Trẻ béo phì có nguy cơ đái tháo đường cao, bác sĩ chỉ cách phòng bệnh

28/12/2022 04:00 GMT+7

Đái tháo đường là bệnh lý rất thường gặp ngày nay. Trước đây, trẻ em hay người trẻ tuổi thường được ghi nhận mắc phải đái tháo đường loại 1.

Đái tháo đường loại 1 là do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, làm cho các tế bào trong cơ thể không thể sử dụng được glucose hấp thụ từ thức ăn, từ đó đường huyết tăng cao và xuất hiện các triệu chứng như tiểu nhiều, sụt cân, ăn nhiều mau đói và khát nước nhiều.

Tình trạng thừa cân và béo phì sẽ dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin

minh họa: shutterstock

Nguyên nhân khiến trẻ bị đái tháo đường

Đối với trẻ em, nguyên nhân của rối loạn trên chủ yếu là do quá trình tự miễn gây phá hủy cấu trúc tế bào beta tụy, từ đó làm giảm sản xuất insulin, và khi sự phá hủy tế bào beta tụy đủ nhiều, các triệu chứng của đái tháo đường mới bộc lộ. Khi đó cần có các xét nghiệm theo dõi để khẳng định bệnh lý này và phải có liệu trình điều trị phù hợp bao gồm điều chỉnh chế độ ăn, có lối sống lành mạnh và phải sử dụng insulin dài lâu để ổn định đường huyết. Ngược lại nếu không có chế độ điều trị phù hợp, tình trạng bệnh có thể ngày càng nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, toan ceton máu.

Đối với đái tháo đường loại 2, trước đây chúng ta chỉ thường gặp loại bệnh lý này trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi, khi mà quá trình sinh bệnh được tích lũy dần qua năm tháng. Tuy vậy, ngày nay, lối sống ít vận động kèm theo thói quen ăn uống không lành mạnh ngày càng phổ biến đã làm cho tình trạng thừa cân và béo phì ngày càng tăng. Tình trạng thừa cân và béo phì sẽ dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin, các tế bào sẽ không hấp thu được được đường trong máu dù tuyến tuỵ vẫn tiết insulin đầy đủ. Hiện nay xu hướng bệnh này đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí có thể xuất hiện ở cả trẻ em.

Đái tháo đường không phải là bệnh chỉ xuất hiện riêng ở người lớn mà còn có thể ở cả trẻ em, có thể là đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2

shutterstock

Tóm lại, đái tháo đường không phải là bệnh chỉ xuất hiện riêng ở người lớn mà còn có thể ở cả trẻ em, có thể là đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2. Do vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ ở trẻ nhỏ cũng nên được các bậc phụ huynh và trường học chú ý để tầm soát các vấn đề sức khỏe thường gặp, trong đó phát hiện các rối loạn liên quan đường huyết và hội chứng chuyển hóa ở trẻ để kịp thời có các biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Điều trị béo phì ở trẻ

Do béo phì là nguy cơ có thể dẫn đến các hội chứng chuyển hóa, trong đó có rối loạn đường huyết và đái tháo đường loại 2 nên cha mẹ cần quan tâm và điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị béo phì ở trẻ em ngoài tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, xây dựng khẩu phần ăn phù hợp cho phụ huynh và cho trẻ thì y học cổ truyền có các phương pháp điều trị phù hợp theo lứa tuổi của trẻ như cấy chỉ, nhĩ châm, thuốc thảo dược,… Tuy nhiên, điều trị béo phì ở trẻ cần nên được khởi động sớm và có sự phối hợp giữa bác sĩ, trẻ với gia đình mới đạt hiệu quả mong đợi, góp phần giảm thiểu sự xuất hiện các nguy cơ bệnh lý chuyển hóa về sau.

Để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, cần có một chế độ dự phòng phối hợp 4 yếu tố gồm tránh lối sống ít vận động, chế độ sinh hoạt lành mạnh; dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, phải đảm bảo đủ chất, đủ loại và đủ màu sắc, tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh, tăng cường rau xanh và trái cây; vận động thể lực bằng cách tập thể dục thể thao; tăng các mối quan hệ giao tiếp tốt, lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội cùng bạn bè và người xung quanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.