Tranh cãi về 'thử thách lẹo lưỡi': Đừng biến tướng trở thành dung tục?

Thanh Nam
Thanh Nam
16/02/2023 17:01 GMT+7

Có những câu chữ "bá đạo" mà khi đọc "không thể không vấp", dễ khiến rơi vào tình cảnh lẹo lưỡi. Ấy vậy mà những trò chơi với thử thách này ngày càng xuất hiện nhiều.

Tranh cãi những 'thử thách lẹo lưỡi' - Ảnh 1.

Tham gia "thử thách lẹo lưỡi" có thể trở thành trò cười của đám đông

C.T.V

Những câu lẹo lưỡi

Không phải ai cũng có thể đọc một cách tự nhiên những câu này: Chị nhặt rau rồi luộc em nhặt rau luộc rồi; con lươn nó luồn qua lườn em; luộc hột vịt lộn, luộc lộn hột vịt lạc, luộc lại hột vịt lộn lại lộn hột vịt lạc...

Đọc đã khó, mà vừa đọc nhanh lại rõ ràng, rành mạch càng khó hơn bội phần. Nói như Nguyễn Đặng Mỹ Dung, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thì: "Không thể nào đọc chuẩn xác những câu ấy với tốc độ nhanh. Chỉ đọc chậm rãi may ra mới có thể đọc một cách dễ dàng và đúng câu chữ".

Dựa vào sự lắc léo trong vần điệu của những câu nói ấy, không ít người quản trò đã đưa ra những trò chơi với điều kiện vừa đọc nhanh nhưng phải chuẩn, dễ nghe và không được vấp. Những trò chơi này còn được biết đến với cái tên là "thử thách lẹo lưỡi".

Nguyễn Quang Nghĩa (32 tuổi), nhân viên công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết đã từng tham gia "thử thách lẹo lưỡi". Theo Nghĩa, chỉ cần đọc câu "một thằng lùn nhảy vô lùm lượm cái chum lủng" một cách suôn sẻ là được nhận quà trong dịp công ty tổ chức đi dã ngoại. Thế nhưng, dù thực hiện 6 lần, Nghĩa cũng không thành công. Nhiều đồng nghiệp của Nghĩa cũng "giơ tay đầu hàng" với thử thách khó nhằn này.

Theo tìm hiểu của người viết, những "thử thách lẹo lưỡi" được tổ chức khá phổ biến hiện nay. Từ những dịp hội họp, gặp mặt, cho đến những bữa tiệc liên hoan, sinh nhật, đám cưới, tất niên, tân niên... những người quản trò hay các MC đều đưa những "thử thách lẹo lưỡi" để làm trò chơi nhằm khuấy động không khí và gắn kết mọi người.

Đặng Thành Đạt (27 tuổi), làm việc ở nhà hàng tiệc Bạch Kim, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết anh thường xuyên tổ chức trò này trong những tiệc đám cưới mà anh là MC. "Tôi thấy mọi người rất hào hứng tham gia. Có những câu rất khó để đọc một cách dễ dàng như: 'Lúc nào lên núi, lấy nứa về làm lán, nên lưu ý nước lũ', 'Lượm một hột vịt lộn, luộc, lột, lủm'... đều không làm khó được người chơi. Họ đọc tròn vành rõ chữ và hoàn thành câu văn một cách dễ dàng", Đạt kể.

Tranh cãi những 'thử thách lẹo lưỡi' - Ảnh 2.

Nhiều quản trò, MC cố tình đưa "thử thách lẹo lưỡi" để làm khó người chơi

C.T.V

Biến tướng, phản cảm

Mặc dù vậy, theo nhiều người trẻ, hiện nay có những MC, quản trò lạm dụng "thử thách lẹo lưỡi" để tạo nên những tiếng cười phản cảm.

Nguyễn Thị Thanh Tuyết (32 tuổi), làm việc ở ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Q.10, TP.HCM, cho biết đã từng tham gia "thử thách lẹo lưỡi" của MC trong một đám cưới.

Tuyết cùng 9 người khác lên sân khấu để đọc câu: "1 dồn lỗ, 2 lỗ dồn, 3 dồn lỗ, 4 lỗ dồn, 5 dồn lỗ, 6 lỗ dồn" do MC yêu cầu. Và kết quả, cả 10/10 người đều phải cảm thấy ái ngại, thậm chí muốn "độn thổ" khi đọc lộn thành những câu từ bậy bạ, gọi luôn tên... cơ quan nhạy cảm của phụ nữ.

"Kể từ đó, tôi không còn muốn tham gia những trò đọc chữ như vậy nữa. Vì có thể trở thành trò cười cho người khác khi đọc nhầm, đọc lộn, đọc líu lưỡi. Nhất là khi những chữ thô tục, vô tình được buông ra từ miệng mình, dù bản thân không chủ đích đọc như thế", Tuyết nói.

Tương tự, Hoàng Văn Mạnh, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho biết rất ngại chơi những "thử thách lẹo lưỡi". Bởi lẽ Mạnh đã từng là người trong cuộc, phải đỏ mặt khi vô tình nói lộn từ trong thử thách đọc câu: "con lươn nó luồn qua lườn em".

"Theo mình, việc cố ý đưa ra những câu làm khó người chơi, dễ khiến người chơi đọc lộn thành những cụm từ phản cảm là không nên. Thiết nghĩ, thử thách lẹo lưỡi là trò vui, tạo tiếng cười, nhưng đừng cố tình biến tướng trở thành dung tục", Mạnh nói thêm.

Phan Thanh Duy (31 tuổi), đang là nhân viên bất động sản ở Q.3, TP.HCM, cũng kể từng bị đồng nghiệp cùng công ty chọc quê vì đọc nhầm lẫn câu "bắt con cọp bỏ vô cặp". "Vì bị MC bắt buộc phải đọc nhanh. Mình làm theo, và kết quả là bẽ mặt. Mình đọc theo quán tính và nhầm, vô tình gọi luôn tên cơ quan sinh dục của con trai", Duy kể.

Xem nhanh 20h ngày 16.2: Phụ huynh kêu cứu vì Apax Leaders | Gian nan tái thiết sau thảm họa động đất

Duy cũng cho rằng: "Vui thôi đừng vui quá. Những người quản trò đừng đưa những thử thách lẹo lưỡi mà biết chắc rằng người chơi sẽ đọc lộn thành chữ khác có tính gợi dục".

MC Thắng Đặng (30 tuổi, làm việc tại một công ty về lữ hành, du lịch ở Hà Nội) cho biết đã từng rất nhiều lần dẫn những chương trình team building cũng như liên hoan, đám cưới. Trong những lần đó, hầu hết Thắng Đặng đều tổ chức "thử thách lẹo lưỡi" cho mọi người tham gia.

Thắng Đặng chia sẻ: "Phải thừa nhận rằng, có nhiều khi, vì muốn tạo tiếng cười mà tôi cũng như một số đồng nghiệp cố tình đưa ra "thử thách lẹo lưỡi" với những câu để làm khó người chơi. Có người cảm thấy vui vẻ, họ xem bình thường, không có vấn đề gì, thậm chí cười rất to. Nhưng quả thật, cũng có người cảm thấy khó chịu và xin ngừng tham gia ngay sau khi thấy người chơi trước đã đọc lộn", Thắng Đặng kể và cho biết: "Sẽ rút kinh nghiệm việc này để không tổ chức những thử thách lẹo lưỡi có hơi hướng dung tục như thế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.