Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền bắc đang chìm trong giá lạnh. 6 giờ sáng nay, theo bản tin dự báo thời tiết của VTV (Đài truyền hình Việt Nam), Hà Nội rét dưới 10 độ C (cụ thể là 9,9 độ C). Nhiều trường học ở một số địa phương đã thông báo cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ học.
Tuy nhiên, cũng vẫn có trường hoạt động bình thường. Người đứng đầu nhà trường cho biết vẫn mở cửa đón học sinh vì cha mẹ học sinh vẫn đi làm, nếu trẻ nào nghỉ cần thông báo trước cho cô giáo để chủ động trong việc trường chuẩn bị suất ăn bán trú.
Người ủng hộ nghỉ, người nói "nên đi học"
"Cho trẻ con nghỉ học là hợp lý. Vào lớp thì ấm nhưng trên đường đi rất lạnh giá, trẻ dễ bị nhiễm lạnh, dễ bị bệnh đường hô hấp. Không phải ai cũng có xe hơi để đưa đón con đi học mà phổ biến là chở con đi học bằng xe gắn máy", chị Thu Hà, phụ huynh tại Quảng Ninh cho biết.
Thời tiết Hà Nội xuống dưới 10 độ C nhiều trường cho học sinh nghỉ học
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ khác cho rằng, chưa đến mức cần cho trẻ nghỉ học. Phụ huynh Pham Tho, trú tại Hà Nội sáng nay đã đăng 2 hình ảnh lên trang cá nhân Facebook của mình, chụp nhiệt kế đo ở ban công và ở trong phòng trong cùng thời điểm sáng sớm nay. Tại ban công là xấp xỉ 10 độ C, và trong nhà không bật lò sưởi là 20,5 độ C.
"Rét dưới 10 độ C là trẻ con tiểu học được nghỉ học. Đấy là quy định cũ thời bao cấp thiếu ăn và cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp gió lùa, chứ như hiện tại đa số trường lớp thiết kế để lắp máy lạnh thì chỉ cần đóng kín cửa, nhiệt độ trong ngoài có thể chênh nhau như trong ảnh. Bố mẹ thì cứ sợ con lạnh chứ nếu cho trẻ con đi học nó đùa với nhau có khi còn cởi hết áo và toát mồ hôi. Hai bạn nhà mình đi bộ từ trường về, đi tới nhà là cởi còn mỗi áo trong", phụ huynh này chia sẻ trên trang cá nhân.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, phụ huynh Pham Tho cho biết anh vẫn bảo vệ quan điểm "trẻ con phải đến trường, trừ thiên tai lũ lụt, bão tố không thể ra đường hoặc chiến tranh".
"Trẻ con cần được rèn luyện để làm quen với các điều kiện tự nhiên. Bạn nào nếu có bệnh hoặc sức khỏe yếu là chuyện khác. Còn nếu bình thường thì nóng cũng phải chịu, lạnh mặc thêm áo. Vì nuôi con kiểu ống nghiệm thì khó mà khỏe mạnh, cái cần là chăm lo ăn uống cho trẻ, cho các bé được thể dục thể thao để rèn luyện thể chất", phụ huynh trú tại Hà Nội nói.
Đồng thời, phụ huynh Pham Tho chia sẻ thêm: "Rét dưới 10 độ C cũng không vấn đề gì lắm, sau này nếu phụ huynh muốn con đi du học ở xứ lạnh mà có chút đã cuống quýt lên thì làm sao con có khả năng hòa nhập với môi trường mới?".
"Trẻ con cần được đến trường, nhưng cần lùi giờ vào học"
Chị Ngọc Liên, có con học mầm non tại Hà Nội, cho biết rét dưới 10 độ C, nhiều trường thông báo cho trẻ nghỉ học nhưng phụ huynh không thể được nghỉ làm. "Vậy thì bài toán là ai sẽ trông nom con cái, trẻ ở nhà có khi còn xem tivi, chơi. Nếu phụ huynh phải đưa con đến chỗ làm thì trên đường di chuyển cùng cha mẹ, con cũng phải chịu lạnh. Vậy thì trẻ nên được đến trường, vì trường học hiện nay cũng khang trang, kiên cố, ấm áp", người mẹ này nêu quan điểm.
Chung ý kiến này, chị Minh Hằng, có con học mầm non tại Trường mầm non GCA, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết trong sáng nay, 23.1 trường học của con chị vẫn mở cửa. Cô giáo có nhắn tin phụ huynh nào lo ngại trời rét dưới 10 độ C có thể cho con nghỉ học, còn lại trường vẫn hoạt động bình thường.
"Vẫn rất đông đảo phụ huynh cho con tới trường, vì không được nghỉ làm để trông con. Có thể hơi lạnh một chút lúc di chuyển, chịu khó mặc ấm cho con là được. Còn vào lớp thì rất ấm. 8 giờ sáng trẻ vào lớp. Bé nào muốn ăn sáng cần có mặt trước 8 giờ 20. Tôi nghĩ là trời rét dưới 10 độ C không nên cho trẻ nghỉ học, mà lùi giờ vào học là hợp lý", phụ huynh trao đổi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên gì?
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết: "Rét dưới 10 độ C thì trẻ mầm non, tiểu học nên được nghỉ học vì trẻ cần được ở nhà để giữ ấm cơ thể. An toàn cho trẻ là quan trọng nhất. Thời gian trẻ ở trường là nửa ngày tới cả ngày. Khó có thể đảm bảo là trường học nào cũng đủ ấm, rồi điều kiện sân bãi khi trẻ tham gia hoạt động... Trên đường trẻ di chuyển từ nhà đến trường rất lạnh giá, trẻ nhiễm lạnh sẽ bị nhiều bệnh, phổ biến là bệnh đường hô hấp".
Trước quan điểm của nhiều phụ huynh cho rằng trẻ nên được làm quen với thời tiết khắc nghiệt, để sau này nếu có đi du học tới nhiệt độ âm độ C cũng đã quen, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói: "Số trẻ em đi du học như vậy cũng chiếm tỷ lệ rất ít. Chúng ta đang ở một nước mà thời gian xuống nhiệt độ âm là rất ít. Muốn cho một đứa trẻ làm quen với nhiệt độ nào, thì tỷ lệ phần trăm thời gian trong một năm trẻ đó sống ở mức nhiệt độ đó phải là bao nhiêu thì trẻ mới quen được".
"Ở Việt Nam, trung bình trẻ nhỏ bình thường quen ở nhiệt độ hai mươi mấy độ C. Khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C là rất chênh lệch. Trong thời gian ngắn, ngay lập tức bắt trẻ làm quen với nhiệt độ rất lạnh, bắt trẻ ra ngoài đi học thì không nên. Trong thời tiết lạnh giá, cần giữ ấm cho trẻ, trẻ cần ở trong phòng kín gió, nếu có lò sưởi hoặc điều hòa nhiệt độ hai chiều để tăng nhiệt độ càng tốt. Song cần đặc biệt chú ý không được đốt than để sưởi", bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên.
Bộ GD-ĐT hướng dẫn gì về khung thời gian năm học?
Theo kế hoạch khung thời gian năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT ban hành, giám đốc Sở GD-ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định tại điều 1 của quyết định này để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; báo cáo Bộ GD-ĐT đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh trước khi thực hiện.
Bình luận (0)