Tranh cãi việc đeo tai nghe khi lái xe bị phạt đến 1 triệu đồng

04/01/2020 19:18 GMT+7

Theo nghị định về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng từ 1.1.2020, sử dụng thiết bị âm thanh như đeo tai nghe khi đang lái xe máy sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng, gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đối với lái xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị xử phạt từ 600.000 - 1 triệu đồng. Nhiều bạn trẻ thắc mắc sao mức phạt lại cao hơn nhiều so với trước đây chỉ từ 200 - 300.000 đồng. Trong khi đó, rất hiếm trường hợp nào gây tai nạn mà đang sử dụng tai nghe hoặc các thiết bị âm thanh khi đang lái xe. Hơn nữa có nhiều trường hợp đeo tai nghe nhưng không để nghe nhạc, và cũng không ảnh hưởng gì đến việc tập trung lái xe. Vậy mức phạt này có phải quá cao?

“Chắc ở nhà luôn đừng đi đâu nữa”

Trên các diễn đàn mạng xã hội, bạn trẻ có nhiều ý kiến trái chiều về mức phạt này. Một thành viên có tên Facebook là Ten Khongco bình luận: “Uống một lon bia cũng bị phạt 7 triệu, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại cũng phạt tiền triệu, đeo tai nghe lái xe cũng phạt, rồi có điện thoại tấp xe vào lề nghe thì bị phạt về quy định đậu đỗ xe. Thôi kiểu này đừng đi đâu nữa”.

Thành viên Nguyễn Hiếu thì hài hước bình luận: “Mọi người nghe tôi, cứ mua ngựa đi cho chắc. Khỏi đổ xăng, khỏi bị phạt”.

Một thành viên khác tỏ vẻ bó tay, bình luận: “Một giọt rượu cũng phạt, lỡ ăn trái cây có nồng độ cồn chắc cũng bị phạt, đeo tai nghe để nghe hướng dẫn chỉ đường mà cũng bị phạt. Chắc ở nhà luôn đừng đi đâu nữa”.

Theo nhiều người trẻ, việc đeo tai nghe có khi không phải để nghe nhạc

HOA NỮ

Anh Phan Hoàng Đăng Khoa (Đơn vị phát triển Y tế thông minh Origen Vietnam, cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng đeo tai nghe không giống với việc nghe điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện giao thông vì vẫn đảm bảo điều khiển phương tiện bằng 2 tay, 2 chân và mắt để quan sát.

“Việc đi ô tô kín cửa và mở nhạc lớn cũng không khác, thậm chí tác động còn lớn hơn việc đeo tai nghe nhưng chưa có quy định. Trong khi đó, đeo tai nghe gián tiếp gây ra thiếu quan sát, và các lỗi thiếu quan sát đều đã được quy định khung hình phạt hợp lý. Việc nâng khung hình phạt cho việc sử dụng thiết bị âm thanh lên đến 1 triệu đồng là không cần thiết. Từ đó cho thấy, việc ban hành quy định chung chung về đeo tai nghe khi tham gia giao thông theo mình là thiếu đồng bộ. Thay vào đó nên siết chặt, nâng cao tỷ lệ phạt đúng - đủ các lỗi hiện đã có trước đó sẽ cấp thiết hơn”.

Chưa thật sự thỏa đáng

Tỏ vẻ khó chịu về những quy định mức phạt hiện nay, Nguyễn Thị Thúy Loan (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hướng dẫn viên Yoga tại TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy càng quy định, càng đổi mới càng rối. Mấy hôm nay mình cứ đang thử nghĩ hỗng lẽ các tiệc cưới mọi người đều đi xe ôm công nghệ hay taxi hết sao? Mà thường cưới cứ ngày tốt là đổ xô cưới, vậy mấy ngày đó xe ôm nào mà tải cho hết từng đó lượng khách. Quy định gì mà nhấp môi có nồng độ cồn trong người cũng bị phạt. Thật sự làm lòng mình bất an thêm. Rồi câu chuyện đeo tai nghe cũng bị phạt cao nữa. Nếu đeo mà không nghe nhạc thì sao, cũng phạt ư? Đã có bao nhiêu trường hợp gây tai nạn giao thông từ việc đeo tai nghe mà phải nâng mức phạt lên. Trước đây mình được biết chỉ có 200-300.000 đồng cho một lần vi phạm”.

Võ Hoài Nguyên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, thì bày tỏ: “Bình thường mình hay đeo tai nghe vào buổi sáng khi đi đường, chỉ với mục đích là để khỏi bị lạnh. Nhưng từ nay chắc cân nhắc lại, chứ không bị phạt oan đến 1 triệu thì khổ thân. Mà mình thấy chỉ những trường hợp đeo tai nghe mà bật nhạc quá to, chứ còn những trường hợp mở nhạc nhỏ hoặc đeo vì mục đích khác thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến việc lái xe. Nói chung cái này là do ý thức của mỗi người”.

Còn anh chàng Phùng Hữu Vinh, sáng lập Fanpage Made in Saigon, thì cho rằng đeo tai nghe khi lưu thông trên đường cũng rất dễ gây tai nạn ngoài ý muốn, vậy nên mức phạt 1 triệu đồng để cảnh giác cũng như răn đe những hành vi có khả năng cao gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh thì vẫn chấp nhận được.

“Tuy nhiên theo Vinh thì đeo tai nghe để xử lý cuộc gọi thì được, cái hạn chế nên là hạn chế sử dụng điện thoại di động, vì rất nhiều tình huống tai nạn giao thông xảy ra vì vấn đề sử dụng điện thoại khi đang lưu thông trên đường, nên rạch ròi 2 khái niệm giữa 'đeo tai nghe' và 'sử dụng điện thoại'. Vì dù sao đeo tai nghe để nghe những cuộc gọi khẩn cấp cũng tốt hơn là việc vừa cầm điện thoại nghe, vừa lái xe. Chứ đâu phải lúc nào cũng đeo tai nghe là để nghe nhạc”, Vinh nói.

Vũ Viết Kiên, sáng lập dự án Không ống hút nhựa, thì bày tỏ: “Mình thấy quy định này hơi bất tiện, vì đôi khi mình cũng hay đeo tai nghe khi đi đường. Nhưng có một điều mình không phủ nhận là đôi khi nó làm mình mất tập trung thật. Nó tiềm ẩn nguy hiểm. Đã không phạt thì thôi, phạt thì phạt cho sợ, nên mình nghĩ mức phạt này là để răn đe “.

Nhưng cũng theo Kiên, xử phạt như thế này cũng chưa thỏa đáng: “Vì nếu vậy phải chú ý thêm rằng xe ô tô, người ta nghe nhạc, người ta làm đủ thứ trong xe cũng được á, mà cũng rất nguy hiểm vì mất tập trung...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.