Tranh chấp đất đai, có nên bắt buộc phải hòa giải ở xã?

Ngân Nga
Ngân Nga
01/03/2023 15:46 GMT+7

Theo các chuyên gia, không nên quy định bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã khi có tranh chấp đất đai, mà hãy để các bên tự thỏa thuận lựa chọn, trước khi kiện ra tòa.

Dự thảo quy định còn lấp lửng

Ngày 1.3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Lê Nhật Bảo (Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, dự thảo chỉ khuyến khích người dân hòa giải tại xã đối với tranh chấp đất đai, trước khi khởi kiện ra tòa.

"Nếu điều này trở thành hiện thực thì giải quyết rất nhiều vướng mắc cho người sử dụng đất", thạc sĩ Bảo nêu.

Bởi thủ tục hoà giải tại UBND cấp xã không đơn giản. Người sử dụng đất phải làm đơn gửi đến UBND cấp xã, Chủ tịch xã phải thành lập Hội đồng hoà giải với thành phần tham dự rất đa dạng như: Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, trưởng khu phố… Việc thiếu bất kỳ thành phần nào đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý, làm cho vụ kiện không thể tiến hành được.

Cũng theo thạc sĩ Bảo, tại điểm b khoản 2 Điều 224 dự thảo quy định, thành phần hoà giải tại UBND cấp xã gồm có Uỷ ban MTTQVN cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác.

"Vậy phạm vi "các tổ chức xã hội khác" gồm những tổ chức nào, chưa được dự thảo làm rõ. Quy định này cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, tôi đề nghị cần lãm rõ vấn đề này", thạc sĩ Bảo nhấn mạnh.

Tranh chấp đất đai, có nên bắt buộc phải hòa giải ở xã? - Ảnh 1.

Thạc sĩ Lê Nhật Bảo (Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM)

NGÂN NGA

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Công Phú, nguyên Phó Chánh toà Kinh tế, TAND TP.HCM, cho rằng dự thảo chưa làm rõ tranh chấp đất đai có còn phải bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã, trước khi khởi kiện ra Tòa như luật hiện hành hay không.

Bởi khoản 1 Điều 225 và khoản 2 Điều 224 dự thảo chỉ quy định lấp lửng: "Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải".

Trong khi đó, Luật Đất đai hiện hành (năm 2013), quy định tranh chấp đất đai có thể khởi kiện ra Tòa là tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành. Do đó, nhà làm luật cần quy định rõ hơn, tránh gây tranh cãi hoặc gây lúng túng, cho các cơ quan thực thi pháp luật, trong quá trình thi hành Luật sau này.

Hãy để các bên tự lựa chọn hòa giải hay khởi kiện 

Đồng tình với quan điểm của ông Phú, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, dự thảo nên điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tiến sĩ Xuân đề xuất nên quy định hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục không bắt buộc, trước khi khởi kiện ra tòa.

Bởi, thứ nhất, Điều 224 dự thảo đã bổ sung thêm một lựa chọn mới, trước khi Tòa án thụ lý vụ án là thủ tục hoà giải tại tòa. Theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa năm 2020, việc hòa giải tại Tòa án mặc dù do hoà giải viên thực hiện, nhưng đều có Thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại tham dự. Kết quả hòa giải này cũng có thể được Tòa án công nhận.

Tranh chấp đất đai, có nên bắt buộc phải hòa giải ở xã? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, Điều 224 dự thảo quy định chưa rõ, có thể gây ra tranh cãi

NGÂN NGA

Thứ hai, tiến sĩ Xuân cho rằng, bên cạnh những ưu điểm như không tốn án phí, hoà giải tại UBND cấp xã cũng còn tồn tại những bất cập.

Dự thảo và luật hiện hành đều quy định, trường hợp hòa giải thành mà có điều chỉnh hiện trạng ranh giới thửa đất, thì các bên nộp hồ sơ đến cơ quan tài nguyên môi trường để được cấp giấy chứng nhận mới.

Tuy nhiên, trong thủ tục hành chính về hoà giải tại cấp xã, lại không quy định phải thực hiện đo đạc. Vì thế có những trường hợp, sau khi hòa giải thành, cơ quan có thẩm quyền lại gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận.

"Nghị định 01 quy định quá trình hoà giải không quá 45 ngày làm việc. Theo tôi, trong nhiều trường hợp lại làm tranh chấp kéo dài hơn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên", tiến sĩ Xuân chia sẻ.

"Bản chất của hòa giải là giải quyết tranh chấp tự nguyện, theo thiện chí của các bên. Nếu một hoặc các bên không muốn hòa giải, mà ép buộc sẽ không hiệu quả, mà còn làm phát sinh thêm chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp", ông Phú nêu.

Do đó, ông Phú nhấn mạnh, không nên quy định bắt buộc hòa giải ở xã khi có tranh chấp, mà nên để cho các bên thỏa thuận lựa chọn, trước khi khởi kiện ra Tòa.

Tuy nhiên, theo ông Phú, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không phải không có mặt tích cực. Bởi đây là cơ quan chính quyền cấp cơ sở, họ hiểu rõ nhất thực tế sử dụng đất ở địa phương để giải thích, hướng dẫn các bên thống nhất theo quy định của pháp luật mà vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm… Nếu kết quả hòa giải thành thì tiết kiệm được thời gian và chi phí giải quyết cho các bên và cho xã hội, đồng thời giảm tải cho Tòa án.

"Theo tôi, để có cơ sở khách quan quyết định việc có nên giữ hay bỏ quy định về thủ tục hòa giải tiền tố tụng như luật hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần thu thập dữ liệu về hiệu quả thực tế của việc hòa giải tại UBND cấp xã trong phạm vi cả nước. Nếu tỷ lệ phần trăm hòa giải thành quá thấp, thì không nên tiếp tục giữ lại quy định này nữa", ông Phú nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.