Trần Phong Sắc (1873 - 1928) có biệt danh là Trần Diễm, tự là Đằng Huy, người làng Bình Lập, Q.Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc TP.Tân An, tỉnh Long An). Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức Nho học. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Cẩn rất giỏi văn học Hán Nôm, đã từng mở lớp dạy chữ nho cho thanh thiếu niên trong vùng. Về sau Trần Phong Sắc có được vốn kiến thức Nho học uyên thâm, dịch nhiều bộ tiểu thuyết Trung Hoa nổi tiếng cũng nhờ được học từ mẹ lúc tuổi còn thơ ấu.
Trần Phong Sắc lớn lên trong bối cảnh xã hội Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20, hệ thống giáo dục Nho học ngày càng lùi dần vào quá khứ, nhường chỗ cho hệ thống giáo dục Tây học mới hình thành, đặc biệt là phong trào phổ cập chữ quốc ngữ. Nhờ đó ông được thừa hưởng kiến thức cả hai nền giáo dục tân, cổ và tích lũy được vốn kiến thức phong phú, đa dạng về văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc trên tiến trình đổi mới sáng tạo.
Là một nhà giáo dạy môn luân lý, kiêm nhà văn và soạn giả, Trần Phong Sắc sở hữu vốn kiến thức văn hóa đa dạng, đồng thời ông cũng rất am tường và đam mê lĩnh vực đờn ca tài tử và sân khấu cải lương. Hiểu rõ giá trị tinh thần, tình cảm gắn kết cộng đồng cư dân và tác dụng của bộ môn nghệ thuật dân tộc này trong việc giáo hóa đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội, ông phối hợp cùng nhạc sư kiêm soạn giả Lê Văn Tiếng cho ra đời quyển sách biên khảo Cầm ca tân điệu do ông đảm trách phần soạn lời bài ca, xuất bản tại nhà in Imprimerie Josep Nguyễn Văn Viết ở Sài Gòn năm 1926. Mở đầu ông có mấy vần thơ có tính chất tuyên ngôn như sau: "Trần hườn nay đắm cuộc đờn ca/Phong tục nương đây giáo hóa ra/Sắc sảo sáu mươi bài bản diễn/Làm chương giới thiệu để ngâm nga". Tất cả nội dung 60 bài ca ông viết đều mang tính luận đề, giáo huấn đạo làm người như: "nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín", "tam cương ngũ thường"… thể hiện dựa theo các điển tích rút ra từ các tác phẩm văn học cổ Trung Hoa và những sự kiện điển hình trong cuộc sống đời thường của người dân Nam bộ.
Ngoài ra Trần Phong Sắc còn viết rất nhiều bài ca, hơi điệu cải tiến theo lối sân khấu cải lương (tân điệu) trong hàng chục tuồng cải lương do chính ông là tác giả. Những ca từ trong đờn ca tài tử, cũng như trong sân khấu cải lương của ông đã góp phần rất lớn trong tiến trình phát triển chữ quốc ngữ và văn chương ở Nam bộ. Tuy nhiên, những tác phẩm của ông do ra đời trong giai đoạn chữ quốc ngữ còn chưa hoàn thiện nên câu chữ của ông có nhiều từ cổ (nay không còn dùng) và mang nhiều âm hưởng địa phương (Nam bộ) cũng như có rất nhiều lỗi chính tả, điều này chúng ta có thể thông cảm.
Riêng quyển sách Cầm ca tân điệu, xét cả nội dung và hình thức nghệ thuật, có thể xem đây là dấu mốc quan trọng của sự định hình và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật dân tộc vừa đậm nét dân gian, vừa có tính "hàn lâm, bác học" mà đến năm 2013 được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Năm 1996, tỉnh Long An rước linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ Q.8 (TP.HCM) về thờ tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước), và tổ chức lễ húy kỵ ông (ngày 19 tháng giêng) cũng vào dịp cúng lễ Kỳ yên. Nhân dịp này, tại buổi khai mạc, ban tổ chức công bố danh hiệu Nghệ nhân Dân gian của hai cố nhạc sư Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng do Hội Văn nghệ dân gian VN truy tặng.
Hằng năm, nơi đây (đình Vạn Phước) đã trở thành ngày hội của giới đờn ca tài tử và nhân dân địa phương với những hoạt động liên hoan, tham gia giao lưu của nhiều câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử của các tỉnh, thành phố từ Bình Thuận trở vào. Hoạt động này được tỉnh Long An duy trì 27 năm qua, trở thành hoạt động truyền thống phong trào đờn ca tài tử và là một nét văn hóa độc đáo của tỉnh Long An. (còn tiếp)
Bình luận (0)