Mới đây CHANGE (doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ và sản phẩm xanh mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội) đã phát động chiến dịch Ở nhà ngày ô nhiễm. Theo đó, đơn vị này đưa ra khuyến cáo, nếu trong những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động tím (201-300) thì nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài. Chiến dịch này đã tạo ra những cuộc tranh luận ngoài đời thật và cả trên mạng xã hội
Giải pháp linh hoạt
“Có lẽ cách duy nhất để người Việt mình đối phó với ô nhiễm không khí là đeo khẩu trang khi ra đường. Nhưng vì bị hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia), đeo khẩu trang cũng thấy khó chịu bức bối vô cùng, nên tôi sẽ hạn chế ra đường và ở nhà cho lành vào những ngày ô nhiễm nặng. Ít nhất là giảm được một chiếc xe máy ở ngoài đường thì cũng giảm đi chút ô nhiễm không khí”, anh Trọng Nguyễn, Giám đốc sáng tạo của Dinosaur, cho biết.
Trong khi đó, MC Phan Anh chia sẻ: "Tôi nghĩ là mình nên ở trong nhà, khi mình đi ra ngoài đường vào lúc ô nhiễm quá và thêm sự nóng nực thì nhìn thấy mọi người không có ai là vui vẻ cả”.
Chị Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Saatchi & Saatchi Việt Nam, cho hay: “Làm việc tại nhà tuy không phải là một phương án tối ưu, nhưng sẽ là một giải pháp linh hoạt cho các tổ chức và doanh nghiệp nên áp dụng để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên cũng như góp phần giảm khí thải”.
Không giải quyết được gốc rễ vấn đề
Chị Nguyễn Hoa Mai, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, cho biết: “Ở những thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM, trong những ngày chất lượng không khí thấp, ô nhiễm không khí báo động, việc cho người dân hạn chế ra đường, làm việc tại nhà cũng là một phương án hay”.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thu Ngọc, bác sĩ Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng, để người dân ở nhà ngày ô nhiễm không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
“Một số nước tiên tiến, phát triển trên thế giới có thể áp dụng biện pháp ở nhà ngày ô nhiễm bởi hệ thống giao thông công cộng của họ đồng bộ, tiện lợi. Đồng thời việc giảng dạy, đào tạo, lao động của họ có thể thông qua phương tiện điện tử hiện đại hỗ trợ”, chị Ngọc nói.
|
Cũng theo bác sĩ Ngọc: “Ô nhiễm không khí đâu chỉ là từ các phương tiện giao thông? Vậy giải quyết vấn đề cần đi từ nguyên nhân của ô nhiễm, chứ không phải áp dụng biện pháp 'giảm ra đường'. Đó mới chỉ là giải quyết 'cái ngọn', chưa giải quyết được cái gốc. Chưa kể, có thể gây lãng phí thời gian, tăng gánh nặng cho xã hội, ví dụ các cơ quan nhà nước đâu có thể ở nhà để tiếp dân; bác sĩ đâu có thể ở nhà để điều trị cho bệnh nhân”.
Chị Ngô Thị Thanh Thảo, Quản lý Truyền thông CHANGE, cho biết việc tạo ra những cuộc tranh luận xung quanh dự án Ở nhà ngày ô nhiễm tạo mục đích hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Cát Tường, Quản lý dự án của CHANGE, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy việc đưa ra cảnh báo từ chính quyền cho người dân khi chỉ số AQI tăng cao đóng vai trò rất quan trọng để người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ và các trường học có biện pháp ứng phó kịp thời, vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ ô nhiễm không khí”.
Theo nghiên cứu của ĐH Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã tạo ra thiệt hại kinh tế từ 9,86 - 12,45 tỉ USD vào năm 2013. Riêng TP.HCM, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117 - 183 triệu USD. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ô nhiễm không khí chính là bụi siêu mịn, phổ biến nhất là bụi PM2.5. Với kích thước siêu nhỏ (đường kính chỉ bằng 1/40-1/100 sợi tóc), các hạt bụi siêu mịn này có thể chui sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu... Không có loại khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản loại siêu bụi mịn này.
Bình luận (0)