Tuy nhiên, có một số ý kiến lại băn khoăn vì nếu lùi giờ học không khớp với giờ đi làm của phụ huynh, thì sẽ đưa đón thế nào?
Báo Thanh Niên đang đăng loạt bài Có nên lùi giờ vào học?, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc (BĐ). Theo ghi nhận của PV, rất nhiều trường tại TP.HCM cho học sinh (HS) vào lớp lúc 7 giờ và tan trường trong khoảng từ 16 giờ 15 - 17 giờ 5, tùy khối học.
Trong các năm học qua, một số trường học tại TP.HCM thực hiện lệch giờ vào lớp, tan trường để giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm. Một số trường lùi giờ vào học để giúp HS có thêm thời gian ăn sáng, nghỉ ngơi.
Cần lấy học sinh là trung tâm để thấu hiểu và quan tâm hoàn cảnh sống của gia đình học sinh trước khi có những điều chỉnh giờ giấc |
NGỌC DƯƠNG |
Trưa 13.10, hai HS lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết từ năm học 2022 - 2023 các em được vào học trễ hơn các năm trước 30 phút. Cụ thể, 7 giờ 30 mới bắt đầu vào học, trừ thứ hai và thứ bảy phải có mặt tại trường lúc 6 giờ 55 vì có tiết sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoại khóa. Buổi chiều HS tan học trong khoảng 16 giờ 30 - 17 giờ.
Từ đầu năm học mới này, HS Trường THCS Minh Đức, Q.1 cũng được lùi giờ vào học, thay vì 7 giờ 15 như các năm thì sẽ vào lớp lúc 7 giờ 30.
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều phụ huynh (PH) mong muốn lùi giờ vào lớp, ra về của HS tiểu học muộn hơn, để có thể thuận tiện đưa rước con. Trong khi đó, nhiều cha mẹ khác lại mong giữ nguyên giờ giấc như hiện nay.
Trong khi đó, nhiều thầy cô giáo và người làm trong lĩnh vực giáo dục cho rằng cần lấy HS là trung tâm để thấu hiểu và quan tâm hoàn cảnh sống của gia đình HS trước khi có những điều chỉnh giờ giấc.
Lẽ ra phải làm lâu rồi !
Phần đông BĐ ủng hộ việc lùi giờ vào học cho HS. BĐngoclacxxx@gmail.com cho biết: “Theo tôi nghĩ, lùi giờ vào học đến 7 giờ 30 với cấp 1, 2, 3 là rất hợp lý, khoa học với các cháu. Thời gian vậy các cháu ngủ đủ, cơ thể mới sảng khoái, và đủ thời gian cho các cháu ăn sáng, đón nhận một ngày mới đầy năng lượng để học tập. Hy vọng Bộ GD-ĐT điều chỉnh giờ học như vậy cho các cháu ạ. Thực sự rất nhiều lần tôi đưa con đi học, mua ăn sáng xong vừa đi đường vừa ăn, thậm chí ăn không kịp, lại cho đồ ăn vào cặp, đến trưa đem về nhà”.
Đồng ý kiến, BĐ Hoàng Mỹ kể: “Cháu tôi đi học, sáng nào kêu dậy cháu cũng đều nói là thèm ngủ quá. Nhưng vì phải vào lớp sớm, nên có khi cháu phải ngủ thêm trên xe, còn không thì cháu phải ăn trên đường tới trường mới kịp giờ”.
Nhiều BĐ ủng hộ hai tay việc lùi giờ vào học và cho rằng “đáng lý phải đề xuất và thay đổi từ lâu rồi”.
Nên lấy học sinh làm trung tâm
Một số BĐ không đồng tình với ý kiến lùi giờ vào học, chủ yếu liên quan đến… việc đưa đón. BĐ Drhohoanghao cho rằng: “Giờ học, giờ về của HS phải đồng bộ với giờ làm, giờ nghỉ của PH. PH có mặt tại cơ quan 6 giờ 30 - 7 giờ mà con thì 7 giờ 30 mới đến trường thì làm sao?”. BĐ Chien Le Anh cũng lưu ý: “Tại TP.HCM, theo Quyết định 67/2017/QĐ-UBND thì giờ hành chính nhà nước buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30; buổi chiều từ 13 - 17 giờ. Do vậy các PH làm cơ quan nhà nước kiểu nào cũng phải đưa con đến trường trước 7 giờ 30 và 13 giờ”.
Học hành tinh thần phải thoải mái. Học ít hiểu nhiều mới tốt, đối với các bé giấc ngủ vẫn là tốt nhất.
Mr Long
Theo tôi 7 giờ 30 có mặt, 8 giờ bắt đầu học. Mà bây giờ nhiều bé đi học khổ quá. Học từ 8 - 22 giờ về vẫn chưa hết bài, học như vậy để làm gì? Nhìn con học mà xót hết ruột gan.
nguyenthitinhxxxx@gmail.com
Đối với tiểu học nên giảm tải, để các con còn nghỉ ngơi vui chơi, và đi ngủ sớm. Các môn toán, tiếng Việt cũng nên tổ chức học theo hướng đơn giản hơn, để khỏi phải học thêm. Cần thực hiện thực sự “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chứ không phải bị áp lực, mệt mỏi như bây giờ.
Tamchuyen
Trong khi đó, BĐ Tranquangminh1590 ý kiến: “Tôi thấy HS là chủ thể. Nên sắp xếp giờ học sao cho có thể tốt nhất cho các em. Nếu các tiêu chí khác chưa phù hợp với giờ học của các em thì các ngành khác nên cải tiến sao cho phù hợp với các em. Được thì tốt, còn không phải theo giờ học tốt nhất cho các em, đó mới là điều quan trọng”.
BĐ No Name thì cho rằng: “Học thì có cả đời để học, nhưng chiều cao và kỹ năng thì chỉ có 20 năm thanh xuân để cao. Cho nên cần phải thay đổi chương trình học chứ không chỉ là giờ học để cải thiện thể chất người Việt”. BĐ Sake cũng cho rằng: “Muốn trẻ ngủ đủ giấc, có thời gian vui chơi và vận động mà vẫn nạp đủ kiến thức cần thiết? Chỉ có Bộ GD-ĐT mới giải quyết được tận gốc vấn đề này này”.
Bình luận (0)