Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đề và đáp án của bài khảo sát lớp 6 Trần Đại Nghĩa, một phụ huynh cho rằng đáp án câu số 16 phần trắc nghiệm là sai.
Nhầm lẫn giữa "and" và "or"?
Câu 16 có nội dung: "Tâm wants to change one 10.000 đồng banknote to 1.000 đồng, 2.000 đồng and 5.000 đồng banknotes. How many possible way are there to make this change?" (Tạm dịch: Tâm muốn đổi 1 tờ 10.000 đồng thành các tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng. Hỏi có bao nhiêu cách đổi?).
Đề bài đưa ra 4 lựa chọn là A. 4, B. 5, C. 10, D.11. Và đáp án được công bố là C.10 (tức 10 cách đổi).
Phụ huynh cho rằng, đáp án này sai bởi lẽ đề yêu cầu phải đổi có tất cả các tờ 1.000, 2.000, 5.000 đồng xuất hiện trong cách đổi của mình. Lý do là đề dùng dấu phẩy cùng chữ "and" (và). Với yêu cầu này thì chỉ có 2 cách. Tuy nhiên, "2 cách đổi" không xuất hiện trong những lựa chọn.
Nếu dùng chữ "or" (hoặc), tức 1.000 hoặc 2.000 hoặc 5.000 đồng thì mới ra 10 cách đổi.
"Người ra đề đã nhầm lẫn giữa "and" và "or" rất quan trọng trong toán học", phụ huynh này nói.
Vì vậy, phụ huynh đề nghị Sở GD-ĐT điều chỉnh kịp thời đáp án để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Một giáo viên tại Q.1 (TP.HCM) cho rằng, ý kiến phản ánh của phụ huynh là đúng. Với câu hỏi dùng "and" (và) thì chỉ có 2 cách đổi và nếu dùng "or" (hoặc) thì có 10 cách đổi.
Tuy nhiên, theo giáo viên, đây là bài toán đòi hỏi cách tư duy logic nên hầu như học sinh đều hiểu theo cách dùng "or" (hoặc) nhiều hơn. Hơn nữa, các lựa chọn không có đáp án "2 cách đổi" nên học sinh suy luận được.
Giáo viên này nói thêm, bài khảo sát lớp 6 Trần Đại Nghĩa năm nay có độ mở nên câu hỏi được hiểu là đổi ra những loại tiền đó.
Cũng theo giáo viên này, nếu thêm lựa chọn "2 cách đổi" thì đề phải có thêm vế "biết rằng các cách đổi đều có đủ mặt các tờ bạc trên". Còn đề không yêu cầu kỹ nên có quyền đổi 10 cách khác nhau.
Đối với câu hỏi số 16 nêu trên, một tiến sĩ giảng dạy các môn toán, vật lý bằng tiếng Anh đã đưa ra lựa chọn "C.10" như đáp án của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Dù vậy, tiến sĩ cũng chỉ ra rằng cách dùng chữ "and" (và) dẫn đến tình huống thí sinh (cũng như phụ huynh kể trên) suy luận hoặc có cách hiểu về "2 cách đổi" nhưng đề bài không có lựa chọn này. Vì thế, ban ra đề thi cần có sự giải thích.
Về phần thí sinh, theo tiến sĩ này, cũng cần có kỹ năng làm bài, nếu làm theo cách mình hiểu mà không có đáp án nào để chọn thì phải biết tính tới cách hiểu khác về đề bài, chứ không nên cứ khư khư với cách hiểu của mình để cố chứng minh đề sai.
Sở GD-ĐT: Đáp số 10 cách đổi là phù hợp
Trước phản ánh của phụ huynh và những ý kiến tranh luận về đáp án của câu 16, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ban ra đề khảo sát của Sở GD-ĐT đã đưa ra lý giải như sau:
Đáp án C.10 là đúng, bởi lẽ đề yêu cầu trong cách đổi có các tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng xuất hiện trong cách đổi của mình.
Đề thi dùng "dấu phẩy" và chữ "and" (và) trong ngôn ngữ mang tính chất liệt kê cũng tương tự như chữ "or" (hoặc) nghĩa là: hoặc 1.000 đồng hoặc 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng và đáp số ra "10 cách đổi". Đây không phải là "and" (và) hoặc "or" (hoặc) trong toán học mà là trong ngôn ngữ. Nếu muốn thể hiện yêu cầu là phải có đủ cả 3 loại tiền thì câu hỏi sẽ khác.
Mặt khác, nếu thí sinh hiểu theo ý là phải có đủ cả 3 loại tiền thì khi làm sẽ cho đáp số là "2 cách đổi", nhưng không có phương án để chọn và các em buộc phải quay lại theo cách các tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng xuất hiện và cho đáp số là "10 cách đổi" (tức lựa chọn C).
Bình luận (0)