Tranh cãi quyền lực chiến tranh của Tổng thống Mỹ

Bảo Vinh
Bảo Vinh
29/02/2024 05:31 GMT+7

Các cuộc không kích do Nhà Trắng chỉ đạo nhắm vào lực lượng Houthi tại Yemen và các nhóm vũ trang liên quan Iran đã khơi lại tranh cãi gay gắt về quyền lực quân sự của Tổng thống Mỹ.

Từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát vào tháng 10.2023, Houthi đã liên tiếp tấn công tàu thuyền liên quan Mỹ và Israel qua lại biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho người Palestine tại Dải Gaza.

Đáp lại, quân đội Mỹ đã tiến hành những đợt không kích vào các mục tiêu của Houthi. Tuy nhiên, các nhà lập pháp tại Đồi Capitol đang tỏ ra nghi ngại về mức độ hiệu quả trong chiến lược của Nhà Trắng và cho rằng Tổng thống Joe Biden phải xin phép quốc hội trước khi phê chuẩn các cuộc không kích.

Tranh cãi quyền lực chiến tranh của Tổng thống Mỹ- Ảnh 1.

Máy bay Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight Eisenhower tại biển Đỏ trong chiến dịch chống Houthi ngày 24.2

AFP

Quốc hội giành lại quyền tấn công

Theo Reuters, trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 27.2, các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về thẩm quyền pháp lý của chính quyền Tổng thống Biden trong việc triển khai những đợt không kích.

"Chính quyền nên xin ủy quyền của chúng tôi. Trách nhiệm phản ứng là của chúng tôi", Chủ tịch Ủy ban Ben Cardin nói tại phiên điều trần. Thượng nghị sĩ Chris Murphy, lãnh đạo Tiểu ban Trung Đông của ủy ban nói trên, nêu ý kiến: "Hiến pháp quy định quốc hội phê chuẩn cho các hành động chiến tranh. Chúng ta đã tuyên thệ tuân thủ hiến pháp. Nếu chúng ta tin rằng đây là hành động quân sự hợp lý, điều tôi tin là đúng, thì chúng ta nên là người cho phép việc đó".

Mỹ tố đặc vụ Iran và Hezbollah ở Yemen đang hỗ trợ Houthi tấn công

Hồi tháng 1, hàng chục nghị sĩ lưỡng đảng đã gửi thư cho ông Biden để bày tỏ quan ngại về các cuộc tấn công chống Houthi, kêu gọi Nhà Trắng xin phép quốc hội trước khi đưa Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột khác tại Trung Đông và có nguy cơ leo thang chiến sự. Theo Reuters, hiến pháp Mỹ trao cho quốc hội quyền tuyên bố chiến tranh nhưng một số điều khoản trong luật cho tổng thống quyền thực hiện một số hành động quân sự hạn chế ở nước ngoài.

Trang Axios dẫn lời một quan chức chính quyền ông Biden nói rằng đã thông báo cho quốc hội về việc tấn công theo Luật quyền lực chiến tranh. Luật này quy định tổng thống phải thông báo cho quốc hội trong vòng 48 giờ từ khi thực hiện hành động quân sự và phải rút lực lượng khỏi cuộc xung đột sau 60 ngày nếu không có sự phê chuẩn của quốc hội. Về lý thuyết, thời hạn 60 ngày này sẽ kết thúc vào ngày 12.3, hai tháng kể từ khi Mỹ thực hiện cuộc không kích lớn đầu tiên tại Yemen. Ông Murphy, một nghị sĩ đảng Dân chủ, nói sẽ thảo luận với các đồng nghiệp trong những ngày tới nhằm trao thẩm quyền phê chuẩn hành động quân sự cho quốc hội.

Chiến dịch tốn kém

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, từ ngày 19.11 năm ngoái, Houthi đã tiến hành ít nhất 48 cuộc tấn công tàu thương mại và hải quân quanh biển Đỏ. Đáp lại, liên quân Mỹ và Anh đã có nhiều đợt không kích lớn từ ngày 11.1, phá hủy hơn 150 tên lửa và giàn phóng, nhiều hệ thống liên lạc, thiết bị không người lái, radar, cơ sở hạ tầng, kho vũ khí của Houthi.

Tuy nhiên, các đợt không kích này vẫn không ngăn cản Houthi tiếp tục tấn công. CNN dẫn lời các quan chức trong chính quyền Mỹ thừa nhận việc sử dụng vũ lực là chưa đủ và cực kỳ tốn kém khi phóng những quả tên lửa trị giá nhiều triệu USD vào các vũ khí rẻ tiền của Houthi. Quân đội Mỹ hôm qua cho biết máy bay của lực lượng này và tàu chiến đồng minh đã bắn hạ 5 máy bay không người lái của Houthi tại biển Đỏ vào tối 27.2. Trong một tuyên bố ngày 27.1, Houthi nhấn mạnh sẽ chỉ cân nhắc về các cuộc tấn công của lực lượng nếu Israel dừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép đưa hàng viện trợ vào vùng đất này.

Gaza đói: Thức ăn nuôi chim, hạt chà là trở thành thức ăn cho trẻ em

Một phần tư dân số Gaza cận kề nạn đói

Quan chức Ramesh Rajasingham của Văn phòng Điều phối vấn đề nhân đạo LHQ ngày 27.2 cảnh báo ít nhất 576.000 người dân tại Dải Gaza, tương đương 1/4 dân số vùng này, đang cận kề nạn đói. Nói trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 27.2, ông Rajasingham cho hay gần như toàn bộ người dân tại Gaza đang phải sống dựa vào nguồn lương thực viện trợ ít ỏi, theo AFP. Các quan chức LHQ nói rằng những xe tải chở hàng viện trợ đang bị Israel chặn lại tại biên giới với Gaza trong khi nước này bác bỏ cáo buộc, cho là do LHQ phân phối thiếu hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.