Tranh cãi về huyết thanh trị Ebola

08/08/2014 09:00 GMT+7

Việc dùng huyết thanh ZMapp chưa từng được thử nghiệm với người để điều trị cho 2 tình nguyện viên người Mỹ nhiễm vi rút Ebola đang gây nhiều dư luận trái chiều.


Bệnh nhân Nancy Writebol được chuyển về Mỹ ngày 5.8 - Ảnh: Reuters 

Bác sĩ Kent Brantly và tình nguyện viên Nancy Writebol đều đang làm việc cho tổ chức nhân đạo Samaritan’s Purse tại Liberia. Theo báo Le Figaro, vào cuối tháng 7, cả hai đã nhiễm vi rút Ebola và phát bệnh cách nhau 3 ngày. Hiện vẫn chưa có bất kỳ dược phẩm nào phòng ngừa hoặc điều trị bệnh này được các cơ quan y tế cho phép áp dụng cho người. Sau khi nhận lời “cầu cứu” từ Samaritan’s Purse và được sự ủng hộ của một số quan chức y tế Mỹ, tập đoàn công nghệ sinh học Mapp Biopharmaceutical (Mỹ) đã gửi sang Liberia 3 liều huyết thanh ZMapp - hỗn hợp các kháng thể đơn dòng có khả năng phát hiện và kích hoạt hệ miễn dịch tiêu hủy những tế bào nhiễm vi rút Ebola. Những kháng thể này được điều chế từ kháng thể trong máu của chuột nhiễm bệnh. Ông Brantly và bà Writebol đã chấp nhận được điều trị thử với ZMapp dù biết rõ những nghiên cứu và thử nghiệm trước đó đều chỉ trên động vật.

Việc chữa trị cho 2 tình nguyện viên người Mỹ thật sự là cuộc chạy đua với thời gian vì khi ấy ông Brantly bị nhiễm vi rút Ebola đã 9 ngày còn bà Writebol bị nhiễm 6 ngày. Thuốc được đưa đến Liberia vào sáng 31.7 nhưng phải mất hơn 8 giờ để rã đông và đạt nhiệt độ của môi trường xung quanh, theo Đài CNN. Ban đầu, ông Brantly cho rằng mình trẻ hơn, có thể cầm cự với bệnh lâu hơn nên đã nhường cho bà Writebol được tiêm ZMapp trước. Tuy nhiên, ngay sau đó, bệnh tình của bác sĩ này đột ngột trở nặng khiến hô hấp khó khăn và ông thậm chí đã điện thoại để vĩnh biệt vợ. Do đó, các thầy thuốc bắt buộc phải điều trị cho ông Brantly ngay lập tức. Và chỉ trong vòng một giờ, tình trạng sức khỏe của ông đã khởi sắc hẳn.

Đạo đức y học

Nhiều báo đài Mỹ đánh giá rất cao hiệu quả của ZMapp đối với bác sĩ Brantly và tình nguyện viên Writebol, thậm chí còn gọi đây là “thần dược” trị bệnh Ebola. Tuy nhiên, việc sử dụng một dược phẩm chưa từng được thử nghiệm lên người khiến nhiều chuyên gia đặt vấn đề về đạo đức khoa học. Liệu 2 bệnh nhân người Mỹ có bị lợi dụng như “vật thí nghiệm” - dù họ ý thức về quá trình nghiên cứu ZMapp và chấp nhận - hay đây thật sự là biện pháp sống còn cuối cùng? Ngoài ra, do chưa được thử nghiệm về hiệu quả cũng như tác dụng phụ với người, khả năng “lợi bất cập hại” cũng có thể xảy ra.

Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIH) Anthony Fauci nhận định trên tờ The Washington Post: “Các bác sĩ đã đưa ra quyết định tuy có thể dẫn đến rủi ro nhưng cũng mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, khả năng mang lại lợi ích cao hơn rủi ro”. Tại Mỹ, thuốc chưa được cấp phép lưu hành bị cấm áp dụng trong điều trị lâm sàng. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chấp nhận ngoại lệ trong những trường hợp khẩn cấp khi tính mạng bệnh nhân bị đe dọa.

Ngày 7.8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo triệu tập phiên họp đặc biệt về đạo đức khoa học liên quan đến việc sử dụng thuốc trị bệnh Ebola còn trong quá trình thử nghiệm, cụ thể là trường hợp dùng huyết thanh ZMapp với 2 tình nguyện viên người Mỹ. Phó tổng giám đốc WHO Marie Paule Kieny cho biết: “Đây là một tình huống bất thường khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt với loại bệnh có tỷ lệ gây tử vong cao mà chưa có thuốc điều trị. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia về đạo đức y học để xác định hướng hành động có trách nhiệm”. Theo WHO, thông thường để được chấp nhận, các loại dược phẩm phải trải qua quy trình nghiêm ngặt để xác định không gây nguy hiểm cho bệnh nhân và quy định liều lượng, phương thức sử dụng.

Ngay cả khi đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, về mặt khoa học vẫn chưa thể kết luận tính hiệu quả của huyết thanh ZMapp. Huyết thanh này là kết quả hơn 10 năm nghiên cứu về siêu vi học giữa Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc quân đội Mỹ với hãng Mapp Biopharmaceutical. Năm 2012, báo cáo đầu tiên đăng trên chuyên san PNAS cho thấy hiệu quả 100% của huyết thanh ZMapp khi được dùng điều trị cho 8 con khỉ 1 giờ sau khi chúng nhiễm bệnh. Ở số khỉ được điều trị sau 48 giờ nhiễm bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh là 2/3. Kết quả nghiên cứu đăng tải trên chuyên san Science Translational Medicine vào năm 2013 cho thấy 43% số khỉ được tiêm ZMapp sau từ 4 đến 5 ngày nhiễm vi rút Ebola đã sống sót.

Trong khi đó, khi được điều trị bằng ZMapp, ông Brantly nhiễm bệnh đã 9 ngày còn bà Writebol nhiễm bệnh 6 ngày. Ngoài ra, tỷ lệ gây tử vong của bệnh Ebola là từ 60 - 90%, nghĩa là vẫn có nhiều bệnh nhân có kháng thể tự nhiên chống lại bệnh này. Ngoài ZMapp, ông Brantly cũng được cho truyền máu của một thiếu niên Liberia đã khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút Ebola. Như vậy, khó có thể kết luận 2 bệnh nhân người Mỹ có thật sự thuyên giảm nhờ ZMapp hay không. Bên cạnh đó, hiện Mapp Biopharmaceutique cũng không dự trữ đủ lượng huyết thanh này để sử dụng rộng rãi.

Đã có 932 người tử vong

WHO ngày 6.8 ra thông cáo xác nhận đã có 932 bệnh nhân tử vong trong hơn 1.700 ca nhiễm vi rút Ebola ở Tây Phi. Ngay sau đó, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày và nhận định cần áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt để “đảm bảo sự sống còn của quốc gia”, theo AFP. Hôm qua, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng nâng mức cảnh báo vệ sinh y tế lên mức 1 - mức cao nhất để sẵn sàng ứng phó với dịch Ebola. Đây là lần đầu tiên kể từ dịch cúm A - H1N1 vào năm 2009, CDC đưa ra mức cảnh báo này.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Nguy hiểm vi rút Ebola
>> Dịch bệnh Ebola hoành hành Tây Phi, gần 1.000 người chết
>> WHO: Số người chết vì dịch bệnh Ebola tăng lên 932
>> TP.HCM phòng chống dịch Ebola xâm nhập từ cửa khẩu
>> Báo động dịch Ebola ở Tây Phi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.