Tranh chấp giữa ban quản trị chung cư và cư dân ngày càng nóng

Đình Sơn
Đình Sơn
03/08/2023 15:49 GMT+7

Những ngày qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều đơn phản ánh từ cư dân tại các chung cư về tình trạng chung cư xuống cấp, ban quản trị khuất tất và đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư.

Cuộc "chiến" dai dẳng, không hồi kết

Tại chung cư The Art (TP.Thủ Đức), hơn 900 cư dân đã đồng loạt ký vào đơn phản ánh hàng loạt bức xúc tại chung cư này và yêu cầu ban quản trị từ nhiệm. Có mặt tại chung cư này, chúng tôi thấy có nhiều băng rôn đỏ được treo ở các căn hộ để phản đối ban quản trị. Một số cư dân chỉ cho chúng tôi xem thang máy chung cư bị rò rỉ, nước chảy vào như thác mỗi khi mưa; hộp phòng cháy chữa cháy trống rỗng, không có thiết bị. Tại hầm để xe, 2 trong số 4 đường ra bị rào chắn khiến họ lo lắng không có lối thoát khi hỏa hoạn hoặc sự cố.

Đáng nói, ban quản trị đang quản lý 60 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư nên các cư dân cho rằng, ban quản trị đã không làm tròn nhiệm vụ, quản lý quỹ bảo trì thiếu hiệu quả, khiến chung cư càng ngày càng xuống cấp.

Sau 5 tháng quyết liệt gửi đơn cầu cứu khắp nơi thì đến ngày 30.7, chính quyền địa phương đã tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị. Tại đây, toàn bộ ban quản trị cũ đã từ nhiệm. Cư dân bầu ra ban quản trị mới với hy vọng quản lý chung cư tốt hơn.

Nóng tình trạng tranh chấp tại các chung cư - Ảnh 1.

Một chung cư người dân treo băng rôn đòi thay ban quản trị

ĐÌNH SƠN

Tuy nhiên, không phải chung cư nào cũng "may mắn" như cư dân The Art bởi tại rất nhiều chung cư, các tranh chấp diễn ra trong một thời gian dài vẫn không được giải quyết triệt để. Chẳng hạn, tại chung cư Sunrise City (quận 7), các cư dân và ban quản trị cũng đang "nội chiến". Theo các cư dân, thời gian qua, ban quản trị đã không công khai, không công bố từ ngày chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì là bao nhiêu tiền, gửi ở ngân hàng nào, lãi suất bao nhiêu. Các hợp đồng ký với các đối tác về quản lý tòa nhà, vệ sinh, bảo trì…, cũng không được công bố với lý do "bí mật". Mới đây nhất, việc sơn lại toàn bộ chung cư tốn hết 45 tỉ đồng dù tòa nhà vẫn còn mới. Điều này khiến các cư dân bức xúc và yêu cầu bầu lại ban quản trị mới. Thế nhưng, việc bầu cử đã bất thành bởi nhiều lý do, trong đó có việc không đủ số người để tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định.

"Số tiền quỹ bảo trì có người nói 170 tỉ đồng, người nói 140 tỉ đồng. Có người thì nói, quỹ bảo trì đã bị sử dụng sai mục đích hoặc chủ đầu tư chưa bàn giao hết. Nhưng cư dân không biết được con số chính xác, không biết tiền giờ ai đang nắm giữ vì không được công bố rõ ràng, minh bạch. Điều này khiến chúng tôi hết sức bức xúc. Chính vì vậy, cư dân đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi nhưng rất tiếc vẫn không được xử lý", chị Hồng một cư dân ở đây cho hay.

Tại chung cư Topaz Home 2 (phường Tân Phú, TP.Thủ Đức), rất nhiều tấm băng rôn cũng đã được treo ở chung cư để phản đối chủ đầu tư liên quan đến việc mất an toàn phòng cháy chữa cháy, chỗ đậu xe, quỹ bảo trì và rất nhiều vấn đề khác. Bởi sau gần 2 năm bàn giao đến nay chung cư đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Đầu tiên là hầm để xe đang bị chủ đầu tư "chiếm dụng" để cho xe ô tô thuê trong khi trước đó hầm xe hoàn toàn dành cho xe máy. Dẫn chúng tôi đi một vòng khu A của chung cư, anh Phạm Huỳnh nói hệ thống báo cháy giả liên tục kêu inh ỏi. Không những vậy, các dụng cụ phòng cháy chữa cháy thiếu ở mỗi tầng, không được kiểm tra định kỳ. Nhiều lần cư dân yêu cầu chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, nhưng tất cả đều bị phớt lờ. Trong khi đó, ở khu B dù đã có ban quản trị nhưng cũng đã một năm nay chủ đầu tư cũng chưa chịu bàn giao lại quỹ bảo trì cho cư dân.

Miếng "mồi" béo bở

Chỉ riêng tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có hơn 1.000 chung cư, nhưng vẫn còn gần 200 chung cư chưa thành lập được ban quản trị theo luật định. Hơn 40 chung cư còn đang tranh chấp quỹ bảo trì, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn khiến các sở ngành, chính quyền địa phương mất rất nhiều nguồn lực để giải quyết.

Nhiều chuyên gia ước tính, quỹ bảo trì trên cả nước vào khoảng 100.000 tỉ đồng và chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Trong khi đó, tại rất nhiều chung cư đang xảy ra khuất tất bởi khi nắm trong tay "quyền sinh, quyền sát" với hàng trăm tỉ đồng quỹ bảo trì, quyết định việc sửa chữa ở chung cư, mua sắm thiết bị, các dịch vụ quảng cáo, tầng hầm giữ xe máy… thì nhiều nơi, những người trong ban quản trị dễ bị lung lạc.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, lãnh đạo một công ty chuyên về quản lý chung cư cho biết, khi vào ban quản trị, những người điều hành được rất nhiều quyền lực, từ đó phát sinh các quyền lợi. Cụ thể, ban quản trị được ký hợp đồng để thuê các công ty quản lý chung cư. Khi ký hợp đồng, các công ty được chọn sẽ phải "thối" lại cho ban quản trị 10% giá trị hợp đồng. Các loại hợp đồng bảo trì, bảo hiểm... cũng sẽ được hoa hồng rất hậu hĩnh. Một món hời béo bở là dịch vụ quảng cáo ở chung cư và quỹ bảo trì chung cư. Khi đem số tiền hàng trăm tỉ đồng gửi ngân hàng, khoản "lót tay" nhận được không hề thấp.

"Hiện nay, có rất ít những người vào ban quản trị để cống hiến, bảo vệ quyền lợi của cư dân mà đa số vào để 'kiếm ăn'. Bởi, với một người bình thường, có công ăn việc làm không ai chịu vào ban quản trị để mỗi tháng nhận được mấy triệu tiền công. Trước đây, người ta hay nói vào ban quản trị là 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Nhưng nay, nhiều người đang tìm mọi cách được lọt vào ban quản trị để kiếm chác. Chính vì ban quản trị không làm vì cư dân, vì cái chung mà làm vì tư lợi nên những năm gần đây, tranh chấp ở các chung cư diễn ra rất nhiều. Nhất là tranh chấp quỹ bảo trì vì là miếng mồi béo bở", ông này cho hay.

Nóng tình trạng tranh chấp tại các chung cư - Ảnh 2.

Tầng hầm giữ xe chung cư Topaz Home 2 đang xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư

ĐÌNH SƠN

Một nhà thầu về quản lý chung cư khác cũng cho hay, quỹ bảo trì thường dùng không đúng nội dung, không công khai minh bạch. Ông từng biết có trường hợp một người nằm trong ba ban quản trị của ba chung cư ở ba địa bàn khác nhau. Những người này trước khi bầu ban quản trị họ tỏ ra hiểu biết luật, đấu tranh cho cư dân, đấu tranh với các sai sót của chủ đầu tư. Họ rất năng nổ, từ đó xây dựng lòng tin cư dân để được bầu vào ban quản trị.

Nhưng khi đã vào ban quản trị rồi, những khoản tiền họ có thể bỏ túi riêng là tiền bán hồ sơ mời thầu như vệ sinh, vận hành thang máy, bảo trì phòng cháy chữa cháy, bảo vệ. Tiền lót tay các khoản tiền gửi, nhất là gửi quỹ bảo trì. Các khoản tiền phạt công ty quản lý vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu cũng không được đưa ra công khai mà ban quản trị chia nhau.

Ông Đỗ Tiến Đăng, Phó chủ tịch UBND phường Phước Long B, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng quá trình thành lập ban quản trị đầu tiên ở các chung cư, cư dân thường ít quan tâm và thiếu thông tin để bầu cử. Khi xảy ra mâu thuẫn, cư dân sẽ mất rất nhiều thời gian giải quyết. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều chung cư trên địa bàn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, để không bị thất thoát, các khoản chi phí của chung cư nên thực hiện giao dịch bằng chuyển khoản thay vì đa số dùng tiền mặt như hiện nay. Vì thế mới xảy ra chuyện, đấu thầu công khai các dịch vụ với 2 túi hồ sơ: một túi về giá và một túi về điều kiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.