Chịu lời ủy thác…
Chúng tôi ngồi uống cà phê. Lát sau có đạo diễn sân khấu Hữu Luân và thạc sĩ âm nhạc dân tộc Huỳnh Khải cũng đến tham gia. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cái túi xách đựng "bí kíp" này. Đó là bản photocopy cuốn Cầm ca tân điệu do 2 nhạc sư tiền bối là Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc biên soạn, được nhà in Imprimerie Joseph Nguyễn Văn Viết xuất bản ở Sài Gòn năm 1926 (tròm trèm 100 năm trước).
Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên hiện dạy nhạc ở Đại học Quốc gia Úc, trong quá trình hoạt động anh có nhiều dịp tiếp cận với các thư viện và nhất là ở Trung tâm nghiên cứu dân tộc nhạc học thuộc Viện Bảo tàng con người tại Paris (Pháp). Từ đó, anh may mắn phát hiện cả một "kho tàng đồ cổ" về văn hóa Việt Nam vào thời kỳ chữ quốc ngữ mới phôi thai (đầu thế kỷ 20) đang được lưu giữ tại những nơi này. Và một trong những thứ "đồ cổ" quý giá mà anh phát hiện chính là 10 bản tuồng trong cuốn Cầm ca tân điệu (gồm 60 bài bản). Rất nặng lòng với âm nhạc cổ truyền Việt Nam và muốn lưu giữ lại một "bí kíp truyền đời" của đờn ca tài tử Nam bộ nên anh đã kỳ công xin photo, rồi đem về Việt Nam.
Năm nay kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" (5.12.2013) nên anh và những người bạn đồng hành bèn ủy thác tài liệu quý này cho người viết, và mong muốn làm sao để nhiều người biết đến sự quan trọng của Cầm ca tân điệu đối với loại hình đờn ca tài tử, đồng thời làm rõ công lao của hai vị nhạc sư Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc mà hầu như tên tuổi đã đi vào quên lãng, ngay cả trong giới đờn ca tài tử cũng rất ít người biết đến nói chi là công chúng hậu thế.
Bí kíp "gối đầu giường" của giới đờn ca tài tử
Cầm ca tân điệu (đàn hát theo điệu mới) vốn được xem là tác phẩm mang tính lịch sử, cột mốc trong việc truyền dạy đờn ca tài tử Nam bộ. Sách có 60 bài bản tài tử, gồm 20 bản tổ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Bắc Lễ và 4 Oán) được sắp xếp thành hơi điệu rành mạch cùng 40 bài bản khác được phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương.
Mở đầu là mấy vần thơ có tính chất tuyên ngôn như sau: "Trần hườn nay đắm cuộc đờn ca/Phong tục nương đây giáo hóa ra/Sắc sảo sáu mươi bài bản diễn/Làm chương giới thiệu để ngâm nga". Tất cả nội dung 60 bài ca đều mang tính luận đề, giáo huấn đạo làm người theo khuôn mẫu: "nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín", "tam cương ngũ thường"… dựa theo điển tích trong các tác phẩm văn học cổ Trung Hoa và những sự kiện điển hình trong cuộc sống đời thường của người dân Nam bộ. Mỗi bài bản đều có phần chữ nhạc do Lê Văn Tiếng phụ trách (diễn nhạc) và phần lời do Trần Phong Sắc biên soạn (diễn ca). Bài bản được in song song, ăn khớp chữ nhạc với lời ca, rất dễ đọc với những ai theo đuổi đờn ca tài tử.
Chúng ta nên nhớ, vào đầu thế kỷ 20, việc dạy nhạc (cổ nhạc) phần nhiều là theo lối truyền khẩu "cầm tay dạy ngón", mỗi thầy dạy mỗi cách không theo một phương pháp, chuẩn mực nào nhất định. Cho nên cuốn Cầm ca tân điệu ra đời (dạy đờn và ca song song) đã trở thành "bí kíp gối đầu giường" của giới đờn ca tài tử. Mở đầu, tác giả có phần tiểu dẫn nêu rõ mục đích yêu cầu là ngoài việc hệ thống hóa bài bản mang tính học thuật và nội dung giáo dục đạo đức gia đình, xã hội, còn hướng dẫn chi tiết, kèm hình ảnh minh họa trên cây đờn kìm, từ cách lên dây đến tiết tấu, nhịp điệu cụ thể giúp cho người học dễ tiếp thu. Phần soạn lời ca do Trần Phong Sắc đảm trách, để: "Từ đó về sau, việc truyền dạy đờn ca tài tử không còn bị tam sao thất bổn, phát triển rộng mạnh khắp các vùng, miền trong cả nước. Cầm ca tân điệu có thể xem là dấu mốc quan trọng định hình phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa mang tính hàn lâm bác học", nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ (Long An) nhận định. (còn tiếp)
Bình luận (0)