"Trưởng thành mà vẫn nhận chu cấp của cha mẹ, đó là ác chứ yêu thương gì"?
Sự việc bắt đầu từ trang tin S. đăng tải bài viết, cho rằng "đằng sau những chuyến đồ quê tiếp tế lên thành phố, là sự vô tâm và ích kỷ", "chuyện những người con đã lập gia đình vẫn bòn đồ quê tiếp tế của bố mẹ, chẳng phải là vô tâm quá sao?", hay khẳng định 'chắc như bắp': "Đã trưởng thành vẫn nhận chu cấp, đó là ác chứ không phải yêu thương" (!?)
Bầu chọn
Bạn có đồng ý với quan điểm: "con sống ở thành phố nhận tiếp tế đồ ở quê của cha mẹ gởi là bất hiếu"?
Bạn có đồng ý với quan điểm: "con sống ở thành phố nhận tiếp tế đồ ở quê của cha mẹ gởi là bất hiếu"?
Lập tức, bài viết này được chia sẻ và thu hút sự tranh cãi liên tục. Thành viên L.V.K. nói: "Khi đã có gia đình, sống ở thành phố thì đừng nên 'ám' bố mẹ ở quê nữa. Thay vì nhận đồ tiếp tế ở quê gửi vào thì hãy gửi biết chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, biết tìm cách gửi quà về tặng cha mẹ".
Thành viên C.T.A. lại bảo: "Cha mẹ nuôi từ nhỏ đến lớn đã không đủ hay sao mà tới lúc đi làm ổn định, có con cái, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố vẫn không ngại khi nhận những bó rau, thùng cá... từ quê gửi vào?"...
Thành viên N.T.Q. cho rằng: "Ở thành phố mà còn để những người cha, người mẹ già ở quê phải lo lắng, phải gửi đồ quê vào thì không phải là những người con có hiếu. Nói thẳng ra là bất hiếu"...
Nhận quà của cha mẹ thì có gì sai?
Ở chiều ngược lại, phần đông ý kiến của mọi người cho rằng những ý kiến trên là chủ quan và phiến diện.
Anh Lê Thế Vinh (36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, đang ở chung cư EHOME 3, Q.Bình Tân), cho biết mỗi tháng đều được nhận những thùng hàng với đủ món quê mà cha mẹ gửi vào. Nào là rau, bí, mướp nhà trồng. Nào là cá, cua đồng mà cha bắt được. Nào là gà mà mẹ nuôi thả vườn... "Mỗi lần nhận được là mỗi lần tôi xúc động vô cùng. Tôi thấy thương cha mẹ tôi nhiều hơn. Nhờ những món đồ quê ấy, tôi thấy đỡ nhớ nhà, nhớ quê", anh Vinh nói.
|
Cũng theo anh Vinh, việc 'lôi' chuyện 'con cái ở thành phố nhận đồ quê cha mẹ gửi vào là bất hiếu' là nhận định chủ quan, phiến diện và sai lầm. "Tự mỗi người biết được họ sống có hiếu như thế nào với cha mẹ họ. Đừng áp đặt suy nghĩ phiến diện vào người khác. Cho dù lớn đến mấy, dù đã 35, 40 tuổi hay thậm chí lớn tuổi hơn nữa, và dẫu là ai trong cuộc đời này với những quyền cao chức trọng, thì khi về nhà, họ vẫn là con của cha mẹ. Và cha mẹ thì luôn yêu thương và quan tâm con cái. Nhận những món quà quê của cha mẹ gửi vào thì đâu có gì sai?", anh Vinh nói.
Đồng quan điểm, chị Lê Thị Thúy Hằng (quê ở H.Kế Sách, Sóc Trăng), đang làm công nhân công ty thủy hải sản trên đường Nguyễn Cửu Phú (Q.Bình Tân) cũng kể cứ nửa tháng là cha mẹ ở quê lại gửi đồ ăn lên. "Có lúc tôi nói ở trên thành phố có đầy đủ mọi thứ, con cần hay thèm gì là tự mua ăn. Nhưng cha mẹ la, 'bắt' tôi nhận cho bằng được. Cứ mỗi lần ra bến xe nhận đồ là tôi lại rưng rưng. Mặc kệ ai nói gì thì nói, tôi 29 tuổi, vẫn được cha mẹ lo lắng thì đó là điều hạnh phúc nhất cuộc đời", Hằng tâm sự.
Anh Nguyễn Minh Quang (38 tuổi, chủ cửa hiệu may trên đường Bình Long, Q.Bình Tân) cho biết quê anh ở xã An Thủy (H.Ba Tri, Bến Tre), vùng biển khá nổi tiếng. Chính vì thế, hễ mỗi khi thuyền cập bến với nhiều tôm, mực, cá... tươi là mẹ anh cũng bỏ vào thùng, nói cha đem ra bến xe "gửi lên cho vợ chồng thằng Quang với hai đứa cháu nội". "Đừng nghĩ rằng việc nhận đồ tiếp tế như vậy là vô tâm hay ích kỷ, bất hiếu. Tôi đang đón nhận tình yêu thương của cha mẹ mình", Quang nói.
Cha mẹ nói gì?
Ông Trần Hữu Vương (59 tuổi, ở H.Phù Cát, Bình Định) cho biết: "Tôi biết ở thành phố thì cái gì cũng có. Toàn những thứ ngon hơn ở quê rất nhiều. Nhưng tôi vẫn muốn gửi vô cho hai đứa con tôi vì tôi thương tụi nó. Ở trong thành phố khó mà có cá đồng, ếch đồng. Rau muống, đọt lang ở thành phố sao tươi xanh bằng đồ nhà quê. Gà trong thành phố sao ngon và dai bằng gà nuôi bằng gạo, bằng cơm, thả vườn như ở quê?... Nên mỗi khi bắt được ít cá đồng, ít lươn hay cắt được bó rau muống... là tôi đem gửi vô cho cho con".
|
Nỗi lòng của ông Vương cũng là tình cảm mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào ở quê cũng dành cho con mình.
Ông Nguyễn Thanh Phương (57 tuổi, ở H.Bình Sơn, Quản Ngãi) cho biết hàng tháng, hai vợ chồng ông tìm mua những con cá ngon nhất, rồi dạo quanh vườn tìm rau, củ, quả... để đóng vào thùng gửi cho con đang ở thành phố. Mỗi lần thấy thùng còn 'lưng lưng' là tìm thêm đồ để 'nhét' vào. Như chai dầu phụng vừa ép được, như bó cải không thuốc trừ sâu, như vài trái xoài ngoài vườn, như vài chùm nhãn lồng vừa tới đợt chín, vài cây chả vừa mua được ở chợ huyện....
"Cha mẹ luôn muốn dành tình yêu thương nhất cho con cháu. Việc trợ cấp lương thực không phải sợ con cái ở thành phố thiếu ăn mà muốn dành những thứ tốt nhất, ngon nhất ở quê gửi lên cho con cháu. Đó là tâm lý chung của người làm cha làm mẹ, và cũng là nét văn hóa của người ở quê", ông Phương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan (53 tuổi, ở H.Krông Pa, Gia Lai) kể vẫn thường xuyên gửi quà quê cho hai đứa con trai đang làm việc ở TP.HCM. "Nhiều khi tụi nó từ chối. Mỗi lần như vậy tôi buồn lắm. Chỉ khi nào nó đồng ý nhận là tôi mới vui. Mấy đợt dịch, xe ở huyện tôi không có chạy, tôi phải chở hàng lên huyện khác để gửi xuống thành phố cho tụi nó. Cha mẹ thương con nên gửi, dù tôi biết có khi giá trị thùng quà quê còn ít hơn tiền gửi xe nữa. Nhưng đó là những thùng quà gói gém đầy đủ tình cảm gia đình", bà Lan cho biết.
Bình luận (0)