Sáng 10.11, tại một hiệu sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM, diễn ra buổi triển lãm về mây, tre… Tại đây, những tác phẩm nghệ thuật có hình dạng như con cá, con ốc, con ve, hay những bức tranh trừu tượng được tác giả chế tác từ cây tre, mây một cách rất công phu, tỉ mỉ.
Có mặt tại buổi triển lãm, Bội Mẫn,19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cho biết những tác phẩm ở đây được trưng bày rất tinh tế.
“Em thích nhất là bức tranh cỏ đồng hoang vì em thấy nó thể hiện khung cảnh làng quê, đồng thời cảm được sự khéo léo, cẩn trọng của tác giả khi tạo ra chúng. Qua đây mình hiểu hơn nghệ thuật tre, mây của Việt Nam”.
|
|
Còn Dương Thành Vinh, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, bộc bạch: “Em cảm thấy rất bất ngờ về những tác phẩm làm từ mây, tre ở đây. Nó toát lên vẻ mộc mạc đơn sơn của một làng quê, tạo cho mình một tâm trạng thoải mái khi đến tham quan”.
|
|
|
|
Hoàn thành trong 4 năm
Được biết những tác phẩm trên nằm trong buổi triển lãm mang tên “Nát giỏ còn bờ tre”, của anh Trung Nghĩa, 39 tuổi, quê ở Đắk Lắk (hiện làm nghệ sĩ tự do). Triển lãm gồm có 6 tác phẩm lớn, lấy vật liệu từ mây, tre, dầu rái, kết hợp với lối xử lý truyền thống. Toàn bộ tác phẩm được trau chuốt bởi bàn tay kinh nghiệm của những thợ thủ công ở Quảng Nam và được thực hiện trong vòng 4 năm liền.
“Ban đầu, những bác làm thủ công băn khoăn, thắc mắc 'thấy con tốn tiền, tốn sức quá, mà làm ra cái ghe như ri, đâu có bơi sông được, thấy ngại quá con ơi'. Thế mà sau 4 năm những tác phẩm nghệ thuật của mình cùng với mấy bác đã được hình thành. Mình cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn các bác", anh Nghĩa nói.
|
|
Không chỉ mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn về giá trị của mây, tre…, qua triển lãm “nát giỏ còn bờ tre”, anh Nghĩa còn bày tỏ: “Trong những thời khắc bi thương của con người, thì bờ tre luôn bảo bọc và che chở chúng ta, rồi mọi thứ, từ bàn tay và tinh thần lạc quan, sẽ được xây dựng trở lại. Như cách dân tộc Việt tồn tại hàng ngàn năm qua”.
Được biết, triển lãm mở cửa tự do đến hết ngày 15.11.
Bình luận (0)