Trao thêm quyền để Hà Nội giải quyết các vấn đề của thủ đô

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/03/2024 06:47 GMT+7

Ngày 14.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 31, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý luật Thủ đô sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.

Hà Nội rất tuyệt vời, chỉ có không khí quá tệ

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải trao thêm quyền cho TP.Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô, đặc biệt là khai thác, huy động nguồn lực và linh động giải quyết các vấn đề của thủ đô. Theo Chủ tịch QH, các vấn đề lớn nhất mà Hà Nội đang gặp phải là ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông. "Nhiều người nước ngoài, người dân ở Hà Nội nói Hà Nội rất tuyệt vời, chỉ có mỗi không khí là quá tệ. Vậy luật Thủ đô sửa đổi ban hành liệu có giải quyết được vấn đề chất lượng không khí của thủ đô không? Nên phân quyền gì cho TP.Hà Nội chỗ này?", Chủ tịch QH nêu.

Trao thêm quyền để Hà Nội giải quyết các vấn đề của thủ đô- Ảnh 1.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp 31 của UBTVQH

GIA HÂN

Dẫn chứng vấn đề tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy, Chủ tịch QH nói TP.Hà Nội phải cao hơn thông thường. Hay vấn đề úng ngập, xử lý rác thải là các vấn đề liên ngành, Chủ tịch QH gợi mở: "Trên địa bàn TP thì có thể giao TP quyết và chịu trách nhiệm được không?".

Chủ tịch QH dẫn chứng, các nhà máy đốt rác ở nhiều địa phương hiện nay có quy hoạch về rác thải nhưng phát điện lại chưa có trong quy hoạch điện thì gian nan, vất vả. Theo Chủ tịch QH, nhà máy đốt rác ở Sóc Sơn (Hà Nội) công suất 4.500 tấn rác/ngày, phát được gần 100 MW điện, nhưng cũng gặp vướng mắc nói trên. "Trong khi các địa phương chưa gỡ được, thì có luật Thủ đô có cho phép gỡ vấn đề này không? Chẳng hạn, có điều kiện đấu nối rồi, mà quy mô công suất không đáng kể thì giao thẩm quyền cho TP.Hà Nội quyết chứ xin bộ nọ, ngành kia thì tắc không thể làm được", Chủ tịch QH nêu.

Theo Chủ tịch QH, việc sửa đổi luật Thủ đô lần này là cơ hội để Hà Nội xử lý các vấn đề nói trên, giúp thủ đô phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, các vấn đề định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn kể cả phí trên tất cả các lĩnh vực trên địa bàn cần giao thẩm quyền cho Hà Nội quyết. "Hiện nay tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường đang rất thiếu, làm không được. Định mức, đơn giá cũng thế. Xây dựng các công trình tiêu biểu của TP.Hà Nội mà theo đơn giá bình thường thì không làm được. Ngay trạm sạc điện cho ô tô cũng không có tiêu chuẩn, quy định nào cả. Mỗi xe là tiêu chuẩn khác nhau, không sử dụng chung được, vô cùng lãng phí", ông Dũng nói.

Giới hạn không gian ngầm 15 m dễ tiêu cực, xin cho

Một vấn đề nhận được nhiều quan tâm tại dự thảo luật là đề xuất chủ sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian ngầm tới độ sâu 15 m. Vượt quá 15 m phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng, không nên quy định cụ thể giới hạn sử dụng không gian ngầm 15 m mà nên giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định giới hạn độ sâu không gian ngầm để tránh khó khăn trong thực hiện với các trường hợp cụ thể. Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương nói, mức giới hạn 15 m độ sâu theo báo cáo là kết quả nghiên cứu của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao lại không phải 20 m, 30 m vì công năng của mỗi công trình ngầm khác nhau thì độ sâu khác nhau? Cạnh đó, ngay trong TP.Hà Nội thì mỗi quận, huyện, thậm chí mỗi phường, xã có địa chất khác nhau, nếu quy định cứng là 15 m thì sẽ khó khả thi. Từ đó, ông Phương đề nghị nên quy định khung về độ sâu giới hạn được sử dụng, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định giải thích việc quy định cụ thể về giới hạn không gian ngầm được sử dụng tại dự án luật để đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp là những vấn đề hạn chế quyền công dân, ở đây là quyền sử dụng đất, phải được quy định tại các luật.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành quy định vấn đề này thì luật Thủ đô chỉ quy định việc sử dụng không gian ngầm là có giới hạn, còn giới hạn cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định. Việc này là không mâu thuẫn với quy định về hạn chế quyền công dân. "Một cao ốc trên 100 tầng thì đóng cọc móng có khi mấy chục, trăm mét. Nếu quy định lằng nhằng 15 m thì cơ sở nào để quy định. Còn quá 15 m thì phải xin phép thì lại đẻ ra giấy phép con, lại đi xin, đi cho, lại phải xử lý cán bộ của mình sai phạm. Chỗ này cần minh bạch, sau này quy định ở luật nào thì cứ làm chứ không phải xin ai", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Đề xuất tăng tiền đặt cọc đấu giá đất

Về vấn đề đặt cọc và xử lý tiền đặt cọc đấu giá, Chủ tịch QH đề xuất, với một số tài sản đấu giá có giá trị lớn thì nên tăng số tiền đặt cọc để đảm bảo khả thi, nhất là việc đấu giá đất mấy tỉ đồng mỗi mét. "Trong luật hiện nay quy định tiền đặt cọc tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Nên chăng một số tài sản có giá trị lớn, đặc biệt thì tăng thêm vì anh nào cũng muốn đấu giá, nhưng cuối cùng đấu xong rồi bỏ đấy", Chủ tịch QH nói.

Chủ tịch QH cũng đề nghị bổ sung quy định về lấy lại tiền đặt cọc khi thay đổi thông tin đấu giá; việc đấu giá lại khi đấu giá không thành công và giảm giá khởi điểm khi đấu giá lại… Theo dự thảo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cho rằng mức đặt cọc từ 5 - 20% hiện hành là phù hợp thực tiễn và việc tăng tiền đặt cọc chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản. Đồng thời, hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.