Napoléon Bonaparte (Joaquin Phoenix đóng) qua bàn tay của Ridley Scott là một thiên tài quân sự đồng thời cũng là một kẻ cô độc mộng mơ đầy yếu đuối trước vợ ông - Joséphine (Vanessa Kirby).
Napoleon kéo khán giả dán chặt mắt lên màn bạc hơn 2 tiếng rưỡi để theo dõi mọi diễn tiến cuộc đời của vị hoàng đế lỗi lạc vào bậc nhất của nước Pháp với đủ cung bậc cảm xúc được hòa trộn giữa vinh quang và tủi nhục, ghen tuông và vị tha, chiếm đoạt và buông bỏ…, giải thích lý do vì sao nhà độc tài người Pháp quá hiếu chiến nhưng lại tự ti. Việc không sẵn sàng thừa nhận thất bại dưới bất kỳ hình thức nào, dù là trong hôn nhân hay quân sự, là đặc điểm chính của Napoléon khiến mọi chuyện trở nên vừa hài hước vừa thảm hại.
Trước khi qua đời vào ngày 5.5.1821, Napoléon Bonaparte chỉ để lại 3 từ gói gọn toàn bộ cuộc đời: Nước Pháp - Quân đội - Joséphine.
Tranh cãi dữ dội khi phim khởi chiếu
Đạo diễn Ridley Scott từng khẩu chiến kịch liệt với giới sử học Pháp bởi quyết định để các nhân vật nói giọng Anh - Mỹ trên phim chứ không phải tiếng Pháp.
Các nhà sử học Pháp cho rằng Napoleon bắt đầu bằng một sai lầm: Napoléon Bonaparte chứng kiến vụ chặt đầu Marie Antoinette - điều không hề xảy ra trong lịch sử.
Nhà sử học Jean Tulard (90 tuổi) từng viết hàng chục cuốn sách về Napoléon Bonaparte, phát biểu: "Tôi ngưỡng mộ Ridley Scott, nhưng với tư cách là giáo sư lịch sử Đại học Sorbonne, tôi khuyên các bạn không nên xem bộ phim này". Tulard còn chỉ ra rằng Napoléon chưa bao giờ mang kiếm ở trận Waterloo.
Một nhà sử học khác là Patrice Gueniffey đưa ra nhiều chi tiết sai sót hơn trên tạp chí Le Point. Phim có sự hiện diện của nhà độc tài trong vụ chặt đầu Hoàng hậu Marie Antoinette, trong khi Napoléon đang chỉ huy đánh trận Toulon, cách Paris 700 km. Ông cũng cho rằng vụ Napoléon nã pháo vào kim tự tháp trong phim chỉ là hư cấu.
Nhà sử học quân sự Dan Snow cũng xác định những điểm không chính xác trong quá trình sản xuất phim Napoleon trị giá 200 triệu USD trên tờ The Guardian rằng: "Napoléon không bắn vào các kim tự tháp ở Ai Cập hay chứng kiến Marie Antoinette bị chém".
Viết trên tờ Le Figaro, nhà báo Romain Marsily, đang giảng dạy ngành truyền thông tại Sciences Po Paris, nhận xét: "Ridley Scott xúc phạm Napoléon, biến ông thành một nhân vật tầm thường, ngu ngốc, lố bịch và bi thảm".
Ridley Scott "phản pháo" đậm mùi "thuốc súng" trên tờ The Times rằng các nhà sử học Pháp hiện tại cũng chẳng ai sống ở thời ấy đâu mà khẳng định mọi chuyện. Với cảnh quay Napoléon cho quân nã đại bác vào kim tự tháp xứ Ai Cập, đạo diễn đáp tỉnh bơ với The Sunday Times: "Tôi chẳng biết Napoléon có từng làm vậy không nhưng đó là cách nhanh nhất thông qua điện ảnh để minh chứng ông ta... đã chiếm được Ai Cập!".
Nhà sử học Lorris Chevalier, cố vấn lịch sử phim Napoleon, nhận định: "Chúng ta phải chấp nhận những chi tiết hư cấu, bởi mỗi bộ phim nói cho cùng vẫn là tác phẩm riêng biệt của nghệ sĩ".
Còn nữ diễn viên Vanessa Kirby thì cho rằng: "Bất kỳ cách lý giải nào về Napoléon cũng chỉ là qua lăng kính, hoặc một góc nhìn mà thôi. Giống như mọi cuốn sách bạn từng đọc về vị hoàng đế của nước Pháp đều có một góc nhìn khác. Bộ phim này cũng vậy".
Ridley Scott khởi nghiệp điện ảnh từ năm 1965, nổi tiếng toàn cầu qua các phim Alien, Thelma&Louise, Gladiator, Black Hawk Down, American Gangster, Robin Hood, House of Gucci. Ông đoạt giải Emmy, Quả cầu vàng, BAFTA, từng nhận được 4 đề cử Oscar, trong đó Gladiator đoạt giải Phim hay nhất.
Napoleon ra rạp toàn cầu vào ngày 22.11 và tại VN từ 1.12 với tên Đế chế Napoleon. Phim hiện thu về xấp xỉ 137 triệu USD toàn cầu và tại VN là 805 triệu đồng.
Bình luận (0)