Trần Lực vai Trịnh Công Sơn: 'Mới mẻ nào cũng có trái chiều. Tôi quen rồi'

28/06/2022 05:53 GMT+7

Trở lại phim ảnh sau hơn 10 năm, Trần Lực cho biết anh cảm thấy vui, hạnh phúc khi được góp mặt trong một dự án lớn. Nghệ sĩ gạo cội tâm sự anh chấp nhận những khen chê, ý kiến trái chiều về vai diễn Trịnh Công Sơn tuổi trung niên của Em và Trịnh.

* Xin chào NSƯT Trần Lực. Em và Trịnhphim điện ảnh hiếm hoi anh đóng trong thời gian gần đây, lại làm việc với một ê-kíp miền Nam. Điều này mang đến cho anh trải nghiệm gì mới lạ?

- NSƯT Trần Lực: Tôi yêu quý ê-kíp làm phim trẻ trung Em và Trịnh. Các bạn ấy rất dễ thương. Sau phim tôi lại có thêm những người bạn mới, những bạn trẻ đầy nhiệt huyết sáng tạo. Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn trẻ tài năng, ra hiện trường trang phục lúc nào cũng như quý ông (cười). Tôi rất thích cách bạn ấy xây dựng bộ phim theo cách riêng của mình. Nguyễn Vinh Phúc - Giám đốc hình ảnh trẻ đến mức nhìn như cậu sinh viên năm nhất, nói chuyện nhỏ nhẹ như tán gái. Mỗi lần cậu ấy nói gì tôi phải căng tai mới nghe rõ. Đỗ Hà - Giám đốc mỹ thuật xinh đẹp như người mẫu thời trang, ra hiện trường lăn xả bê vác cùng nhân viên, là người thiết kế phục trang cho các nhân vật trong phim nhưng ra trường quay mặc đồ và hổ báo như thợ hồ (công nhân xây dựng) vậy.

NSƯT Trần Lực cho biết anh không cảm thấy bị tổn thương hay phiền lòng bởi những lời chê bai về vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh

fbnv

Các bạn Tina, Quang, Sen… trong tổ đạo diễn, Nhân ánh sáng, Đức kỹ thuật hình, Má Lương, Nena, Cu Tí hóa trang… và còn rất đông các bạn khác trong đoàn phim nữa mà nếu kể ra chắc phải hết 4 trang giấy A4. Họ rất nhiệt tình, tận tâm hoàn thành công việc của mình. Câu nói tôi hay nghe thấy nhất ở trường quay là "Xin lỗi" (vì cơm đến muộn, vì đánh thức diễn viên đang tranh thủ ngủ giữa 2 cảnh quay) và "Cám ơn" mỗi khi xong một cảnh quay.

* Trong dàn diễn viên trẻ của phim, anh ấn tượng với ai nhất và vì sao?

- Trong phim tôi chỉ đóng cặp với Akari vai Michiko. Akari lần đầu đóng phim điện ảnh, trong thời gian chuẩn bị bạn ấy đã học một lớp diễn xuất của Kathy Uyên, học guitar, học hát và học thoại tiếng Việt. Khối lượng công việc lớn như vậy phải cố gắng chăm chỉ, thông minh lắm mới hoàn thành tốt trong thời gian ngắn. Trong suốt thời gian quay chúng tôi luôn gọi nhau bằng tên nhân vật “anh Sơn và Michiko”. Chúng tôi hay cùng nhau đi ăn, đi café những lúc rảnh rỗi và trở thành bạn thân thiết. Akari đắm mình vào vai Michiko trong suốt thời gian quay. Có một chuyện vui như thế này, ở Đà Lạt, trong thời gian nghỉ ngơi giữa 2 đợt quay tôi và Akari ngồi nói chuyện ở sảnh khách sạn, một lúc sau có một người đàn ông đến đón cô ấy đi. Chúng tôi chia tay nhau, tôi thấy Akari loay hoay lúng túng, ấp úng nói gì đó, tôi hỏi: "Akari quên gì sao?". Bạn ấy đỏ mặt lắc đầu: "Không. Em không quên gì cả". Rồi Akari líu ríu tiếng Việt lơ lớ của mình: "Em đi anh Sơn nhé".

NSƯT Trần Lực thổ lộ sau phim anh có thêm nhiều đồng nghiệp, bạn trẻ đầy nhiệt huyết với nghệ thuật

đpcc

Buổi tối, trong khi đợi các bộ phận kỹ thuật chuẩn bị cảnh quay của chúng tôi, Akari nói: "Chiều nay em với anh bạn trai người Ba Lan đi ăn món ăn của Đà Lạt ngon lắm". Akari rất thích các món ăn Việt, cô ấy có kênh YouTube chuyên về ẩm thực Việt Nam có rất nhiều người theo dõi. Tôi hỏi: "Món gì thế Michiko?". Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Akari tần ngần: "Em ngại quá… Em xin lỗi anh Sơn". Tôi ngạc nhiên: "Có chuyện gì thế?". Akari cúi gầm mặt thỏ thẻ: "Tối qua em với anh Sơn vừa cầm tay nhau nói những lời yêu thương, ôm nhau nhảy rồi... Vậy mà hôm nay bạn trai đến đón em trước mặt anh… em ngại quá. Em xin lỗi anh Sơn". Tôi ớ người, không ngờ cô bé mới đóng phim lần đầu mà nhiệt huyết thế, định giải thích rằng cháu ơi, phim với đời là hai thế giới khác nhau. Nhưng thấy Akari thành tâm quá nên thôi. Trường quay đã chuẩn bị xong, cảnh Trịnh Công Sơn cầu hôn Michiko diễn ra tình cảm lãng mạn trong nhà hàng sang trọng phong cách Paris diễn ra đầy cảm xúc của 2 người yêu nhau. Akari thật dễ thương!

* Xuyên suốt quá trình nhập vai, anh phải giảm cân rất vất vả. Việc này có ảnh hưởng đến những công việc khác của anh?

- Ảnh hưởng rất nhiều. Để giảm cân tôi phải tập trung, gác các dự án sân khấu lại để toàn tâm toàn ý cho việc này. Tất cả các chế độ ăn uống, tập luyện phải đúng thời gian biểu chứ không tuỳ tiện, có vậy mới giảm cân hiệu quả, gầy nhưng vẫn khỏe để đóng phim.

* Anh nghĩ gì về tình yêu giữa Trịnh Công Sơn và Michiko?

- Một mối tình đẹp nhưng không thành của Trịnh Công Sơn.

Nam diễn viên khẳng định: "Tất cả những gì có thể, tôi đã tập trung làm hết mình"

đpcc

Để hóa thân thành cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Lực phải giảm 12kg, học lại tiếng Pháp, đàn guitar và học hát

đpcc

* Anh cảm thấy thế nào trong lần đầu thưởng thức bộ phim Em và Trịnh?

- Lần đầu xem Em và Trịnh tôi hài lòng nhưng hơi bị hụt hẫng một chút vì rất nhiều cảnh quay của Trịnh Công Sơn trung niên với Michiko, với mẹ, với các bạn thuở trai trẻ, với các em gái… đã quay nhưng không có trong phim. Phim là vậy: tiền kỳ và hậu kỳ. Những cảnh quay ở hiện trường sẽ được sáng tạo một lần nữa: dựng lại (biên tập), cắt gọt lại để đẩy nhanh tiết tấu hoặc ngược lại.

* Anh có còn gì tiếc nuối cho vai diễn lần này không?

- Chúng tôi đã có thời gian cần và đủ để chuẩn bị cho vai diễn của mình. Tất cả những gì có thể, tôi đã tập trung làm hết mình.

* Vai diễn của anh đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của anh không?

- Nếu mỗi lần có ý kiến trái chiều khiến ảnh hưởng đến tinh thần thì tôi đã không theo nghề này từ lâu rồi. Phim Em và Trịnh của Phan Gia Nhật Linh được cậu ấy kể không theo cách làm phim truyền thống. Ví dụ: Theo cách làm phim truyền thống chỉ một diễn viên hóa trang già đi hoặc trẻ ra theo thời gian. Nhưng phim Em và Trịnh có hai Trịnh Công Sơn ở hai thời kỳ khác nhau: Chiến tranh và hòa bình, và hai diễn viên chẳng có điểm nào giống nhau về ngoại hình, giọng nói… Khán giả sẽ có những cảm nhận khác nhau về phim, về nhân vật trong phim. Những gì mới mẻ bao giờ cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Việc này tôi quen rồi.

Trong các diễn viên trẻ của Em và Trịnh, NSƯT Trần Lực có ấn tượng đặc biệt với Akari Nakatani nhờ sự chân thành và nhiệt huyết của cô dành cho vai diễn Michiko

đpcc

* Hỏi thật, Trịnh Công Sơn có phải là vai diễn gây “dậy sóng” nhất của anh từ trước đến nay?

- Đúng, quả thật đây là vai diễn “dậy sóng” nhất của tôi từ trước đến nay, một trải nghiệm mới lạ. Nhưng như đã nói, các ý kiến khen chê tôi đều tiếp nhận hết. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tượng đài quá lớn, ai cũng yêu và ngưỡng mộ ông theo một cách riêng. Tôi đã lường trước được những phản ứng này khi nhận vai diễn. Làm nghề đã mấy chục năm, đứng trước những lời chê mà tôi cứ lung lay, tổn thương hay yếu lòng thì đã không còn sức lực mà theo nghề tiếp.

Trước khi tiếp nhận ý kiến từ khán giả, chính bản thân tôi, một người diễn viên đã cũng phải tự có những phút suy tư, rút kinh nghiệm cho bản thân sau khi xem xong bộ phim rồi. Điện ảnh khác sân khấu ở chỗ, bạn chỉ có duy nhất một cơ hội, sẽ không còn lần nào để sửa sai nữa. Còn với sân khấu thì người diễn viên có thể rút kinh nghiệm và mong cầu “gỡ gạc” lại ở những suất sau. Vì vậy, đóng xong một bộ phim, bao giờ tôi cũng có chút tiếc nuối. Nhưng trong quá trình chuẩn bị vai diễn và đứng trước ống kính máy quay, tôi đã dốc toàn tâm lực và tất cả những gì mình có.

Không quan trọng những ý kiến, bình luận đến từ ai, dù là đại chúng, đồng nghiệp hay nhà phê bình, chỉ cần nó mang tính đóng góp thì người nghệ sĩ luôn sẵn sàng đón nhận. Người ta chê đúng thì mình phải nghe để rút kinh nghiệm chứ. Nhưng bản thân người nghệ sĩ cũng phải thiết lập một bộ lọc riêng cho mình, cần thời gian suy ngẫm, gạn lọc để không bị suy sụp, hoang mang. Tóm lại là trong nghệ thuật biểu diễn, người nghệ sĩ phải hiểu rằng không có chuyện 1+1=2.

* Người ta đang bàn cãi gay gắt về chuyện phim làm về nhân vật có thực thì được phép hư cấu đến bao nhiêu là đủ. Anh nghĩ gì về việc này?

- Thật ra, đã chấp nhận hư cấu thì nó là hư cấu, chứ thật khó lòng để đưa ra một thứ ngưỡng đo xem ta có thể hư cấu đến đâu, đến bao nhiêu phần trăm. Tôi nghĩ đơn giản nó chỉ là sự lựa chọn của người làm phim.

Trần Lực thừa nhận Trịnh Công Sơn là vai diễn gây "sóng gió" nhất của anh trong suốt sự nghiệp.

đpcc

* Có quan điểm cho rằng phim càng gây tranh cãi thì sức sống càng lớn. Anh có đồng tình với việc này không?

- Tôi đồng ý. Có những bộ phim có khả năng khiến khán giả hoàn toàn thỏa mãn, một số thì không. Có những phim lại nằm giữa ranh giới đó, điển hình là Em và Trịnh. Cũng đã rất lâu rồi tôi mới thấy có một phim Việt Nam “khuấy động” nhiều tranh cãi như vậy. Nó cũng là một trong đặc tính của dòng phim chân dung nhân vật, sẽ rất khó để đưa ra một hình mẫu mà ai cũng hài lòng. Nhưng tôi nghĩ khi khán giả tranh cãi, đồng nghĩa với việc bộ phim có được quan tâm, vòng đời của nó cũng sẽ dài hơn những bộ phim chỉ mang đến một luồng cảm xúc đơn thuần. Và có bàn bình, có khen, chê thì đời sống của một tác phẩm điện ảnh mới sinh động.

Là một người trong cuộc, tôi cũng không muốn lạm bàn. Hãy để khán giả tiến vào rạp xem phim với một tâm thế “trong sáng” và công bằng nhất, thành thật với con người họ nhất. Thì dù có khen hay chê đều rất đáng trân trọng với chúng tôi. Vì đó mới là điện ảnh, là nghệ thuật.

NSƯT Trần Lực sinh năm 1963, anh vừa là diễn viên điện ảnh, vừa là gương mặt kỳ cựu của điện ảnh phía Bắc. Những năm gần đây, Trần Lực không nhận đóng phim mà tập trung xây dựng sân khấu kịch LucTeam. Em và Trịnh là bộ phim đánh dấu sự tái xuất của nam nghệ sĩ sau 12 năm vắng bóng trên màn bạc

fbnv

* Sau Em và Trịnh, anh Lực có ý định sẽ tham gia phim điện ảnh thường xuyên hơn nữa chứ?

- Tôi thành lập sân khấu LucTeam từ năm 2017, thời gian này tôi sẽ tập trung dựng kịch và biểu diễn. Chúng tôi đang chuẩn bị dựng vở Lộ hàng của Lê Hoàng và một số vở khác nữa, 2 năm Covid-19 đã khiến LucTeam của chúng tôi ngưng diễn, giờ là lúc bắt đầu trở lại. Phim Em và Trịnh khiến tôi lại muốn quay lại với công việc làm phim mà tôi theo đuổi hơn 20 qua. Tôi cảm thấy có động lực làm phim như xưa, tất nhiên là những việc tôi thấy hợp và thích thú.

* Trong phim Trịnh Công Sơn có câu thoại: “Anh nghĩ âm nhạc đã bỏ mình đi rồi”. Là một nghệ sĩ kì cựu, có thời khắc nào anh cảm thấy cảm hứng sáng tạo nghệ thuật rời bỏ mình chưa?

- Có chứ! Công việc sáng tạo mà không có cảm hứng thì chẳng thể nào làm được gì. Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm nên hay bị mất cảm hứng sáng tác bởi những lý do chủ quan hay khách quan khiến họ chán chường. Tôi không ngoại lệ.

* Có nhận định cho rằng diễn viên trẻ có xu hướng chọn đóng phim nhiều hơn gắn bó với sân khấu kịch, vì cát sê cao, dễ nổi tiếng hơn. Anh có cảm thấy đúng không?

- Đúng vậy, đó là bi kịch của sân khấu Việt Nam hiện nay. Điện ảnh và truyền hình hấp dẫn họ, khiến họ nhanh nổi tiếng, cát-sê đóng phim cũng chẳng phải cao lắm đâu nhưng khi đã thành ngôi sao họ sẽ được mời quảng cáo cho các nhãn hàng hoặc làm những việc khác và tiền nhiều, giàu. Chẳng trách họ được, mỗi người họ tự thấy cái gì là tốt nhất với mình. Tôi tôn trọng quyết định của họ.

Cảm ơn NSƯT Trần Lực đã chia sẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.