Bên cạnh đó còn là quy định “phim VN được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 - 22 giờ tại rạp”…
Chủ rạp và nhà sản xuất đều không đồng tình
Trước nội dung này, nhiều ý kiến trong giới làm phim lẫn chủ rạp đều không đồng tình. Nhà sản xuất lo ngại quy định nói trên sẽ là cớ để chủ rạp hạn chế phim nội, mà theo các nhà sản xuất, tỷ lệ 25% phim nội là mức rất thấp để thu hồi vốn. Còn chủ rạp cho rằng phim dở thì làm sao bắt buộc chiếu nhiều suất trong khi rạp trống, không có khán giả, để đạt tỷ lệ quy định?
Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan - đại diện HK Film - muốn tăng tỷ lệ này lên và phân tích: “Trung bình mỗi ngày, các rạp có khoảng 6.000 suất chiếu. Nếu lấy mốc từ 25% tức là các phim Việt chỉ có khoảng 1.500 suất chiếu. Mỗi năm hiện có 30 - 40 phim ra rạp, trong thời gian tới có thể lên 50 phim, trung bình mỗi phim chỉ chiếu từ 10 ngày đến 2 tuần. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu mỗi ngày phim Việt chiếu 2.000 suất, khả năng thu hồi vốn dường như không có, phải 3.000 - 4.000 suất/ngày mới được”. Nhà sản xuất Dung Bình Dương cũng cho rằng, tỷ lệ này nên nâng lên 35 - 40% với lý do: “Nhiều nhà sản xuất còn nhiều phim chưa được phát hành. Nếu không có chính sách ưu tiên cho phim Việt, ngày càng có nhiều đơn vị bị chôn vốn dẫn đến thua lỗ”.
Phim Bỗng dưng trúng số của Hàn Quốc có doanh thu 155 tỉ đồng tại rạp Việt tính đến chiều 10.10 |
Trong khi đó, ở góc độ rạp chiếu, ông Nguyễn Sơn, đại diện cụm rạp Cinestar, cho biết: “Rạp chúng tôi luôn mong muốn góp phần phát triển điện ảnh nước nhà, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp cũng là vấn đề sống còn. Việc quy định tỷ lệ 25% tổng suất chiếu trong năm với phim Việt phải tùy thuộc số lượng và chất lượng phim ra rạp của năm đó. Dù luôn ủng hộ phim Việt nhưng có những phim, chúng tôi mở suất chiếu ra mà không có khách xem, nên buộc lòng phải cắt suất để ưu tiên cho phim khác. Với những năm có phim Việt hot, chúng tôi mới đảm bảo tỷ lệ này và ngược lại”.
Không thể “giải cứu” nếu phim Việt quá dở
Một chủ rạp đề nghị giấu tên thẳng thắn nói: “Phim Việt dở thì phải chịu quy luật của thị trường, không thể để giải cứu phim nội mà bắt buộc rạp phải chiếu phim nội cho đủ ít nhất 25% tổng số suất chiếu tại rạp; và có ý kiến còn đề xuất tới một hạn ngạch cho nhập khẩu phim - như vậy là hạn chế nhu cầu được thưởng thức tất cả sản phẩm giải trí đặc sắc, không vi phạm luật của khán giả, người dân VN. Không thể đổ lỗi rằng khán giả Việt sính ngoại nên chỉ xem phim ngoại, bỏ qua phim nội”.
Hiện, hàng loạt phim nước ngoài liên tiếp lập kỷ lục phòng vé tại VN (phim Hàn Quốc Bỗng dưng trúng số đạt 155 tỉ đồng tính đến 10.10, phim Thái Lan Ngược dòng thời gian để yêu anh thu xấp xỉ 90 tỉ đồng…), còn nhiều phim Việt lại rơi vào cảnh chật vật tìm khán giả, thua lỗ hàng chục tỉ đồng (chuỗi thất bại nối dài trong năm 2022 với Người tình, Duyên ma, 578: Phát đạn của kẻ điên, Kẻ thứ ba…). Nhiều nhà sản xuất thừa nhận nội dung kém, các khâu kỹ thuật, diễn xuất… cũng không được chăm chút kỹ lưỡng là nguyên nhân chính khiến phim Việt thất bại trên chính sân nhà ở thời điểm này. Thực tế, khán giả ra rạp không phải cứ chọn phim bom tấn ngoại để xem, như bạn Ngọc Nhi (TP.HCM) bày tỏ: “Phim Việt lỗ là điều dễ hiểu. Điều đó chứng tỏ khán giả Việt đã bớt dễ dãi. Chúng ta cứ hô hào phải ủng hộ phim Việt nhưng với kiểu làm phim mì ăn liền, kể một câu chuyện lủng củng, phi lý, sượng trân, không hề tôn trọng khán giả thì làm sao khiến khán giả bỏ tiền ra mua vé xem được; trong khi cũng với số tiền vé đó xem phim ngoại chỉn chu mọi thứ, nhiều lớp lang ý nghĩa, giải trí tốt hơn. Tôi nghĩ khán giả Việt ra rạp nên được quyền thoải mái lựa chọn phim phù hợp với thị hiếu của mình”.
Phim Việt duy nhất đang chiếu tại rạp Mười: Lời nguyền trở lại hiện thu được 21 tỉ đồng |
CGV |
Thế nên, việc quy định tỷ lệ suất chiếu 25% dành cho phim Việt ở rạp nếu sắp tới được ban hành, thậm chí cả hạn ngạch cho nhập khẩu phim dù có đưa ra (hiện chưa có trong luật) thì cũng không thể khiến phim Việt dở thu hút đông đảo người xem được; và chính các đạo diễn, những người làm phim mới là những người cần “giải cứu” để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Chính những nhà sản xuất, nhà làm phim phải là người chịu trách nhiệm cho những bộ phim thảm họa, kém chất lượng, đánh mất niềm tin của khán giả yêu điện ảnh dành cho phim Việt”.
Trong khi các cơ quan lãnh đạo nhà nước đã khẳng định “điện ảnh là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, trong đó ưu tiên “phát triển công nghiệp điện ảnh - ngành kinh tế sáng tạo bằng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp công nghệ và kỹ năng kinh doanh để làm ra tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh” (theo luật Điện ảnh 2022), thì với thực trạng hiện tại số lượng phim Việt tốt quá ít và dở quá nhiều, rõ ràng khó có thể tiến tới mục tiêu như mong muốn đó, nếu không có chiến lược thay đổi, đầu tư, nâng tầm từ những cái cơ bản nhất trong công tác làm phim!
Bình luận (0)