Giá trên trời, thông tin mập mờ ?
Nhà nghiên cứu Kevin Vương vừa đưa lên trang cá nhân của mình hình ảnh một tác phẩm được cho là của danh họa Nguyễn Phan Chánh có tên Sau giờ trực chiến. Phiên bản này vừa được gõ búa ngày 5.4 tại Paris với giá sau thuế phí gần 3,6 tỉ đồng. Ông Kevin Vương cho biết, nhà đấu giá có ghi chú đây là "bản copy đánh số" của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Mặc dù vậy, ông Vương vẫn cho rằng đó là "một mức giá phi lý cho một bản chép dù nó có tốt đến đâu". Ông Vương nhấn mạnh: "Ở trường hợp này, bằng chứng con dấu bảo tàng còn đó nên nhà đấu giá đã không thể lờ đi để bán như một bức tranh thật".
Nhưng ông Vương không chỉ đưa ra một tác phẩm được cho là của Nguyễn Phan Chánh mang bán đấu giá. Ông còn nói về 2 bức lụa ký tên Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ được mang ra đấu giá hồi tháng 11.2023. Những tác phẩm này thậm chí còn được lấy ảnh làm trang bìa catalogue, như họ sắp bán 2 siêu phẩm của mỹ thuật VN.
"Khi tôi liên hệ với họ chỉ 1 ngày trước buổi đấu với những lập luận phản biện thì họ im lặng không hồi đáp. May là chỉ vài giờ trước khi mở phiên, 2 bức tranh chép đã bị rút lại. Sau đó 2 tháng, chúng được bán lại với giá chỉ 2.000 euro như một bức tranh souvenir - tranh quà lưu niệm", ông Vương chia sẻ.
Cũng theo dòng thông tin về tranh Nguyễn Phan Chánh, ông Kevin Vương cho biết, tới đây lại có một bức lụa ký tên danh họa này được mang ra đấu giá. Thông tin nhà đấu giá đưa ra là "Nguyễn Phan Chánh and his workshop". Ông Kevin Vương đặt câu hỏi: "Thế ra là cụ Chánh từng vẽ lụa cùng hợp tác xã nào hay cùng bà con khối phố? Một chiêu bài mới nhằm đánh lận con đen của nhà đấu giá".
Cũng phải nói những tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh thường có giá bán cao. Năm 2018, trong phiên đấu giá của nhà Christie's tại Hồng Kông, bức tranh lụa Em bé bên chú chim (tên gốc: Enfant à l'oiseau) của ông được bán với giá 6,7 triệu HKD (gần 20 tỉ đồng). Thời điểm đó, Em bé bên chú chim lập kỷ lục tranh của họa sĩ VN được bán giá cao nhất tại nhà đấu giá này. Năm 2021, bức Thợ nhuộm của ông được bán với giá 4,375 triệu HKD (khoảng 11 tỉ đồng).
Mua chậm, mua chắc
TS Phạm Trung, Trường ĐH Mỹ thuật VN, cho biết một tác phẩm có đánh số, có đóng dấu ghi tên danh họa Nguyễn Phan Chánh cũng không có gì chắc chắn đó chính là tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh vẽ. "Ngày xưa, thời chiến tranh, bảo tàng có cho chép và cũng có nhiều họa sĩ chép, ở bảo tàng còn có tổ phục chế họ cũng chép. Vì thế, phải có hồ sơ mới biết được ai chép. Thời kỳ đó cũng lộn xộn", TS Phạm Trung nói.
Cũng theo TS Phạm Trung, những vấn đề như tác giả của tranh phiên bản từ xưa đến nay có nhiều người nói. "Lúc đó, quan điểm về bản quyền không như bây giờ. Tranh Nhớ một chiều Tây Bắc của ông Phan Kế An, Bảo tàng Mỹ thuật có, mà Bảo tàng Phương Đông ở Liên Xô cũng có. Tức là ngày xưa khi quý, hữu nghị thì làm một bản tặng nhau. Họ được tặng cũng nhận. Rồi đến năm 1979, khi có chiến tranh biên giới, một số hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội cũng làm phiên bản để gửi vào Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nên có bức trong nam ngoài bắc đều có. Chúng ta có thực tế là làm phiên bản để bảo vệ tranh như thế", TS Phạm Trung nói.
Những vấn đề "lịch sử để lại", cộng thêm giá tranh Đông Dương cao đặt ra yêu cầu về việc mua tranh nên được thực hiện một cách cẩn trọng hơn. Có nhiều lưu ý khác nhau để có thể mua được tranh tốt, giá tốt.
Ông Kevin Vương chia sẻ: "Làm sao để biết chắc rằng mình đang mua một bức tranh thật hay chép của cụ Chánh? Có thể bỏ tranh ra khỏi khung, xem mặt sau và xem những chữ Hán được viết hay được "vẽ" lại. Hoặc tốt hơn hết là thử hỏi các chuyên gia thẩm định của nhà đấu giá xem họ có dịch và giải nghĩa được những chữ trên tranh không sẽ rõ. Sơ sơ như thế cũng đủ để "tỉnh giấc", còn nếu chỉ nhìn tranh kín mít trong khung, trên ảnh thì các nhà sưu tập mới sẽ còn "đóng học phí" cho các hãng buôn dài dài…".
Bình luận (0)