Tránh 'kịch bản' Huawei, Xiaomi đẩy mạnh tham vọng chip giữa áp lực của Mỹ

06/04/2021 19:28 GMT+7

Xiaomi đã nắm bắt được những khó khăn mà người đồng hương Huawei Technologies gặp phải để tìm hướng đi cho chính mình, trong bối cảnh áp lực không ngừng từ phía Mỹ.

Theo phân tích dữ liệu kinh doanh của Nikkei, Xiaomi đã mua hoặc tăng đáng kể cổ phần tại ít nhất 34 công ty Trung Quốc liên quan đến chip từ năm 2019 đến tháng 3.2021. Ngoài ra, Xiaomi còn tăng thêm cổ phần vào gần 25 công ty phần cứng công nghệ khác, bao gồm các nhà phát triển chip, nhà sản xuất thiết bị chip, nhà sản xuất màn hình tiên tiến, ống kính máy ảnh, thiết bị tự động hóa và các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Mục tiêu đầu tư của Xiaomi phù hợp với lộ trình mà Bắc Kinh đã đề ra trong việc củng cố ngành công nghệ quốc gia, xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ cạnh tranh hơn. Xiaomi hiện là ngôi sao đang lên nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, với thị phần điện thoại thông minh toàn cầu sánh ngang Apple. Tuy nhiên, tương tự như Huawei, Xiaomi cũng bị đưa vào tầm ngắm của Mỹ vì cáo buộc cho rằng họ có liên kết với quân đội Trung Quốc, điều mà hãng này luôn phủ nhận. Không muốn kịch bản của Huawei lặp lại với mình, Xiaomi đã nỗ lực tìm nhiều hướng đi để đối phó với những biện pháp hạn chế từ phía Mỹ và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Các khoản đầu tư của Xiaomi vào chip và phần cứng công nghệ khác chủ yếu được thực hiện thông qua một quỹ liên kết tên là Hubei Xiaomi Changjiang Industry Fund Partnership. Quỹ này, bao gồm các công ty con của nhà sản xuất thiết bị Gree và một chi nhánh đầu tư được chính quyền Vũ Hán hậu thuẫn, được thành lập vào năm 2017 với số vốn đăng ký 12 tỉ nhân dân tệ ( khoảng 1,82 tỉ USD). Điều đáng nói là quỹ đã không hoạt động phần lớn trong những năm đầu tiên.
Theo nhà cung cấp dữ liệu kinh doanh Trung Quốc Qichacha, quỹ này sau đó đã đầu tư vào sáu công ty liên quan đến chất bán dẫn trong năm 2019. Con số tăng lên thành 22 vào năm ngoái khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung trở nên gay gắt. Tính đến đầu tuần trước, quỹ đã đầu tư thêm vào sáu nhà phát triển chip địa phương. Nhiều công ty trong số những cái tên được quỹ đầu tư đã cung cấp thiết bị cho Xiaomi, hoặc các hãng công nghệ lớn khác, bao gồm Oppo, Huawei và Samsung Electronics.
Xiaomi nói tham vọng chip của họ đang bắt đầu đơm hoa kết trái. Tuần trước, Xiaomi đã tiết lộ chip xử lý hình ảnh Surge C1 do công ty thiết kế để sử dụng trong điện thoại thông minh màn hình gập đầu tiên của mình, cũng như một loạt thiết bị mới. “Đã bảy năm kể từ khi Xiaomi đầu tư vào chip. Surge C1 chỉ là một bước tiến nhỏ trong quá trình phát triển chip của Xiaomi, nhưng nó đánh dấu cột mốc quan trọng cho khả năng xử lý hình ảnh của chúng tôi. Con đường đến tham vọng chip của Xiaomi còn dài và đầy thách thức, nhưng chúng tôi có đủ kiên trì để đạt được điều đó”, Chủ tịch Xiaomi Lei Jun nói.

Huawei cải tổ, tập trung vào các lĩnh vực ít phụ thuộc công nghệ Mỹ

Ngoài Xiaomi, một số công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng có nỗ lực tương tự trong việc phát triển chip kể từ năm ngoái, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột cắt đứt kết nối giữa Huawei và các nhà cung cấp toàn cầu quan trọng. Riêng Huawei trong hơn một năm rưỡi qua đã đầu tư vào hơn 20 công ty về chip để lấp đầy lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Oppo tập trung phát triển chip riêng bằng cách thuê thêm nhiều chuyên gia từng làm việc cho các nhà cung cấp và đối thủ như MediaTek và Huawei. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc Zhejiang Geely Holdings Group có kế hoạch dùng chip lõi của riêng mình sớm nhất vào năm 2023. Hai gã khổng lồ internet của Trung Quốc là Alibaba và Baidu cũng không đứng ngoài xu hướng. Cả hai đều đang phát triển thiết kế chip trí tuệ nhân tạo của riêng mình.
Theo giới phân tích, những động thái kể trên phản ánh rõ ràng việc các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhận ra sự cần thiết phải phát triển chip riêng. “Là một thị trường rộng lớn, Trung Quốc có chỗ cho hệ sinh thái chip của riêng mình, nhưng các công ty Trung Quốc đều nhìn thấy điều đã xảy ra với Huawei khi cánh tay thiết kế chip mạnh mẽ bị cắt khỏi công nghệ quan trọng của Mỹ”, Donnie Teng, chuyên gia phân tích của Nomura Securities, nói với Nikkei.
Tuy nhiên, độc lập hoàn toàn là điều dường như các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc chưa thể đạt đến. Con đường khả thi hơn trong tương lai đối với họ là tự sản xuất một số chip, nhưng không phải các chip cốt lõi. "Thật không thực tế khi bất kỳ công ty nào cũng có thể làm tất cả mọi thứ và sử dụng tất cả chip do chính họ phát triển. Điều đó sẽ tiêu tốn quá nhiều tài nguyên, đồng thời quá rủi ro khi bỏ tất cả trứng vào một giỏ do căng thẳng địa chính trị”, ông Donnie Teng nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.