Trăm nỗi lo Tết: Đau đầu tiền lì xì, bị bọn trẻ... chê ít

Hoài Nhân
Hoài Nhân
26/01/2020 13:02 GMT+7

Trong trăm nỗi lo Tết ngày nay, có chuyện mừng tuổi. Lì xì ít thì kỳ, lỳ xì nhiều thì kinh tế không cho phép. Bài toán chi tiêu lúc năm hết Tết đến khiến nhiều người phải đau đầu!

"Lì xì hơn hai chục đứa, trời ơi..."

Tết cận kề, niềm vui nhân đôi, nhưng nhiều lo lắng cũng rủ nhau tìm đến. Nói chi xa xôi, chuyện thịt lợn tăng đột biến những ngày cuối năm đã khiến nhà nào nhà nấy hoang mang, lo Tết không có nổi nồi thịt kho Tàu hoặc phải nấu bánh chưng không nhân!
Lương thưởng thì chẳng thấy tăng, nên nỗi lo đầu tiên là cân đối tiền mua sắm Tết. Rồi trang hoàng, sửa sang nhà cửa, rồi tiệc tùng tất niên, rồi quà cáp thầy cô, các mối quan hệ thân sơ… Tưởng hết mà chưa, khi chợt nhớ tới lũ trẻ hai bên nội ngoại, đông lắm!
Nói chuyện lì xì, lại nhớ chị hai tôi làm ngân hàng. Năm hết Tết đến, lần nào chị cũng đổi sẵn ít tiền mới mang về nhà, để dành cho người thân có nhu cầu lì xì thì đổi. Mà tầm vài năm nay, mệnh giá đổi cứ tăng dần. Chị mang về tiền 5 nghìn, 10 nghìn riết chẳng ai lấy, chỉ lấy 100, 200 nghìn. Hỏi ra thì người người đều bảo, ôi, còn ai lì xì dăm ba chục thời này nữa, vừa kỳ vừa có khi bị tụi con nít… bĩu môi chê.

Cần dạy con trẻ hiểu đúng về mừng tuổi ngày Tết và trân quý tình cảm gia đình

Ảnh minh họa: Hoa Nữ

Tôi có anh bạn số lận đận nên tốt nghiệp thì ra làm công nhân ở Sài Gòn với lương tháng 5 – 6 triệu. Bữa cuối tuần lai rai vài chai thì nó ngồi... khóc. (Nhiều người say có tật này tật nọ, riêng anh bạn tôi thì uống vào là khóc). Nó kể lể: “Năm rồi chuyển công ty 2 lần, công việc không thuận lợi nên không thưởng bổng gì, không dư. Mà nội ngoại tao xưa toàn sinh đông, tới ba mẹ cũng vậy. Tao đếm sơ sơ đàn cháu, em trong độ tuổi lì xì là hơn hai chục đứa, ấy là miễn cưỡng trừ những đứa còn ẵm bồng rồi đó! Trời ơi…”.
Anh bạn vừa nói vừa khóc, làm tôi vừa buồn cười vừa thương. Tôi chi chưa tới chục bao mà còn xót, nó sơ sơ đã hai chục bao! Mà chưa hết, nó còn kể tiếp chuyện “tế nhị” hơn”: “Năm ngoái, tao về nội, lì xì một lượt 5 đứa. Xong chúng kháu nhau hỏi “mày được nhiêu”, rồi hồn nhiên mở bao luôn. Thấy tờ 100 nghìn, chúng ve vẩy nói “trời, ít xịt, có 100k hà bây”, rồi cầm tiền chạy, trả lại tao cái bao. Bao nhiêu người lớn ở đó, biết là con nít, nhưng cũng quê lắm chứ…”.
Tôi bảo lộc lá đầu năm thì có nhiêu cho nhiêu, sao phải băn khoăn. Anh bạn mới bộc bạch thêm là mấy cô dì, chú bác trong nhà toàn lì xì hai, ba trăm, thậm chí năm, bảy trăm. Bản thân nó cũng giấu nhẹm chuyện làm ăn bết bát với ba mẹ vì sợ ông bà lớn tuổi rồi còn phải lo lắng. Nó vẫn mua quà bánh về quê, lì xì cho ông bà mấy triệu tiền bỏ túi và làm mấy mâm cơm cúng Tết.
Tới đây thì tôi hết buồn cười được nữa, vì có nhiều thực tế đáng suy ngẫm thật. Chỉ chuyện tụi nhỏ không còn xem việc mừng tuổi là tấm lòng, là lấy hên, mà quan trọng “cái ruột” bao nhiêu, đã là một nỗi lo khá to rồi.

Nhận tiền hay nhận lộc đầu năm? 

Chẳng riêng gì anh bạn tôi, có thể dễ dàng hỏi những người quen biết xung quanh, để thấy nỗi khổ của bài toán kinh tế ngày Tết.
“Từ Sài Gòn về quê mình Bình Định, về quê chồng ở Huế, sau đó trở ngược vào, tiền xe và máy bay ước tính trên dưới 5 triệu. Quà cáp 2 triệu. Riêng lì xì bố mẹ hai bên, mỗi bên 3 triệu. Lì xì con lớn của anh hai chị hai bên chồng vừa vào đại học 1 triệu. Lì xì râu ria 2 bên cũng phải 3 triệu nữa. Cái Tết ngót nghét 17 triệu. Năm qua, vợ chồng mình phải chăm con nhỏ mới sinh nữa... Tết không dám mua một bộ đồ mới nào luôn”, một cô bạn của tôi cũng chia sẻ.

Một bài toán chi tiêu ngày Tết của một đôi vợ chồng trẻ

NVCC

Những giá trị tình thân giữa các thế hệ mới là ý nghĩa ban đầu của tục lì xì ngày Tết

Ảnh minh họa: Hoài Nhân

Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, tôi và lũ bạn trong xóm, cả anh em trong nhà cũng nôn nao nhận lì xì. Bọn tôi mê cái mùi tiền mới, còn gọi là cái “mùi hên”. Nhận xong về là cất vào tủ lấy hên, có khi tới Tết năm sau vẫn chưa xài vì uổng. Vì hên nên bao nhiêu cũng được, miễn là tiền mới tinh tươm!
Người lớn lúc đó cũng thoải mái hơn nhiều. Mùng Hai tôi lăng xăng chạy chơi trong sân nhà nội, họ hàng đến thấy thì ngoắt lại hỏi “con ai đây, lại chúc Tết chú lì xì lấy lộc”. Thế là lễ phép làm một tràng "an khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi,..." rồi nhận 5 nghìn liền tay. “Chú không biết gặp mày, nên không chuẩn bị bao lì xì, cầm đỡ nghen. Năm mới ráng lo học hành”. Vậy đó, mà vui.
Có lẽ chúng ta cần trở về những năm tháng ấy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.