Cho đến nay, chính quyền Washington vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào về cáo buộc tướng Soleimani đang chuẩn bị các cuộc tấn công “tàn độc và sắp xảy đến” nhắm vào công dân Mỹ. Điều này càng làm gia tăng nghi vấn, đòi hỏi một lý do chính đáng và hợp pháp để một quốc gia có thể tấn công giết chết một vị tướng quyền lực của quốc gia khác trong bối cảnh hai nước đang không ở trong tình trạng chiến tranh.
Hợp pháp hay không ?
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ, bà Agnes Callamard nói rằng phía Mỹ không hề nêu chi tiết về âm mưu cụ thể nào của ông Soleimani. Bà cho biết theo luật nhân quyền quốc tế, một nước trong trường hợp tự vệ có thể thực hiện cuộc tấn công giết chết người nhưng phải trong điều kiện đó là lựa chọn duy nhất để ngăn ngừa một cuộc tấn công sắp xảy đến. Ngoài ra, bà Callamard cũng lưu ý rằng thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ sau cuộc không kích không hề nhắc đến những người mất mạng ngoài ông Soleimani, gồm tài xế và cận vệ. Theo bà, cái chết của những người này có thể bị coi là “thiệt hại phụ liên quan” nhưng điều đó hoàn toàn trái luật.
Bên cạnh đó, Giáo sư luật Mary Ellen O’Connell tại ĐH Notre Dame (Mỹ) nhận xét sự phản đối của chính quyền Iraq đối với cuộc tấn công đồng nghĩa hành động của Mỹ đã vi phạm luật quốc tế. “Chúng ta đã thực hiện cuộc tấn công trên lãnh thổ của một nước rõ ràng không cho phép chúng ta làm điều đó. Cuộc tấn công là trái phép và vụ ám sát này không thể bào chữa được”, bà O’Connell nói với Đài NBC News.
Trong khi đó, Giáo sư luật Bobby Chesney tại ĐH Texas (Mỹ) lập luận Mỹ và Iran dù không trong tình trạng chiến tranh nhưng có thể coi là đang có xung đột vũ trang, đồng nghĩa cuộc không kích khiến một chỉ huy quân sự thiệt mạng là hợp pháp. Mặt khác, dù Iraq chưa cho phép tấn công nhưng Mỹ có thể biện hộ rằng một khi đã được cho phép ở lại nước này thì quân đội Mỹ có quyền tự vệ trước các mối đe dọa.
Ràng buộc tổng thống
Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tim Kaine ngày 4.1 giới thiệu nghị quyết nhằm ngăn Tổng thống Trump leo thang thù địch với Iran. Theo tờ The Hill, nghị quyết yêu cầu bất cứ hành động thù địch nào với Iran cũng phải được quốc hội thảo luận và thông qua. Nghị quyết do ông Kaine giới thiệu cũng có nội dung quy định Tổng thống Trump phải rút quân Mỹ khỏi vùng xung đột với Iran trong vòng 30 ngày sau khi được thông qua.
Năm 2001, quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự để cho phép tiến hành chiến dịch tại Afghanistan nhằm đáp trả vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Nghị quyết này cùng một văn kiện tương tự thông qua vào năm 2002 được sử dụng làm cơ sở cho vô số chiến dịch quân sự của Mỹ ở nhiều nơi khác trong 2 thập niên qua, theo Buzzfeed News. Ông Kaine và giới nghị sĩ Dân chủ lâu nay kêu gọi bãi bỏ 2 nghị quyết trên để thông qua cái mới với lý lẽ rằng việc ủy quyền của quốc hội trước đây không thể được viện dẫn để tiến hành cuộc chiến tranh hiện tại.
Đòn đáp trả của Iran
Hành động của chính quyền Tổng thống Trump vừa qua đã nhằm vào một trong những tướng lĩnh quyền lực nhất của Iran, người đã gia tăng sức ảnh hưởng tại Trung Đông và ngăn cản những kế hoạch của Mỹ trong nhiều năm qua. Giới lãnh đạo Iran gọi cuộc không kích của Mỹ là hành động “khủng bố quốc tế” và đe dọa sẽ “trả thù khốc liệt”. Giới quan sát nhận định Iran có nhiều lựa chọn để đáp trả như: cùng các lực lượng ủy nhiệm tấn công mục tiêu của Mỹ trong khu vực; tấn công căn cứ quân sự, nhà máy dầu của các nước đồng minh của Mỹ; đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân... hoặc có thể án binh bất động chờ đúng thời điểm mới ra tay. Theo chuyên san Foreign Affairs, phương án cuối cùng có thể là cách mà Iran lựa chọn nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ. Động thái nguy hiểm nhất Iran có thể làm được cho là một cuộc tấn công trên lãnh thổ Mỹ hoặc ám sát một quan chức cấp cao của Mỹ tại khu vực Trung Đông ngang hàng với ông Soleimani. Theo giới quan sát, lúc này để giảm căng thẳng và đặt ra lằn ranh để tránh những tính toán sai lầm, Mỹ có thể liên lạc với các đối tác có quan hệ tốt với Iran trong khu vực để can thiệp.
Tranh luận dữ dội trước khi ra lệnh
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định tấn công ngày 3.1. Tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, Tổng thống Trump và các quan chức trong chính quyền được cho là đã tranh luận quyết liệt, đặc biệt là vì lo ngại leo thang căng thẳng nếu giết chết tướng Soleimani. “Mọi người đều lo ngại về bước tiếp theo”, một quan chức có mặt tại đó cho hay. Chủ nhân Nhà Trắng được các cố vấn báo cáo liên tục trong thời gian cuộc không kích diễn ra.
|
Bình luận (0)