Trăm phương ngàn kế vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/10/2022 07:06 GMT+7

Có vô số mánh khóe để vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm "xài chùa", thu lợi đang diễn ra tại Việt Nam.

Ai sẽ được xem "chùa" World Cup?

Câu chuyện bóng đá từ năm 2017 đã được luật sư (LS) Phan Vũ Tuấn (Công ty Phan Law) lấy ra mở đầu tham luận của mình ở Hội thảo Củng cố việc thực thi quyền sử hữu trí tuệ tại VN, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) tổ chức tại Hà Nội hôm qua (24.10). “Năm 2017, khi chúng ra đang xem UEFA Champions League thì trận bán kết bị cắt. Đơn vị bán bản quyền cho chúng ta có yêu cầu nếu anh không bảo vệ được bản quyền thì tôi sẽ cắt. Nhắc đến chuyện này vì tới đây là World Cup, và chúng ta cũng sẽ không được coi World Cup nếu chúng ta vi phạm bản quyền kiểu tự chặt tay mình như vậy”, LS Phan Vũ Tuấn nói.

Còn nhớ vụ việc UEFA Champions League 2017, khi đó VTVCab đưa ra thông báo về việc có nhiều đơn vị sở hữu các trang tin điện tử đã đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc giải bóng đá trên. Nhiều đơn vị truyền hình khác cũng truyền dẫn trái phép các trận đấu. VTVCab cho biết đã thực hiện các hoạt động pháp lý như gửi văn bản đến đơn vị vi phạm, đến cơ quan chức năng nhưng việc xâm phạm vẫn tiếp diễn.

LS Phan Vũ Tuấn cho rằng nếp suy nghĩ thích xem “chùa” giải bóng đá đã khiến nhiều người có hành động xem lậu, phát lậu. Theo ông, những người xem này không muốn bỏ ra vài chục ngàn đồng để xem thoải mái một kênh nhưng lại sẵn sàng xem lậu một trận đấu với giá chưa đến hai chục ngàn đồng. Các kênh lậu cũng sẵn sàng lật ngược hình ảnh của trận đấu (từ trái sang phải) để tránh bị quét hình ảnh bản quyền. Đi kèm với việc lật hình ảnh đó, thị trường trong nước xuất hiện thiết bị có gương soi để có thể đặt điện thoại vào đó, khi đó hình ảnh được lật lại để thành đúng chiều trong gương. “Trí tuệ lại được sử dụng vào những việc vi phạm bản quyền như vậy”, ông Tuấn nói.

Bức tranh thể hiện nỗi buồn của họa sĩ Lê Linh trong thời gian theo đuổi vụ kiện Thần đồng Đất Việt

FBNV

Ông Tuấn cũng cho biết những đơn vị chống xâm phạm bản quyền vô cùng vất vả với một môi trường có những người xem như vậy. Chẳng hạn, phimmoi là một trang phim lậu rất "nổi tiếng" trong nước. Các đơn vị sở hữu bản quyền đã cùng nhau chống lại trang phim này. Bản thân Google cũng chặn không cho hiển thị trang này khi tìm kiếm. Tuy nhiên, điều đó không ăn thua khi chính các khán giả lại là người share các link mới của trang khi nó xuất hiện. Giờ đây, ông Tuấn cho biết khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Phimmoi.net đã được thực hiện, song chặng đường chiến đấu pháp lý còn rất dài. Website này từng lọt top 20 website có lượt truy cập lớn nhất VN với traffic ước tính khoảng từ 60 - 100 triệu truy cập mỗi tháng.

Năm 2017, khi chúng ra đang xem UEFA Champions League thì trận bán kết bị cắt. Đơn vị bán bản quyền cho chúng ta có yêu cầu nếu anh không bảo vệ được bản quyền thì tôi sẽ cắt.

LS Phan Vũ Tuấn, Công ty Phan Law

Con đường pháp lý nào ?

Một nghiên cứu có tên Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại VN cũng được công bố tại hội thảo. Báo cáo được thực hiện từ tháng 7 - 10.2022, bởi nhóm nghiên cứu gồm: nhà tư vấn chiến lược hệ sinh thái trí tuệ Miguel Matthew Del Mundo (Philippines), Th.S Hoàng Lan Phương và TS Lê Tùng Sơn (Khoa Khoa học quản lý, ĐHQG Hà Nội).

Theo nghiên cứu này, các sản phẩm văn hóa sáng tạo được xem là bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất có thể kể đến như: âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình (76,9%); điện ảnh (71,6%). Lý do của việc bị xâm phạm nhiều này, theo nhóm nghiên cứu, do đây là 3 loại hình sản phẩm mà tất cả cộng đồng đều có thể tiếp cận và sử dụng phục vụ cho nhu cầu giải trí hằng ngày. Đồng thời, đây cũng là 3 loại hình bị xâm phạm nhiều quyền như: quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, quyền sao chép tác phẩm. Các sản phẩm văn hóa sáng tạo khác cũng là đối tượng của xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể kể đến như: xuất bản phẩm, chương trình máy tính (đều chiếm tỷ lệ 50%)…

Trong số các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm mà nhóm nghiên cứu đưa ra để khảo sát, quyền sao chép tác phẩm là quyền bị xâm phạm nhiều nhất (tỷ lệ 64,9%). Ngoài ra, xâm phạm đến quyền làm tác phẩm phái sinh (37,8%). Trong nhóm quyền nhân thân không thể chuyển giao có 2 quyền thường xuyên bị xâm phạm là quyền đứng tên cho tác phẩm (với các hành vi mạo danh tác giả), quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (với các hành vi cắt xén, sửa chữa, thêm lời hoặc xuyên tạc tác phẩm…); quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng, biểu diễn tác phẩm. Ngoài ra, trong một số lĩnh vực đặc thù, đơn cử như hội họa, hiện tượng sao chép tranh, mạo danh tác giả… diễn ra phổ biến và tràn lan.

TS Lê Tùng Sơn đánh giá hiện tại có một cách là khởi kiện hành chính có thể dẫn đến chấm dứt vi phạm nhanh, tuy nhiên theo cách này thì không có tiền bồi thường cho chủ thể bị xâm phạm quyền. Ngược lại, việc khởi kiện dân sự ra tòa thì có thể có bồi thường song thời gian lại kéo quá dài. “Ví dụ như vụ kiện liên quan đến Thần đồng Đất Việt đã kéo dài 12 năm”, TS Lê Tùng Sơn nói.

Trong khi đó, cuộc phỏng vấn một TS ẩn danh, cũng là chuyên gia trong lĩnh vực về văn hóa, được công bố tại hội thảo, người này đưa ra giải pháp đẩy hoạt động của các tổ chức đại diện quyền tập thể tác giả. “Vai trò của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong tương lai phải được đề cao. Chính họ mới có khả năng phát hiện, tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp, khai thác, thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) có hoạt động tương đối hiệu quả. Tuy vậy, cần thiết có sự hỗ dưỡng kiến thức cho các thành viên tham gia các tổ chức này”, TS kể trên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.