Tranh cãi nảy lửa về 'cây xăng di động'

08/12/2020 05:26 GMT+7

Có 2 luồng ý kiến của bạn đọc về các thiết bị bán xăng dầu mini (mà nhiều người gọi là ''cây xăng di động'): Một bên ủng hộ, một bên phản đối, tất cả cùng đề cập đến vấn đề an toàn cháy nổ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Công thương vừa lần thứ 2 trình lại Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, một điểm mới được bổ sung cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi cho tới “phút cuối cùng”, đó là cho phép loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được hoạt động.
Tại tờ trình, Bộ Công thương cho biết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng (do kém hiệu quả về kinh tế), dự thảo quy định các thiết bị này chỉ được bán ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, không được doanh nghiệp đầu tư cây xăng. Ở các vùng này, người dân thường tích trữ bằng can nhựa.
Tuy nhiên, đề xuất này lại vấp phải phản đối mạnh từ phía Bộ Công an. Theo cơ quan này, dự thảo bổ sung loại hình “phương tiện bán xăng dầu mini được hoạt động tại các địa bàn không được doanh nghiệp đầu tư cửa hàng xăng dầu” nhưng trong đó không giới hạn phạm vi, số lượng phương tiện, không quy định khoảng cách an toàn đến khu vực xung quanh, chưa quy định về trang bị chữa cháy.

“Cây xăng di động” có an toàn ?

“Xưa lắm rồi, cũng phải mấy chục năm, giờ đọc Báo Thanh Niên tôi mới nhìn thấy lại cái thiết bị bơm xăng dầu bán dạo này. Ngày xưa thì là bơm tay, để trên xe ba gác chở đi đến khắp các hang cùng ngõ hẻm, bọn con nít túa ra xem, về bị mẹ mắng là “đứng xa xa, coi chừng cháy nổ”. Theo tôi, ở thành phố thì không cần những thiết bị này đâu, cứ như một “cây xăng di động”, lo lắm”, bạn đọc (BĐ) Công Phụng viết.
Nhiều BĐ khác cũng bày tỏ sự không ủng hộ đối với các thiết bị bán xăng dầu mini. BĐ Ất bày tỏ: “Theo tôi, nhà nước nên đầu tư các cây xăng dầu ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa là hợp lý nhất, vừa đảm bảo an toàn hơn, vừa tạo điều kiện để phát triển những vùng này. Còn các “cây xăng di động” bán dạo, sao cứ thấy lo lo, có an toàn không? Có nhờ nó mà người dân không tích trữ xăng dầu trong nhà không?”.
Trong khi đó, BĐ Chinh lại nhận định: “Cái quan trọng là người dân đừng mua xăng dầu tích trữ trong nhà, rất nguy hiểm, không an toàn, nào là trẻ con nào là phòng cháy chữa cháy. Tôi không đồng ý với những “cây xăng di động” này và cả việc trữ xăng dầu trong nhà”.

Thử dắt xe vài chục cây số rồi nói

Đáp lại những ý kiến trên, BĐ Ngọc Ái cho rằng: “Ở thành phố có thể không cần nhưng ở vùng xa thì cần lắm. Thử nghĩ muốn mua lít xăng phải chạy xa cả chục cây số mới đến cây xăng, khổ lắm. Ra nhằm lúc hết xăng, hoặc nghỉ bán thì đúng là... công cốc luôn”.
BĐ Vietroad thì thẳng thắn: “Về mấy vùng sâu vùng xa, xe hết xăng dắt bộ vài chục cây số không có cây xăng đi rồi nói thế nào là văn minh nhé. Nếu vùng đô thị có cây xăng nhiều, chả ai điên đi mở bán xăng lẻ”.
Trả lời về việc khó khăn khi quản lý các “cây xăng di động”, BĐ Đình cho rằng: “Không phải không có cách quản lý cây xăng di động. Nhưng đừng vì ngại khó mà không dám làm. Người dân vùng khó khăn cần nó lắm, chẳng lẽ phải chạy vài chục cây số để ra cây xăng mua lít dầu, lít xăng?”.
Lý tưởng nhất là nơi nào cũng có cây xăng. Nhưng khi chưa đáp ứng được thì sao? Thiết bị bán xăng dầu mini này là hợp lý trong khi chưa đáp ứng cây xăng được. Điều quan trọng là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi vận chuyển, buôn bán; người dân không tích trữ xăng dầu trong nhà.
Hạnh Phương
Tại sao lại đi ngược xu thế phát triển văn minh, quay lại thời buôn bán manh mún? Rồi tới đây sẽ có những cây xăng mini khắp ngõ ngách, rồi quy định như thế nào về an toàn phòng cháy chữa cháy cho những cây xăng mini này?
Hoa Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.