Tranh cãi về bản quyền liên quan nghệ thuật trúc chỉ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/08/2021 06:22 GMT+7

Họa sĩ Phan Hải Bằng được nhiều người trong giới mỹ thuật coi là người khai sinh nghệ thuật trúc chỉ Huế. Tuy nhiên đã có tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ của loại hình sản xuất trúc chỉ.

Dậy sóng

Họa sĩ Phan Hải Bằng bắt đầu công bố những tư liệu mà ông gọi là Hành trình trúc chỉ trên trang Facebook cá nhân từ ngày 2.8.
Đó là hành trình dài kể từ khi ông Bằng manh nha hình thành và nuôi dưỡng ý tưởng về một nghệ thuật giấy của Việt Nam, với sự khác biệt, đặc trưng trên nền tảng truyền thống và sự tiếp biến.
Trong quãng đường dài đó, ông Bằng có sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có PGS-TS Phan Thanh Bình, khi đó là Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế). Một mô hình kết hợp xưởng đồ họa - giấy được dựng lên trong khuôn viên trường này với lò có thể nổi lửa, khung phơi được giăng, bể seo giấy... Trong mỗi bài viết, ông Bằng đều có hình ảnh đi kèm để người đọc hình dung.
Ngày 30.7, trên Facebook của nhiều họa sĩ đã có những ồn ào trao đổi xung quanh câu chuyện trúc chỉ. Cụ thể, họ nói về “một triển lãm” tranh trúc chỉ tại Hà Nội, có sự tham dự của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn. Họa sĩ triển lãm là ông Nguyễn Thanh Phương, còn gọi là Phương Râu. Theo các thông tin quanh tranh luận, ông Phương có một trang mạng bán tranh trúc chỉ lấy tên là Trúc chỉ Hà Thành. Ở đó, ông Phương bán nhiều tác phẩm trúc chỉ.
Một số chỉ trích cho rằng việc vẽ tranh trúc chỉ, bán tranh trúc chỉ với tên Trúc chỉ Hà Thành là vi phạm bản quyền do trúc chỉ là loại tranh ông Bằng nghiên cứu sáng tạo ra. Thông tin cũng cho biết ông Hải Bằng đã đăng ký bản quyền cho trúc chỉ. Do đó, việc khai thác trúc chỉ của ông Phương là không đúng pháp luật.

Độc quyền trúc chỉ ?

Về việc này, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết ông không hề tới dự một triển lãm trúc chỉ nào. Hình ảnh được cho là ông tới dự triển lãm chỉ là hình ảnh ông tới một xưởng của họa sĩ Phương để xem tranh. Ông cũng cho biết các tác phẩm mình xem do họa sĩ Phương đang sáng tác là tranh đề tài Phật giáo và hướng đi này khá thú vị.
Một giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả liên quan đến trúc chỉ cũng được đưa lên mạng. Theo đó, đã có một giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cấp cho tác giả Ngô Đình Bảo Vi và chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam (TP.Huế). Tác phẩm được cấp chứng nhận là Hình thức thể hiện logo trúc chỉ, thuộc loại hình mỹ thuật ứng dụng. Văn bản do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL cấp, do Cục trưởng Lê Hồng Phong ký ngày 17.2.2021.
Trong khi đó, họa sĩ Phương Râu nói: “Họa sĩ Phan Hải Bằng là người đầu tiên đưa tranh trúc chỉ vào Việt Nam, đó là điều không ai phủ nhận. Nhưng nói là tôi tổ chức triển lãm, rồi ăn cắp bản quyền thì không đúng”.
Họa sĩ Phương Râu xác nhận mình có sản xuất tranh trúc chỉ để bán. Các sản phẩm tranh trúc chỉ được giới thiệu trên trang trucchihathanh.vn. Ông chia sẻ thêm rằng kỹ thuật sản xuất tranh trúc chỉ là do mình tự nghiên cứu và mày mò làm, qua quá trình tìm hiểu các chất liệu như giấy dó ở Bắc Ninh, giấy giang của đồng bào dân tộc Mông ở Pà Cò, H.Mai Châu, Hòa Bình, rồi nghề làm giấy bản ở Văn Bàn, Bắc Quang, Hà Giang hay nghề làm giấy của đồng bào Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang; kết hợp nghiên cứu và tìm hiểu các sản phẩm bán sẵn trên thị trường.
Họa sĩ chia sẻ: "Tôi được biết trúc chỉ là một danh từ chỉ giấy làm từ bột tre, danh từ này được định nghĩa tại trang 1.369 Từ điển tiếng Việt do NXB Thanh Niên xuất bản năm 1996, GS Bùi Quang Tịnh và Bùi Thị Tuyết Khanh biên soạn - như vậy tên gọi trúc chỉ đã có từ lâu, không phải là một tên gọi mới. Tôi đặt tên Trúc chỉ Hà Thành cho xưởng tranh của mình, trong đó Trúc chỉ để thể hiện được phương thức, nguyên liệu chính của các tác phẩm do mình tạo ra, Hà Thành là tên riêng gắn với những kỷ niệm của bản thân".
Về việc này, Giám tuyển Ace Lee (Singapore) đánh giá: Đúng là logo trúc chỉ đã được đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, thay vì đăng ký dưới hạng mục nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, thì nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi và Công ty Trúc chỉ Việt Nam lại đăng ký nó dưới hạng mục quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả. “Bạn lưu ý rằng dưới dạng thức này, nó chỉ bảo hộ được hình thức thị giác mà không bảo hộ được tên gọi. Có nghĩa là, một doanh nghiệp khác chẳng hạn như Trúc chỉ Hà Thành cũng có thể sử dụng chữ “Trúc chỉ” này nhưng kết hợp với logo khác thì không bị coi là vi phạm”, ông Ace Lee viết.
Cũng theo ông Ace Lee, kỹ thuật đồ họa trúc chỉ (trucchigraphy) của tác giả gốc Phan Hải Bằng từ chục năm trước gồm quy trình làm giấy, kỹ thuật tạo áp lực nước và nâng cao kỹ thuật đó để tạo hệ thống thiết kế lớp lang tinh xảo. Ở đây, ông Bằng đã từng tổ chức nhiều workshop dạy kỹ thuật trucchigraphy công khai nên không thể đăng ký đó là bí mật doanh nghiệp kiểu như công thức chế biến Coca-Cola hay mã nguồn phần mềm Windows.
Tuy nhiên, ông Ace Lee cho rằng ông Hải Bằng có thể đăng ký sáng chế cho kỹ thuật trucchigraphy. Việc đăng ký này khá phức tạp với yêu cầu chung là phải có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Về việc này, ông Ace Lee cho biết: “Họa sĩ Phan Hải Bằng đã từng nộp nhưng chưa theo được đến cùng do sự phức tạp của quy trình. Tôi cho đây là một điều đáng tiếc, và khuyên đội ngũ vẫn nên tiếp tục theo đuổi đến cùng. Chủ sở hữu ở đây có thể là anh Bằng (vì bằng chứng phát minh đều dưới tên cá nhân anh), sau đó nhượng quyền cho Trúc chỉ Việt Nam để thuận lợi về hoạt động tổ chức”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.