Trẻ bị xâm hại, người lớn cần làm gì ?

07/04/2019 07:52 GMT+7

Câu hỏi đặt ra khi hàng loạt vụ trẻ bị xâm hại nghiêm trọng diễn ra gần đây, khiến dư luận cực kỳ bức xúc.

Có thể kể ngay nhiều vụ việc diễn ra chỉ trong thời gian ngắn, như vụ học sinh 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ (Hà Nội), vụ nữ sinh lớp 10 bị xâm hại tập thể ở Quảng Trị... và mới nhất là trường hợp bé gái bị nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ trong thang máy tại chung cư Galaxy (Q.4, TP.HCM).

Thu thập chứng cứ

Theo một điều tra viên cao cấp của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, với tội phạm xâm hại trẻ em, từ việc bắt những kẻ "yêu râu xanh" nhận tội đến đền tội là một hành trình đầy khó khăn. Nhiều vụ việc kéo dài thời gian điều tra, trong khi dư luận và gia đình nạn nhân bức xúc, trẻ bị áp lực, ám ảnh thậm chí có trường hợp vì quá uất ức đã chọn lựa cái chết. Vì vậy, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra khi trẻ bị xâm hại, điều tra viên này khuyên đầu tiên là tìm cách nói chuyện chân thành, chia sẻ, động viên để trẻ kể lại chi tiết những gì đã diễn ra. Hỏi kỹ những bộ phận bị đụng chạm, xâm hại; mô tả cụ thể về kẻ xâm hại... Quá trình nói chuyện, cần kín đáo ghi hình, ghi âm để làm bằng chứng tố cáo lên cơ quan công an.
Đặc biệt, nếu có dấu vết xâm hại thì giữ nguyên, đưa đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa khám (có lập hồ sơ đầy đủ) làm căn cứ xử lý kẻ xâm hại. “Người hỏi chuyện trẻ không nhất thiết phải là cha mẹ, mà có thể là chị gái, bà ngoại, cô giáo... những người mà trẻ có thể chia sẻ vụ việc một cách thoải mái nhất. Trường hợp trẻ bị hoảng loạn, sang chấn tâm lý cần thiết có bác sĩ tâm lý hỗ trợ”, điều tra viên này nói.

Tuyệt đối không thỏa hiệp với kẻ xâm hại

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cũng cho rằng khi trẻ bị xâm hại, gia đình cần bình tĩnh và ổn định tinh thần cho trẻ. “Ba mẹ ở bên cạnh, an ủi, động viên để trẻ vượt qua trạng thái hoảng loạn. Nếu trẻ bị tổn thương thể chất cần đưa đến bệnh viện, yêu cầu bác sĩ, nhân viên y tế giữ bí mật thông tin, hạn chế hỏi trẻ về quá trình đã xảy ra”, ông Báu nói.
Cũng theo tiến sĩ Báu, gia đình cần cử người báo cơ quan công an ngay để được hướng dẫn xử lý. Hỏi rõ yêu cầu của điều tra viên để hợp tác thu thập chứng cứ, yêu cầu cơ quan công an giữ bí mật. Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với người không liên quan, tránh việc hỏi thăm của người thân để bé không bị ám ảnh vì phải kể lại sự việc nhiều lần. “Khi bé hồi phục, gợi mở để bé kể lại sự việc, bí mật ghi âm, chỉ làm việc này một lần để cung cấp cho cơ quan điều tra mà thôi. Nếu cơ quan điều tra yêu cầu lấy lời khai về vấn đề gì, ba mẹ sẽ là người nói chuyện với bé. Nếu cần giám định, không nên nói với bé đi giám định mà nói với bé khám bệnh bình thường”, tiến sĩ Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.
Đặc biệt, tiến sĩ Báu cho rằng bất cứ trường hợp nào cũng tuyệt đối không thỏa hiệp với kẻ xâm hại, phải đấu tranh đến cùng để đưa sự thật ra ánh sáng, xử lý kẻ xâm hại theo đúng quy định pháp luật để tránh những vụ việc tương tự xảy ra. Khi trẻ đã phục hồi hoàn toàn, cần làm tốt việc phòng ngừa, tránh để lặp lại hành vi xâm hại, tránh gợi lại chuyện trẻ bị xâm hại...
Cùng quan điểm, theo luật sư (LS) Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), người thân của trẻ nên hợp tác, phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ sự việc, không nên thỏa hiệp với kẻ xâm hại con em mình. “Tâm lý các bậc phụ huynh cho rằng, càng ít người biết con mình bị xâm hại càng tốt, và cho rằng ít người biết sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nhưng phải hiểu rằng, chúng ta im lặng đồng nghĩa sẽ có những trẻ khác có thể là nạn nhân tiếp theo; đồng thời chúng ta không thể khẳng định rằng tâm lý của trẻ không bị ảnh hưởng nếu không được gia đình, xã hội, bạn bè chia sẻ và giúp cháu học cách quên đi”, LS Hùng nhấn mạnh.

Tìm sự trợ giúp ở đâu ?

Về quy trình xử lý những tin báo tố giác tội phạm, hoặc khi phát hiện các trường hợp trẻ bị xâm hại qua nhiều kênh thông tin, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội LS thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao... đã ban hành thông tư liên tịch để phối hợp thực hiện một số quy định của bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng liên quan người dưới 18 tuổi. Thông tư nêu rõ đối với vụ án, vụ việc có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành… thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan ngay từ khi phát hiện nguồn tin về tội phạm; khẩn trương kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất.
Theo LS Nữ, việc lấy lời khai từ gia đình, tiếp xúc với cháu bé cùng thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là giai đoạn cần tiến hành gấp rút, nhưng cũng cần sự khéo léo. Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã quy định để bảo vệ trẻ em trong tố tụng hình sự, những người tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu với trẻ em.
Trong trường hợp gia đình nạn nhân cần sự trợ giúp, theo LS Nữ, có thể tìm đến Hội liên hiệp phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương. “Các cơ quan này sẽ phối hợp, cử LS hỗ trợ pháp lý cho trẻ và gia đình trong suốt quá trình điều tra đến khi kết thúc vụ án”, LS Nữ nói.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái: Biết sai trái nhưng vẫn làm !

Liên quan đến vụ việc nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy, LS Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty luật Công Bình, Đoàn LS TP.HCM) phân tích đoạn clip trong thang máy chung cư cho thấy ông Nguyễn Hữu Linh đã dùng miệng, tay sàm sỡ bé gái không quen biết. Đáng lưu ý, những thông tin trong vụ việc thể hiện ông Linh biết những hành vi này sai trái nhưng vẫn làm (qua việc ký biên bản thừa nhận ôm, hôn bé gái, thỏa thuận với gia đình nạn nhân…). Đối chiếu quy định tại điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015; mục III.1.d Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/ TANDTC - VKSNDTC-BNV hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em... thì diễn biến vụ việc cho thấy đủ dấu hiệu cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Linh để phòng ngừa tội phạm và đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử. “Quan trọng lúc này, chính cơ quan tiến hành tố tụng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh tội phạm”, LS Vũ nêu quan điểm.
chong_xam_hai
Quy tắc 5 ngón tay phổ biến và dễ nhớ nhất để giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.