Trầm cảm ở nam giới: Hụt hẫng vì mất mát, gồng mình chịu stress

Lê Cầm
Lê Cầm
03/06/2024 05:04 GMT+7

Anh H.T (32 tuổi, ngụ TP.HCM) là nhân viên kinh doanh tại một công ty viễn thông, 2 năm qua vật lộn với chứng trầm cảm mà gia đình, bạn bè không hề hay biết.

Mất công việc, áp lực về tiền bạc dẫn đến stress

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, khách hàng giảm nên doanh số hằng tháng trong công việc của anh T. bị sụt giảm mạnh. Một số khách hàng lớn chậm thanh toán phí, thậm chí dừng hợp đồng. Những cuộc họp liên tục, những con số được giao, những lời chỉ trích khiến anh T. mệt mỏi. Anh quyết định nghỉ việc.

Thế nhưng không muốn vợ lo lắng vì đống nợ ngân hàng còn đó, anh T. vẫn mặc đồ đi làm mỗi ngày. Không biết đi đâu anh lại ra quán cà phê ngồi. Những đồng tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng dần vơi, tiền ứng từ thẻ visa cũng đến hạn phải trả. Anh lâm vào bế tắc, mỗi ngày ngủ ít hơn. Anh bàn với vợ mượn tiền để mở quán ăn, vì muốn tự kinh doanh, tự làm chủ không đi làm công nữa. Tuy nhiên không có kinh nghiệm mở hàng ăn, lượng khách ngày càng vắng, quán trên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất.

Trầm cảm ở nam giới: Hụt hẫng vì mất mát, gồng mình chịu stress- Ảnh 1.

Mất mát về công việc, áp lực về tiền bạc dẫn đến gánh nặng stress cho nam giới

MINH HỌA: PEXELS

Anh T. cho biết, thời điểm đó anh muốn bán nhà để đỡ khoản nợ ngân hàng nhưng mở lời ra thì lại sợ vợ bảo vô dụng, bất tài. Mỗi ngày trôi qua khiến anh stress nặng, mất ngủ nhiều hơn, thậm chí không hiểu mình đang sống vì điều gì. Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đau bao tử nhiều, anh T. được vợ đưa đi khám, bác sĩ phát hiện anh mắc chứng trầm cảm.

Trầm cảm nhưng tưởng bệnh về não

Tương tự, anh Đ.D (31 tuổi, ngụ Vĩnh Long) từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin, có học lực khá, nhưng lại bị rớt trong kỳ thi tốt nghiệp. Cú sốc này khiến anh chán nản, bỏ bê không chăm sóc bản thân, ẩn mình trong nhà với những căng thẳng lo âu về tương lai mịt mù.

Anh thường xuyên đau đầu nên đến bệnh viện để kiểm tra, thậm chí muốn chụp MRI. Tuy nhiên, bác sĩ, thạc sĩ tâm lý lâm sàng và y khoa Đoàn Nhật Trung, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) từ chối vì trường hợp của anh chưa cần đến chụp MRI, gây tốn kém.

Tại phòng khám qua trao đổi, bác sĩ Trung nhận thấy những căng thẳng lo lắng của anh D. có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu oxy não, tạo ra những cơn đau đầu nên hướng dẫn anh ngồi tập thở, tập trung vào hơi thở.

Khi tình hình dịu hơn, bác sĩ hướng đến thay đổi nhận thức của bệnh nhân, cho anh thấy giá trị của mình, động viên anh đi tìm việc làm vì dù sao anh vẫn có chuyên môn.

Trầm cảm ở nam giới: Hụt hẫng vì mất mát, gồng mình chịu stress- Ảnh 2.

Bác sĩ Trung thăm khám cho một bệnh nhân nam

BSCC

Sau khi trở về nhà, anh bắt đầu tìm được việc làm thời vụ, có thu nhập tình hình ổn hơn. Tuy nhiên, anh vẫn thấy chông chênh trong cuộc sống, thất vọng về bản thân, những cơn đau đầu tái diễn, anh quyết tâm đi khám và chụp MRI vì lo ngại não có vấn đề.

"Kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân không có vấn đề về não bộ hay các bệnh lý về xoang mạch máu, mô não...", bác sĩ Trung chia sẻ.

Sau nhiều lần trao đổi, giải thích, bệnh nhân thừa nhận bệnh lý trầm cảm của bản thân và tiếp tục được điều trị với bác sĩ Trung. Đến nay, bệnh nhân đã có công việc lập trình ổn định tại một khu công nghiệp, tình trạng trầm cảm cải thiện, thi thoảng đến khám vì đau dạ dày do đặc thù công việc.

Bác sĩ Trung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm liên quan đến thể chất, tâm lý, xã hội. Trong tình huống 2 bệnh nhân trên, mất mát là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nam giới rơi vào trầm cảm. Mất mát có thể đến từ việc thất tình, mất người yêu, đổ vỡ trong hôn nhân, mất mát người thân, mất mát tiền bạc, mất mát địa vị xã hội... Nam giới có xu hướng gồng mình gánh chịu những mất mát này, theo thời gian, các áp lực đè nặng dẫn đến tình trạng trầm cảm ngày càng gia tăng. (Còn tiếp)

Theo báo cáo tại "Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030" do Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, tổ chức, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. 

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.

Theo Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM có tới 8-20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung. 

Bên cạnh đó, nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh mắc rối loạn tâm thần: Đa số coi rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt mà không biết rằng rối loạn tâm thần có nhiều loại khác nhau như trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần do rượu... Việc kỳ thị người bệnh mắc rối loạn tâm thần, không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần đưa đến sự chậm trễ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan.

Hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Dịch vụ sức khỏe tâm thần chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tỉnh. Cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả do vậy 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.