Chúng ta biết rằng sự trao đổi chất (quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng để cơ thể hoạt động) sẽ dần suy yếu khi chúng ta già đi, nhưng ít ai biết tuổi nào thì mới có thay đổi này.
Những nghiên cứu mới đây tiết lộ nhiều điều bất ngờ về quá trình trao đổi chất, theo trang Science Alert.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 6.421 người từ 8 ngày tuổi - 95 tuổi ở 29 quốc gia. Bằng cách sử dụng các chất đồng vị trong nước uống rồi theo dõi qua nước tiểu, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mức tiêu thụ năng lượng hằng ngày của mỗi người tham gia.
Trái ngược với suy nghĩ thông thường, tỷ lệ trao đổi chất của chúng ta đạt đỉnh khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh. Trẻ 1 tuổi đốt cháy calo nhanh gấp đôi một người lớn. Khi thành thanh thiếu niên, tốc độ đốt cháy calo của chúng ta chỉ nhanh hơn người trung niên một chút mà thôi. Nói cách khác, “vòng eo bánh mì” của những người trung niên có thể không phải do tốc độ trao đổi chất chậm lại, dẫn tới khó “đốt calo” hơn người trẻ.
Theo trang Science Alert, khi trở thành thanh niên, quá trình trao đổi chất của chúng ta dường như chậm lại khoảng 3%. Quá trình này chững lại khi ta 20 tuổi. Từ 20 đến 50 tuổi là giai đoạn tốc độ trao đổi chất ổn định nhất. Khi chúng ta bước qua tuổi 60, quá trình trao đổi chất chỉ chậm lại khoảng 0,7% mỗi năm.
Nhà nhân chủng học tiến hóa Herman Pontzer, làm việc tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết, có rất nhiều biến đổi sinh lý diễn ra khi ta lớn lên rồi già đi, nhưng quá trình trao đổi chất dường như không thay đổi cùng lúc với những chức năng khác. Phát hiện này có thể có ích trong việc chữa trị.
Bình luận (0)