vỏ này bung ra".
|
|
|
|
“Chúng tôi đã quen với tên gọi cây tầm bóp hơn là cây thù lù. Cây mọc hoang dại đầy vườn, không cần chăm sóc cũng cứ thế tốt tươi. Ở quê tôi khi trẻ con bị ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt thì ông bà thường cắt cả cây cho vào nồi nấu nước tắm, rất mát. Cây này ở quê tôi có 2 dạng, một là cây mọc thành bụi như cây thường thấy, 2 là dạng thân leo”, chị Phương nói.
Chị Bùi Thị Nga (giám đốc công ty TNHH quốc tế Song Nga, thôn 5, xã Đức Phổ, H.Cát Tiên, Lâm Đồng), người sáng lập thương hiệu Physalisvn, cung cấp trái tươi và các sản phẩm chế biến từ trái thù lù (tầm bóp) giống Nam Mỹ cho biết tầm bóp có khoảng 100 loại khác nhau trên toàn thế giới, mỗi loại đều có đặc tính riêng và thời gian sinh trưởng khác nhau. Chúng có 1 đặc điểm chung là trái có vỏ bọc ở ngoài.
|
Tầm bóp giống Nam Mỹ có tên khoa học là Physalisvn Peruviana, có nguồn gốc từ dãy núi Andes và được người Inca cổ đại thuần hóa vào thể kỷ 18, giống này có giá trị cả về dược liệu và trái cây thương phẩm. Trái rất giàu vitamin A, C, B3 và một số khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho… Riêng về vitamin A trên cùng một trọng lượng tính nó có thể cao gấp 10 lần quả cherry, gấp 3 lần quả việt quất, gấp 13 lần quả phúc bồn tử và gấp 60 lần quả dâu….
Giống thù lù (tầm bóp) mà mọi người thường thấy ở khắp mọi miền quê ở Việt Nam có tên khoa học là Physalis Angulata, theo sách y học Việt Nam, tầm bóp không có độc, có tính bình và giải nhiệt rất tốt.
Tên dân dã nhưng giá trị không tầm thường
Trái thù lù hay tầm bóp, nghe tên dân dã nhưng đây là trái cây có rất nhiều lợi ích về mặt dinh dưỡng, sức khỏe. Chị Bùi Thị Nga cho hay vì có chứa lượng vitamin A (tiền tố A) và vitamin C cực nhiều cho nên khả năng chống oxy hóa của trái thù lù (tầm bóp) rất cao. Con người luôn luôn có nhu cầu tìm các chất chống oxy hóa để chống lại sự lão hóa, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng có nhiều người trẻ muốn mua trái cây này về ăn, ép nước, chế biến thành các món ăn khác nhau như salad trộn, làm bánh, mứt...
|
“Tuy nhiên, mặc dù biết trái thù lù (tầm bóp) là loại thực phẩm rất tốt và cần thiết cho sức khỏe con người, nhưng trước tiên chúng ta phải ăn đúng lượng không nên quá dư thừa đối với nhu cầu cơ thể. Nên biến mình thành người tiêu dùng thông thái, tìm sản phẩm có nguồn gốc thương hiệu rõ ràng, minh bạch về quy trình sản xuất và chịu trách nhiệm về sự an toàn của sản phẩm”, chị Nga khuyên.
Trồng thù lù (tầm bóp) có dễ không?
Hiện tại, trên các diễn đàn về trồng cây, rất nhiều người trẻ tìm hiểu cách trồng và chăm sóc các giống cây thù lù (tầm bóp) để lấy trái ăn. Song, đâu là điều kiện lý tưởng nhất để cây sinh trưởng, phát triển tốt?
Chị Nguyễn Thị Thùy, 29 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, thành viên "Hội thích trồng cây" cho biết với giống thù lù (tầm bóp) Việt Nam thì điều kiện trồng rất dễ, có thể trồng ngay trong vườn nhà, hay trên sân thượng và chăm sóc, tưới nước thường xuyên.
Chị Bùi Thị Nga cho hay, nơi sinh trưởng của loại cây thù lù (tầm bóp) giống Nam Mỹ lý tưởng nhất, để cho sai trái, chất lượng trái cao nhất là khí hậu ôn hòa, độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.
|
|
Nhiều người trẻ muốn trồng cây băn khoăn nếu mua trái thù lù ở siêu thị về ăn, rồi bỏ hạt ra chậu thì có thể trồng được cây thù lù ở nhà để có trái ăn không. Chị Nga cho biết, việc đó hoàn toàn có thể, vì nông trại sản xuất ra trái thù lù đánh giá cao thực phẩm được sinh trưởng tự nhiên, dinh dưỡng được tích trữ từ ánh nắng mặt trời, đất, nước, vi sinh vật, côn trùng và không khí lưu thông tự do. Sinh trưởng tự nhiên sẽ mang lại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt hạt giống không bị can thiệp bởi chỉnh sửa gen, tại nông trại chỉ dùng phương pháp chọn lọc tự nhiên đơn giản nên hạt trong quả đang bán cho mọi người đều có thể ươm lên cây.
“Tuy nhiên, có thu hoạch được trái thù lù hay không còn phụ thuộc bạn tạo ra chế độ ưa thích của nó hay không, có nhiều bạn trồng ở nơi không đạt độ cao lý tưởng và khí hậu nóng thì quả ra rất ít hoặc chỉ ra hoa không đậu quả. Đó chỉ do điệu kiện sinh trưởng không phù hợp chứ không phải do giống”, chị Nga nói.
Bình luận (0)