Tranh cãi về âm mưu lớn liên quan Ukraine

24/01/2022 06:48 GMT+7

Hôm qua, Nga bác bỏ cáo buộc của Anh cho rằng Điện Kremlin đang lựa chọn ứng viên đứng đầu chính phủ bù nhìn ở Kiev, trong lúc tiếp tục cân nhắc phương án vũ trang chống Ukraine.

Ngày 23.1, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Anh mưu đồ gây leo thang căng thẳng tại Đông Âu với những cáo buộc hoàn toàn không có cơ sở, theo Hãng thông tấn TASS.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp với đội ngũ an ninh quốc gia hôm 22.1

Reuters

Lời tố cáo từ Anh

Trước đó một ngày, Văn phòng ngoại giao Anh công bố thông tin tình báo cho thấy Moscow đang lên kế hoạch “lập nên lãnh đạo thân Nga ở Kiev”. Hiện phương Tây cho rằng Điện Kremlin đang cân nhắc bước đi kế tiếp sau khi tập trung binh lực gần biên giới Ukraine. “Cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev được xem là ứng viên tiềm năng”, theo CNN dẫn thông tin từ Văn phòng ngoại giao Anh.

“Chúng tôi nắm được thông tin cho thấy các cơ quan tình báo Nga vẫn duy trì liên hệ với các chính khách Ukraine”, theo thông cáo. Những cái tên được Văn phòng ngoại giao Anh điểm mặt bao gồm ông Serhiy Arbuzov, từng là Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine giai đoạn 2012 - 2014 và quyền Thủ tướng năm 2014; ông Andriy Kluyev, cựu Phó thủ tướng thứ nhất giai đoạn 2010 - 2012; ông Vladimir Sivkovich, cựu Phó chủ nhiệm Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia; và ông Mykola Azarov, cựu Thủ tướng Ukraine giai đoạn 2010 - 2014.

Tư lệnh hải quân Đức từ chức

Hôm qua (giờ VN), Phó đô đốc Kay-Achim Schoenbach, Tư lệnh hải quân Đức, đã từ chức sau các nhận xét có hướng “bênh vực” Nga và Tổng thống Putin. Phát biểu tại một sự kiện ở New Delhi (Ấn Độ) hôm 21.1, ông Schoenbach bác bỏ quan điểm cho rằng Nga đang âm mưu tấn công và sáp nhập Ukraine: “Đây là lập luận vô lý”.

Tư lệnh Hải quân Đức từ chức sau khi bênh vực Tổng thống Putin

Bên cạnh đó, vị phó đô đốc nói rằng những gì đang diễn ra chỉ vì Tổng thống Putin luôn muốn phương Tây hãy tôn trọng Nga như nước này xứng đáng được hưởng điều đó. Đồng thời, ông nhắc nhở Mỹ và NATO không thể thay đổi thực trạng liên quan đến Crimea, vốn được Nga sáp nhập năm 2014.

Tờ The Times dẫn lời các quan chức Mỹ xác nhận thông tin tình báo Anh hoàn toàn chính xác. Bà Emily J.Horne, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận xét thông tin trên “gây quan ngại sâu sắc”. Hôm qua (giờ VN), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden đã họp với đội ngũ an ninh quốc gia, bao gồm cố vấn Jake Sullivan. “Cuộc họp tập trung thảo luận các hành vi khiêu khích của Nga đối với Ukraine”, theo Nhà Trắng.

Một phần lô hàng viện trợ quân sự, gồm các vũ khí sát thương, của Mỹ cho Ukraine

Phản ứng của Nga

Trước những động thái trên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Văn phòng ngoại giao Anh đã cố tình gieo rắc “tin vịt”. “Đây tiếp tục là bằng chứng cho thấy, dưới sự dẫn dắt của Anh, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những hành động gây leo thang căng thẳng xung quanh Ukraine”. Anh cũng không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc trên.

Trùng hợp là ông Murayev, người được tình báo Anh xem là ứng viên số 1 trong danh sách chính phủ bù nhìn, đã bị Nga cấm vận từ ngày 25.12.2018. “Suốt 4 năm qua, tôi bị Nga cấm vận, không được phép nhập cảnh vì lý do an ninh quốc gia. Cha tôi bị Nga phong tỏa tài sản tại nước này”, báo The Telegraph dẫn lời ông Murayev. Ông tỏ ra hoài nghi về việc mình có tên trên danh sách “ứng viên tiềm năng” được Anh công bố hôm 22.1.

Vì sao Nga quan tâm đến Ukraine như vậy?

Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Điện Kremlin, chính quyền London vẫn tiếp tục cảnh báo Nga. “Nga sẽ hứng chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu đưa quân vào Ukraine và dựng nên chính quyền bù nhìn ở Kiev”, Phó thủ tướng Anh Dominic Raab nói với Sky News hôm 23.1. Trong tuần qua, Anh cung cấp 2.000 tên lửa và đội ngũ huấn luyện quân sự cho Ukraine.

Bên cạnh đó, sứ quán Mỹ tại Kiev cũng đăng tải hình ảnh cho thấy chuyến hàng quân sự đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa viện trợ cho Ukraine đã đến nơi. Trong số này có vũ khí sát thương, theo CNN. Phái bộ Mỹ tại Ukraine cũng đề nghị sơ tán toàn bộ các viên chức và nhân viên không thiết yếu, bắt đầu từ tuần này.

Trong lúc căng thẳng tiếp tục dâng cao, các cố vấn chính trị Nga, Ukraine, Pháp và Đức ngày 25.1 sẽ hội đàm theo cơ chế Normandy tại Paris (Pháp), tập trung thảo luận giải pháp cho miền đông Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.