Trắng đêm để hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

31/08/2021 14:03 GMT+7

Có những người trẻ, họ không trực tiếp ra tuyến đầu chống dịch, nhưng mỗi ngày vẫn trắng đêm hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà. Họ không dám rời điện thoại vì sợ nhỡ cuộc gọi từ F0, có hôm làm đến quên cả bữa ăn…

Đó là những sinh viên y trong đội hình hỗ trợ theo dõi sức khoẻ từ xa cho F0 điều trị tại nhà do Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức. Có những ngày, nhận về gần 2.000 ca F0, hoặc thậm chí có hôm là hơn 8.500 F0 từ y tế địa phương và bắt đầu “tinh sạch” lại danh sách, lọc bệnh trùng tên, sắp xếp và phân bổ cho các nhóm quản lý bệnh nhân. Rồi sau đó gọi điện thăm khám và theo sát diễn biến bệnh của từng F0 mỗi ngày, mỗi giờ.
Có rất nhiều ngày, công việc quá tải, các bạn phải làm từ sáng sớm hôm nay đến tận sáng sớm ngày hôm sau. Việc phải thức đến 3-4 giờ sáng để giải quyết công việc là chuyện thường tình mỗi ngày của các sinh viên trong đội hình, hoặc 1-2 giờ sáng bệnh nhân F0 trở nặng gọi đến thì các bạn cũng phải ngay lập tức tiếp nhận và hỗ trợ xử lý kịp thời.

Không dám rời khỏi điện thoại

Lý Anh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM, là điều phối chính của đội hình theo dõi sức khoẻ từ xa cho F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận 10 (TP.HCM) cho biết đội hình sẽ gồm nhiều nhóm và một nhóm sẽ có lực lượng bác sĩ và các sinh viên y. Mỗi ngày, đội hình sẽ nhận những danh sách F0 từ các phường gửi về và các bạn sẽ giúp giám sát, hỗ trợ quá trình điều trị tại nhà của các F0 này.
“Khi có danh sách các nhóm F0 thì tụi mình sẽ chia nhau gọi điện thoại cho từng F0, những nhà có sử dụng công nghệ thông tin thì mình sẽ kết nối, lập nhóm trên Zalo và gọi video để khám, đánh giá sức khoẻ mỗi ngày. Trong buổi khám đầu tiên, sẽ đánh giá sức khoẻ, mức độ nhiễm bệnh như thế nào, họ có triệu chứng hay không và nguy cơ của họ như thế nào, sau đó mình sẽ lên lịch để theo dõi hằng ngày. Đối với những bệnh nhân nặng thì mình phải theo sát từng ngày, từng giờ nhất là những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền hoặc có nguy cơ cao”, Lý Anh chia sẻ.

Mỗi ngày, các bạn không dám rời khỏi điện thoại, đi đâu làm gì cũng cầm theo vì sợ bỏ nhỡ cuộc gọi từ các F0

Lý Anh cũng kể thêm: “Nếu bệnh nhân mình đang theo dõi mà trở nặng như khó thở, tụt oxy máu…bệnh nhân có thể gọi cho mình bất cứ khi nào. Có những ca gọi lúc 1,2 giờ sáng và mình cũng phải trực điện thoại liên tục để nhận cuộc gọi và xử trí những tình huống khẩn cấp xảy ra. Khi đánh giá được tình hình là họ cần cấp cứu thì mình gọi cho đội cấp cứu ngoại viện của trường để đến tận nhà người dân đánh giá tình hình, cấp cứu cho bệnh nhân hoặc đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
Nguyễn Ngọc Mai, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM (vừa tốt nghiệp), thì kể: “Không thể đếm được số cuộc gọi mỗi ngày, có những bệnh nhân chuyển nặng thì cứ 2-3 tiếng là phải gọi một lần để nắm tình hình. Nửa đêm, bệnh nhân trở nặng thì cũng phải nghe điện thoại để xử lý. Bệnh nhân thở oxy mà nửa đêm hết oxy, 2 giờ sáng gọi, thì mình cũng phải gọi để tìm oxy chuyển đến cho bệnh nhân. Hoặc có những bác lớn tuổi, đang được thở oxy tại nhà nhưng bị tụt không đáp ứng, nửa đêm bác mệt gọi, mình sẽ hướng dẫn bác chỉnh liều oxy cho phù hợp…”.

Công việc thầm lặng từ xa nhưng cũng phải thức khuya, dậy sớm và nhiều hôm phải mất ngủ khi có ca F0 trở nặng

Lý Anh cũng kể: “Có hôm, 3 giờ sáng, bà cụ đang suy hô hấp cần hỗ trợ nhưng lúc đó không kết nối được với bác sĩ của nhóm nên những trường hợp đó mình cũng phải tự xử lý. Tụi mình gọi video nhờ người nhà quay bệnh nhân đang mệt và nằm thở như thế nào, rồi nhờ người nhà đo giúp các chỉ số oxy trong máu… để đánh giá xem nếu bệnh nhân đang cần cấp cứu gấp thì mình sẽ liên hệ với đội hình cấp cứu để đến tận hiện trường hỗ trợ”.
Lý Anh cũng cho biết vì là bệnh về hô hấp đa phần trở nặng về đêm, khi thời tiết lạnh thì hệ hô hấp của người bệnh cũng yếu hơn, nên đa phần các ca sẽ trở nặng về khuya và gần sáng. Cũng chính vì thế mà việc các cuộc gọi đến lúc nửa đêm từ bệnh nhân là không thể tránh khỏi và các thành viên trong đội hình lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng, đi ngủ cũng phải ôm điện thoại bên cạnh vì sợ nhỡ cuộc gọi khẩn cấp từ F0.

Sớm nhất là 2 giờ sáng mới xong công việc

Mai cho biết việc thức khuya dậy sớm đối với tất cả sinh viên khi tham gia vào đội hình này là chuyện hết sức bình thường, điều gây khó khăn cho các bạn nhiều nhất là có những trường hợp mà gia đình bệnh nhân bố mẹ thuộc diện đi cách ly tập trung hết chỉ có mấy chị em nhỏ ở nhà, hoặc cả nhà đi hết chỉ còn người lớn tuổi. Những trường hợp này, các bạn không thể gọi video để đánh giá được, nên chỉ có thể gọi qua điện thoại dẫn đến bị hạn chế trong việc thăm khám.
“Hoặc có những trường hợp từ chối ngay từ đầu, vì họ nghĩ họ bị nhẹ nên thấy việc mình theo dõi sức khoẻ mỗi ngày là phiền phức với họ. Cũng có những người họ không tin tưởng, nên ngay từ đầu khi tụi mình liên hệ và nói là đội chăm sóc F0 từ xa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng mà họ vẫn không tin là sẽ được chăm sóc và hỗ trợ điều trị như thế này, đó cũng là một khó khăn và thử thách”, Mai kể.

Ngoài đội hình thăm khám và giám sát, theo dõi sức khoẻ F0 từ xa, thì mô hình còn có đội hình cấp cứu hiện trường. Trong hình là Trạm cấp cứu tại hiện trường cho F0 tại Quận 10, do đội quản lý F0 của Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành lập và quản lý

Điều khiến các bạn hạnh phúc nhất là những hộ gia đình mà đội hình theo dõi từ ngày đầu có xét nghiệm dương tính, đến khi bệnh nhân âm tính và khỏi bệnh trở lại, các bệnh nhân vui mừng nói lời cảm ơn rối rít. Đó là động lực để những chàng trai, cô gái trong đội hình hỗ trợ theo dõi sức khoẻ cho F0 điều trị tại nhà có thể cố gắng và làm tốt nhất công việc của mình mỗi ngày.
“Khi mới xét nghiệm ra dương tính thì tâm lý của bệnh nhân đa phần rất hoang mang, nên đầu tiên là tụi mình sẽ trấn an họ. Khi họ biết rằng có nhân viên y tế theo dõi, trấn an và hướng dẫn cách sử dụng thuốc mỗi ngày… thì họ sẽ an tâm hơn. Thực tế có những bệnh nhân mệt hơn không phải vì bệnh mà vì tâm lý họ quá lo lắng nên cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, chính vì thế, tụi mình luôn quan tâm đến việc trấn an tâm lý cho F0. Tụi mình rất vui khi mỗi ngày nhận được tin các ca bệnh đã âm tính trở lại, đặc biệt là những người có bệnh nền, người lớn tuổi có nhiều bệnh nền vẫn hồi phục được hoàn toàn”, Lý Anh hạnh phúc bày tỏ.
Ngoài việc hỗ trợ thăm khám và theo dõi sức khoẻ của F0 điều trị tại nhà thì các bạn còn đảm nhận thêm nhiệm vụ điều phối nhân sự của mô hình. Với nhiệm vụ này, mỗi ngày các bạn liên hệ với các trạm y tế để họ gửi danh sách F0 mới của địa phương. Sau đó sẽ lọc bệnh nhân xem có trùng với những bệnh nhân cũ, rồi phân về các nhóm để theo dõi.
Với công việc này, các sinh viên trong đội hình dường như đêm nào cũng thức đến 2-3 giờ sáng, hôm nào danh sách nhiều thì gần như trắng đêm.

Thâu đêm lọc và phân bổ danh sách F0 về từng nhóm để theo dõi và giám sát sức khoẻ cho F0 tại nhà

“Khó khăn nhất là danh sách bệnh nhân gửi về quá nhiều trong khi bác sĩ thì ít, nên việc phân bổ bệnh nhân về các nhóm cũng rất đau đầu. Rồi danh sách bệnh nhân gửi về thì không theo một hệ thống nào hết, cũ chồng mới, tụi mình phải ngồi lọc lại rồi mới phân được về các nhóm. Hôm nào sớm thì cũng khoảng 2 giờ sáng mới xong công việc, hoặc hôm nào cao điểm thì cũng hơn 4 giờ sáng. Phải làm trong đêm, vì để qua ngày hôm sau là có bệnh nhân mới, hơn nữa làm trong đêm để sáng ngày mai các bác sĩ có danh sách mà gọi điện thăm khám cho bệnh nhân”, Trần Thị Phương Thảo, sinh viên năm 6 Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ.
Theo Thảo những ngày này, khi TP.HCM xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố, thì cũng đồng nghĩa với việc số ca F0 gửi về nhiều lên mỗi ngày.
“Cứ hết phường này gửi, thì phường khác lại gửi về. Có những phường do họ quá nhiều công việc nên thường 12 giờ đêm họ mới gửi danh sách, thì tụi mình cũng phải thức thâu đêm để hoàn thành”, Thảo kể.
Lúc người viết nói chuyện với Thảo đã 22 giờ đêm nhưng Thảo cho biết làm việc từ sáng đến giờ chưa được nghỉ, mà vẫn còn mấy trăm ca bệnh chưa lọc và phân về các nhóm. Hỏi Thảo rằng: “Có mệt lắm không?”, Thảo bảo: “Mệt chứ ạ, tại thức đêm thường xuyên. Nhưng mà cố gắng, trong công cuộc chống dịch này, mỗi người một nhiệm vụ để có thể nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh”.
Có lẽ, không nhiều người biết đến công việc của các bạn, nhưng mỗi ngày, đội hình vẫn âm thầm, lặng lẽ thức khuya dậy sớm, có những hôm trắng đêm để đồng hành cùng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.