Ngân hàng Mắt được thành lập cách đây 5 năm, trực thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, từng ngày vẫn chăm lo công tác tiếp nhận và tổ chức liên hệ bệnh viện cấy ghép giác mạc miễn phí cho những người khiếm thị khó khăn.
Một người hiến, hai người sáng mắt
Gọi là Ngân hàng Mắt nhưng ở đây chỉ vỏn vẹn ba thành viên túc trực. Người quản lý chính là ông Phan Đệ, Chánh văn phòng Ngân hàng Mắt, cùng một kỹ thuật viên và một bảo vệ. Bên cạnh việc chăm lo tổ chức khám và mổ mắt cho những hộ nghèo, Ngân hàng Mắt còn kiêm luôn việc tiếp nhận giác mạc của những người hiến tặng.
Những năm đầu thành lập thật nhiều trở ngại, việc vận động xin hiến giác mạc rất khó. Nguồn giác mạc nghèo nàn, nhiều người về đảm nhận công việc đã bao phen "bỏ chạy" vì nản chí.
Ngân hàng hoạt động đặt tiêu chí nhân đạo lên hàng đầu. Người hiến giác mạc sẽ được hỗ trợ hậu sự và người nhận cũng được miễn phí hoàn toàn trong công tác cấy ghép cho đến khi tái khám. Ngân hàng cũng trang bị phòng LAB vô trùng và các trang thiết bị hiện đại sẵn sàng tiếp nhận những cặp giác mạc quý giá từ người quá cố hiến tặng.
Theo ông Phan Đệ, từ khi thành lập cho đến nay, Ngân hàng Mắt đã có hơn 5.000 hồ sơ tình nguyện hiến giác mạc từ Hội chữ thập đỏ các quận/huyện. Số lượng đăng ký lớn là vậy nhưng số trường hợp hiến giác mạc thực tế rất ít. Vì vậy ông Đệ mới nghĩ thêm cách vận động bệnh nhân nghèo đăng ký hiến giác mạc. Đó chính là cứu cánh của người khiếm thị nghèo khi nhận món quà ánh sáng từ một người nghèo khác.
|
Nhờ đó, trong thời gian gần đây, Ngân hàng Mắt đã nhận được giác mạc của 20 người hiến tặng, mở ra giấc mơ cho gần 40 người mù nghèo đi tìm ánh sáng.
Do quan niệm người Á Đông thường cho rằng nếu con người chết đi thì chỉ có đôi mắt là thứ ánh sáng để dẫn đường chỉ lối. Nên khi tiếp cận gia đình và những bệnh nhân nghèo, ông Đệ chỉ nói: "Nếu mình hiến giác mạc sẽ giúp cho hai người được sáng mắt. Con người chết, ai rồi cũng trở về cát bụi, nên mình chết đi, vẫn có thể để lại ánh sáng giúp ích cho đời".
Quy trình làm việc của Ngân hàng Mắt bao gồm công tác vận động người hiến và gia đình. Ngân hàng Mắt được thông báo từ gia đình người hiến (đã qua đời) để đến nhà lấy giác mạc. Sau khi giác mạc được lấy đi sẽ mang về phòng LAB bảo lưu, gửi xét nghiệm máu khẩn cấp ở bệnh viện. Bởi sau 14 ngày không tìm được người ghép giác mạc thì mọi chuyện trở nên vô nghĩa.
Giác mạc được hiến tặng luôn ưu tiên ghép cho người trẻ, những người sẽ có thời gian đóng góp cho xã hội nhiều nhất, miễn phù hợp và không mắc bệnh lý như: giang mai, viêm gan và HIV. Mỗi cặp giác mạc sẽ được ghép cho 2 người khiếm thị khác nhau.
tin liên quan
Hai bệnh nhân tìm lại được ánh sáng từ giác mạc bé gái 7 tuổi hiến tặng"Toàn bộ những người hiến này là những người nghèo hoặc bệnh nhân nghèo. Do họ không có đủ khả năng mai táng hay chữa trị bệnh, lúc đó chúng tôi vận động từ quĩ từ thiện hỗ trợ an táng cho người hiến giác mạc sau khi họ qua đời", ông Đệ chia sẻ.
Trắng đêm đi nhận giác mạc
Ở Ngân hàng Mắt, việc tiếp nhận giác mạc bất kể ngày đêm. Hễ có người hiến qua đời, lập tức ông Đệ cùng kỹ thuật viên tức tốc đến nơi lấy giác mạc, và họ phải làm trước 8 tiếng sau khi người hiến qua đời. Chuyện chờ đợi nhận giác mạc đến sáng là xảy ra thường xuyên.
"Điện thoại của tôi luôn mở ngày đêm. Mỗi tối đi ngủ tôi cũng để ở trên đầu giường. Hễ có người mất là tôi liền lên xe chạy đến nơi nhanh nhất. Có khi đi Tiền Giang, Long An, Bến Tre hoặc có khi về tận Hậu Giang lúc nửa đêm để nhận giác mạc".
Khi có người hiến, việc ghép giác mạc cũng lắm nhiêu khê. Ông Đệ phải kêu gọi những người cần ghép đến bệnh viện kiểm tra y tế từng người xem có phù hợp không. Có trường hợp người chờ đợi mòn mỏi nhưng đến khi ghép thì nhãn áp tăng cao cũng không thể thực hiện. Trường hợp khác khi lấy giác mạc về xét nghiệm mới phát hiện không thể dùng để ghép vì người hiến đã mắc bệnh giang mai.
|
Có lần ông Đệ không khỏi xúc động thấy cảnh hai vợ chồng ở Bến Lức (Long An) đăng ký hiến giác mạc. Khi người chồng qua đời, người vợ một mình khư khư giữ xác chồng trong ngôi nhà nằm giữa cánh đồng chờ ngân hàng đến lấy.
Sau này vỡ lẽ ông Đệ mới biết tâm nguyện của người chồng muốn giấu con cháu về chuyện hiến tặng giác mạc của mình. Còn người vợ nghe theo chồng, cố giấu chuyện chồng mất với gia đình cho đến khi việc lấy giác mạc hoàn thành.
Cũng vào thời điểm hai năm về trước, câu chuyện về một gia đình chính sách có ba người khiếm thị nghèo sống cùng một nhà tận vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó hai người có khả năng để ghép giác mạc. Ông Đệ liền tổ chức đoàn xe chở hai người này đến Bệnh viện Mắt TP.HCM thăm khám và tiến hành cấy ghép. Tuy vậy, chỉ có một người trong hai có đủ sức khỏe thực hiện được.
Trong khoảnh khắc tháo băng mắt ra khỏi đầu, người này sung sướng đến hét lớn thành tiếng, vì đã nhìn thấy được ánh sáng cuộc đời lần đầu tiên...
Bình luận (0)