Tranh cãi khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ

30/07/2022 05:53 GMT+7

Liên quan việc TP.HCM muốn khách nhập cảnh khai báo y tế nhằm sàng lọc sơ bộ với bệnh đậu mùa khỉ, nhiều bạn đọc đồng tình ủng hộ, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết.

Như Thanh Niên thông tin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng biện pháp khai báo y tế đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu của thành phố để sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ.

Tỉ lệ nhiễm đậu mùa khỉ cao đáng ngạc nhiên ở nhóm quan hệ đồng giới

UBND TP.HCM viện dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, và theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày). Tuy nhiên, mới đây WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về sự bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia.

Hành khách khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát

Ngọc Dương

UBND TP.HCM cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch.

Việc áp dụng khai báo y tế đối với tất cả người nhập cảnh tại các cửa khẩu của thành phố nhằm phục vụ sàng lọc sơ bộ với bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp người nhập cảnh khai báo có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ, kiểm dịch viên sẽ chuyển người nhập cảnh đến khu vực riêng để khám sàng lọc và khai thác yếu tố dịch tễ.

Có cần thiết ai cũng khai báo ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vì vậy ủng hộ việc tổ chức cho khách nhập cảnh khai báo y tế để kiểm soát dịch bệnh đậu mùa khỉ. “Rất hoan nghênh với đề xuất này. Có như thế chúng ta mới kiểm tra phát hiện bệnh nhân bị đậu mùa khỉ để khoanh vùng, cách ly nhằm tránh lây lan trong cộng đồng”, BĐ Thuy Pham ủng hộ.

Cùng quan điểm, BĐ Thảo Nguyên viết: “Rất hoan nghênh tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chúng ta đã mất mát nhiều sau đại dịch Covid-19 nên tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ có được nhiều kinh nghiệm, bài học xương máu để bảo vệ an toàn cho người dân”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết và lo ngại việc áp dụng khai báo y tế này sẽ gây thêm phiền hà cho du khách, nhất là khi ngành du lịch vừa mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. “Theo tôi, việc khai báo trước mắt chỉ nên áp dụng cho những người đến (về) từ vùng dịch theo danh sách mà WHO công bố. Việc này vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ phiền hà cho những hành khách khác”, BĐ Huyền Trân ý kiến.

“Sau dịch Covid-19, chúng ta dùng mọi biện pháp để kích cầu du lịch, bỏ nhiều thủ tục để thu hút du khách, trong đó có việc không khai báo y tế mà khách nước ngoài còn đến TP.HCM chưa nhiều, bây giờ bắt khai báo lại thì biết đâu họ không đến luôn. Hiện nay chưa khai báo y tế mà phải xếp hàng rồng rắn làm thủ tục, giờ có thêm phần này thì bao giờ mới xong? Chưa kể sẽ rất tốn kém. Vì vậy, chưa nên bắt buộc ai nhập cảnh cũng phải khai báo y tế mà trước mắt chỉ yêu cầu những người tiếp xúc gần với người bệnh, những người về từ vùng dịch khai báo...”, BĐ Hoàng Linh đề nghị.

Thực hiện khoa học, tránh phiền hà

Ủng hộ việc khách nhập cảnh nên khai báo y tế vì theo BĐ Hoàng Mỹ “việc phòng bệnh là điều cần thiết, nhất là sau khi chúng ta đã mất mát quá nhiều từ đại dịch Covid-19”. “Nhưng cách thức thực hiện ra sao là yếu tố rất quan trọng, cần được quan tâm hàng đầu. Bởi hiện tại, ngành du lịch mới vừa được phục hồi sau đại dịch. Chúng ta không thể đề ra những thủ tục phức tạp, tạo tâm lý e ngại cho khách nước ngoài khi đến Việt Nam, mà cần phải có phương án thực hiện khoa học, hiệu quả nhất”, BĐ này góp ý thêm.

Cùng quan điểm, BĐ Đỗ Quỳnh ý kiến: “Tôi ủng hộ điều này để tránh phải trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng trên thực tế, nhiều thủ tục khai báo ở Việt Nam còn rườm rà, chưa thật sự khoa học và khiến nhiều người không hài lòng. Do đó, cơ quan chức năng cần bàn bạc thật kỹ để có một phương pháp tốt nhất, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa hỗ trợ phát triển du lịch sau dịch”.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta không thể để mọi thứ vượt tầm kiểm soát rồi mới tìm cách khắc phục được. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ có cách thức thực hiện tối ưu, tránh gây phiền hà, rắc rối cho mọi người. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, nếu nghi ngờ mắc bệnh thì phải chủ động tích cực liên hệ với cơ quan y tế”, BĐ Thu Hà góp ý.

Chỉ cần áp dụng công nghệ vào quy trình này thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng.

Thu Cúc

Mất ít thời gian nhưng kiểm soát được nguy cơ bệnh bên ngoài vào còn hơn để lọt lưới, dịch bùng lại ảnh hưởng tới nhiều người.

Trường Phước

Khai báo y tế là biện pháp lỗi thời nhất trong phòng chống dịch vì độ chính xác không cao lại rườm rà, gây phiền hà cho người khác.

Phuong Nguyen

Ủng hộ việc khai báo y tế, tránh trường hợp bệnh lan rộng mới lo đề xuất thì không biết bao giờ mới đi vào thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần quan sát tình hình thực tế để có những quy định phù hợp. Hãy để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn sau dịch Covid-19 chứ không phải để những thủ tục đó ràng buộc, gây khó khăn cho du khách, người dân.

Mai Nguyen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.