Tranh cãi vì ban tổ chức giải Oscar hỏi về chuyện đồng tính

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
16/03/2023 08:12 GMT+7

Mặc dù các tiêu chuẩn đưa vào giải Oscar năm tới đều có mục đích tốt nhưng một số nhà sản xuất cho rằng việc thu thập dữ liệu dễ gây nhầm lẫn và vi phạm quyền riêng tư.

"Làm sao chúng ta biết ai là người đồng tính khi việc hỏi này là bất hợp pháp?", tờ Hollywood Reporter đặt câu hỏi trước các tiêu chuẩn mà một bộ phim tranh giải Oscar Phim hay nhất cần có.

Mùa thu năm ngoái, một nhà làm phim độc lập phải điền vào biểu mẫu trực tuyến để đưa bộ phim của mình lên tranh giải Oscar. Một số câu hỏi trên trang web đệ trình của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (Học Viện) khiến anh khó chịu.

Trang web đã hỏi về chủng tộc, giới tính và khuynh hướng tình dục của các diễn viên, thành viên đoàn phim của anh, đồng thời có một số câu hỏi về sức khỏe của họ - chẳng hạn như liệu họ có mắc chứng tự kỷ hay phải đối mặt với những cơn đau mãn tính hoặc bệnh tâm thần hay không.

Tranh cãi vì ban tổ chức giải Oscar hỏi về chuyện đồng tính - Ảnh 1.

Đoàn phim Everything Everywhere All at Once nhận giải Oscar Phim hay nhất

Reuters

"Tôi không biết, có thể ai đó trong đoàn phim bị rối loạn thần kinh. Đó không phải là câu để tôi hỏi. Họ đã làm công việc của họ thật tuyệt vời. Và làm sao chúng tôi biết ai là người đồng tính khi việc hỏi mọi người là bất hợp pháp?", nhà làm phim này nói.

Xâm phạm quyền riêng tư

Các câu hỏi là một phần trong tiêu chuẩn mới của Học Viện để đủ điều kiện đề cử và nhận giải Oscar mà tổ chức này bắt đầu triển khai vào năm 2021 để chuẩn bị đưa ra một số tiêu chuẩn bắt buộc vào mùa trao giải năm sau.

Mục tiêu là thúc đẩy sự toàn diện hơn trong ngành kinh doanh điện ảnh nhưng một số nhà sản xuất đang cố gắng tuân thủ nói rằng quy trình này rườm rà và tệ nhất là xâm phạm quyền riêng tư.

"Ý định rất đáng khen ngợi nhưng có nhiều câu hỏi mà tôi cảm thấy không thoải mái khi trả lời", một nhà sản xuất khác nói. "Tôi sẽ không viết thư cho tất cả các diễn viên và hỏi xu hướng tính dục của họ là gì. Và nếu đó không phải là thứ được cung cấp công khai bạn có dám hỏi, 'Này, bạn có bị tàn tật không?'".

Một nguồn tin của hãng phim cho biết: "Chúng tôi muốn ủng hộ nỗ lực này nhưng về mặt pháp lý, chúng tôi không thể hỏi nhiều những câu hỏi như thế".

Học Viện cho biết họ không mong đợi các hãng sản xuất phim biết mọi chi tiết nhân thân về nhân sự đoàn phim. "Chúng tôi thừa nhận rằng không phải ai cũng sẽ tiết lộ thông tin đó", Phó giám đốc điều hành Học viện Jeanell English xác nhận.

Bất chấp sự dè dặt của các nhà sản xuất, Jeanell English nói, hai năm đầu tiên của chương trình đã chứng kiến "sự tham gia cực kỳ cao", lưu ý rằng "phần lớn các bộ phim gửi biểu mẫu dự giải Oscar đã hoàn thành tốt các câu trả lời". Có đoàn phim thậm chí còn cung cấp nhiều thông tin hơn cả yêu cầu của Học Viện. "Đôi khi câu trả lời là, 'Chà, điều này thực sự đã giúp tôi suy nghĩ về những gì tôi đang làm trên phim trường. Những câu hỏi này rất có giá trị'. Những người khác thì cho biết, 'Tôi thực sự tự hào về những gì tôi đang làm và tôi muốn làm nổi bật nó hơn'", English nói thêm.

Khi các tiêu chuẩn mới có hiệu lực cho giải Oscar năm sau, Học Viện sẽ yêu cầu một bộ phim đáp ứng hai trong số bốn tiêu chuẩn đưa vào để đủ điều kiện tranh giải Phim hay nhất. Chẳng hạn, một bộ phim có thể đáp ứng tiêu chuẩn trên màn ảnh bằng cách có một trong số các diễn viên chính hoặc phụ đến từ một nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc ít được đại diện hoặc bằng cách có một cốt truyện tập trung vào một nhóm ít được đại diện, bao gồm phụ nữ, người LGBTQ và người khuyết tật.

Điều đó có thể đáp ứng tiêu chuẩn tiếp cận và cơ hội làm việc trong ngành điện ảnh bằng cách cung cấp cơ hội thực tập có lương và cơ hội đào tạo cho những người thuộc các nhóm ít được đại diện.

Nhưng một số nguồn tin từ các nhà sản xuất phim độc lập lên tiếng bác bỏ bản tiêu chuẩn này. Họ không muốn chống đối, nói rằng các tiêu chuẩn có thể khó hiểu và khó thu thập dữ liệu. Nhiều nguồn tin từ một số hãng phim cho biết khi họ nhận được các câu hỏi về khuyết tật/sức khỏe trong các biểu mẫu gửi đến, họ hầu như đã bỏ qua.

Một nguồn tin xác nhận: "Khi lần đầu tiên xem biểu mẫu trực tuyến này, thành thật mà nói, tôi thực sự hoảng sợ. Tôi cảm thấy như mọi người ở trường quay nhìn nhau kiểu 'Chúng ta làm gì với cái này đây?'".

Việc giới thiệu các tiêu chuẩn là một phần của Aperture 2025 - một loạt các chính sách bao gồm mà Học viện đã thông qua vào năm 2020, trong đó có việc bổ sung khóa đào tạo bắt buộc hằng năm cho nhân viên Học Viện và đặt ra số lượng cố định 10 đề cử Phim hay nhất bắt đầu từ năm 2021. Aperture 2025 tuân theo các mục tiêu mà Học Viện đã đặt ra và đạt được sau cuộc tranh cãi #OscarsSoWhite vào năm 2016.

Ngày nay, 34% thành viên của Học Viện là phụ nữ, tăng 25% so với năm 2015 và 19% thành viên đến từ các nhóm dân tộc và chủng tộc ít được đại diện, tăng 8% so với năm 2015.

Ban tổ chức các lễ trao giải khác cũng áp dụng tiêu chuẩn này

Học Viện không phải là trường hợp duy nhất đưa ra các loại câu hỏi có trong biểu mẫu trực tuyến. Các tiêu chuẩn được mô phỏng theo tiêu chuẩn đa dạng của Viện phim Anh đang sử dụng để xác định một số điều kiện tài trợ của Vương quốc Anh cho một số hạng mục giải BAFTA. Giải thưởng Tinh thần Độc lập cũng đặt ra một số câu hỏi như một phần của quy trình nộp hồ sơ.

Tranh cãi vì ban tổ chức giải Oscar hỏi về chuyện đồng tính - Ảnh 2.

Tài tử Brendan Fraser nhận giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim The Whale

Reuters

Hầu hết các hãng phim lớn đều có quy trình thu thập dữ liệu đa dạng về nhân viên và sản phẩm. Việc thu thập thông tin đó của các hãng phim sau khi được thực hiện phức tạp xem ra tương đối thuận lợi hơn so với các nhà sản xuất phim độc lập.

Một nhà sản xuất phim xác nhận cô phải tạo bảng tính để thu thập tỷ lệ phần trăm mà Học viện muốn và cô liên tục đăng xuất khỏi trang web của Học Viện, điều mà cô gọi là "lố bịch".

Học Viện khẳng định trong năm thứ hai của quá trình triển khai, họ đã bổ sung các nguồn lực để hỗ trợ quá trình này, hướng dẫn các hãng sản xuất phim đến các địa chỉ như Free the Work và Staff Me Up, nơi duy trì cơ sở dữ liệu về các diễn viên và thành viên đoàn phim tự nhận mình đến từ các nhóm ít được đại diện.

Việc thêm thông tin ẩn danh trở nên dễ dàng hơn trước những lo ngại về quyền riêng tư. Ví dụ: nếu nhà sản xuất có một diễn viên hoặc thành viên đoàn phim bị khuyết tật, họ có thể lưu ý điều đó mà không cần nêu tên cụ thể người này.

Ngoài ra Học viện còn cho biết họ đang kiểm tra các biểu mẫu trực tuyến đã nộp để xác nhận rằng các nhà sản xuất đang báo cáo chính xác dữ liệu. "Nếu chúng tôi thấy một số thông tin khác xa với những gì chúng tôi biết, chúng tôi có thể quay lại và đặt câu hỏi về phương pháp họ đã sử dụng", English xác nhận.

Học Viện nói rằng phần lớn các nhà sản xuất phim được đề cử giải cao nhất đều đáp ứng Tiêu chuẩn A - trên màn ảnh, tiêu chuẩn được đáp ứng nhiều nhất, đặc biệt là với phụ nữ. Học viện cho biết Tiêu chuẩn B - lãnh đạo sáng tạo và trưởng bộ phận, Tiêu chuẩn C - khả năng tiếp cận ngành, là những lĩnh vực mà quá trình sản xuất ít có khả năng đáp ứng. Nhiều đợt thực tập dành cho nhân viên mới bị đình trệ trong thời gian đại dịch ảnh hưởng đến Tiêu chuẩn C nói riêng. Nhiều nguồn tin cho biết Tiêu chuẩn D, liên quan đến các đơn vị tiếp thị, quảng bá và phân phối của hãng phim có thể dễ dàng đạt được, vì phụ nữ và người LGBTQ có xu hướng được đại diện tốt trong các lĩnh vực đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.