Ngày 23.3, sau chuyến khảo sát và nghe báo cáo về xây dựng tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa Vinamilk số 2 tại Tây Ninh sắp được triển khai của Công ty CP Sữa Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, trước mắt lãnh đạo tỉnh sẽ tích cực phối hợp, tháo gỡ các thủ tục pháp lý, tạo mọi điều kiện để công ty sớm triển khai dự án.
Ông Tâm cũng mong rằng, với quy mô mở rộng sắp tới, Công ty CP Sữa Việt Nam sẽ có chính sách đóng góp vào ngân sách địa phương, hỗ trợ cho nông dân H.Bến Cầu làm việc, tham gia trồng nguyên liệu cũng như chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho bà con chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trang trại bò sữa Vinamilk của Công ty CP Sữa Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 trên diện tích 685 ha tại xã Long Khánh (H.Bến Cầu). Trang trại bắt đầu xây dựng từ năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng (tương đương 50 triệu USD), đi vào hoạt động năm 2016.
Tháng 3.2019, "resort" bò sữa Vinamilk Tây Ninh chính thức khánh thành, trở thành trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống trang trại đạt chuẩn Global G.A.P lớn nhất châu Á về số lượng của Vinamilk và được tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện trong quản lý trang trại và chăn nuôi.
Hiện nay, tổng đàn bò sữa của trang trại là 8.000 con (trong đó có 3.600 con bò vắt sữa, 700 bò cạn sữa, 1.200 bò hậu bị, 800 bò tơ và 1.700 bê), chiếm 62,2% tổng đàn bò của tỉnh, đạt quy mô dự án đã được phê duyệt (35 triệu lít/năm), năng suất sữa bình quân của trang trại 27 - 28 lít/con/ngày.
Theo đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam, trang trại có nhu cầu thức ăn cây bắp rất lớn. Do đó, đơn vị liên ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm nông nghiệp định kỳ từ hơn 1.000 hộ dân trong tỉnh với khoảng 50.000 tấn bắp sinh khối, 4.000 tấn rơm để chế biến thức ăn cho bò và các vật tư nông nghiệp…
Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu Công ty CP Sữa Việt Nam thông tin, dự kiến giai đoạn tới sẽ triển khai dự án xây dựng tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa số 2 để mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu. Theo đó, quy mô nhà máy chế biến sữa mới sẽ đạt 100 tấn/ngày (khoảng 36 triệu lít/năm) với tổng mức đầu tư tổ hợp dự án 1.500 tỉ đồng, dự kiến hoạt động sản xuất từ năm 2025.
Nhà máy được trang bị dây chuyền sản xuất sữa với thiết bị hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu hiện nay, hoạt động trên dây chuyền tự động, khép kín, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Cụ thể, kế hoạch xây dựng chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2023 đến 2025 đầu tư 1 cụm trang trại 4.000 con. Giai đoạn 2 (sau năm 2025) đầu tư thêm cụm trang trại 4.000 con, hoàn chỉnh quy hoạch 8.000 con.
Bình luận