Trẻ con Việt tựu trường, trẻ con Tây chuẩn bị gì năm học mới?

25/08/2017 12:08 GMT+7

Mùa tựu trường sau 3 tháng hè đã đến, nhiều học sinh Việt Nam đã tất bật nhập học. Cho dù Pháp là nước phát triển có đời sống khá cao, nhưng đừng tưởng rằng các bậc cha mẹ Pháp không có chung nỗi lo của các cha mẹ Việt.

Mỗi năm, cứ tầm cuối tháng 8, đầu tháng 9, các em học sinh khắp nơi lại hồi hộp chuẩn bị cho ngày đến trường. Tất nhiên, không chỉ riêng các em, mà các bậc cha mẹ cũng … hồi hộp không kém.
Đơn giản là, chi phí học cho các em càng ngày càng cao, chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập của phụ huynh. Làm thế nào để con được chuẩn bị đầy đủ khi vào năm học mới, mà lại không quá tốn kém, đó là câu hỏi đau đầu cho không ít người.
Ở Pháp cũng thế. Cho dù Pháp là nước phát triển có đời sống khá cao, nhưng đừng tưởng rằng các bậc cha mẹ Pháp không có chung nỗi lo của các cha mẹ Việt. Mỗi năm, cứ vào dịp tháng 8, các gia đình có con đang tuổi đi học hối hả chuẩn bị mua đồ dùng sách vở.
Điều tôi đặc biệt nhận thấy ở đây, là để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp cũng như các thành phố, trường học, họ rất ít khi hô hào quyết tâm đạt mục tiêu này, kia như ở Việt Nam. Ngược lại, họ quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể, ví dụ như vấn đề đồ dùng học tập cho các em học sinh chẳng hạn.
Theo một điều tra gần đây của Pháp, cho trẻ học cấp I ở Pháp, các bậc cha mẹ sẽ phải tốn khoảng 150-200 euro (khoảng từ gần 4 triệu-hơn 5 triệu đồng Việt Nam) mỗi năm cho đồ dùng học tập. Đối với trẻ cấp II, số tiền đó sẽ khoảng 350 euro (tầm 9 triệu đồng) và cấp 3 là 450 euro (hơn 11 triệu đồng). Tiền sách giáo khoa, sách đọc thêm không tính vào khoản này (cũng khoảng vài trăm euro nữa).

Người Pháp rất tiết kiệm và tính toán vô cùng chi li các chi tiêu gia đình. Trong việc mua đồ dùng học tập cho con, họ cũng rất cẩn thận để hạn chế việc mua thừa thãi, bỏ phí phạm. Do đồ dùng học tập được coi là rất quan trọng, nên là việc chuẩn bị đồ dùng học tập cho mỗi học sinh ở đầu năm học mới không chỉ là vấn đề riêng của phụ huynh, mà nó còn là mối quan tâm lớn của Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp.
Mỗi năm, cứ vào tầm tháng 5, Bộ Giáo dục lại thông báo cho các trường và các bậc phụ huynh số lượng đồ dùng học tập cần thiết mỗi năm, cho cấp I, II và III. Danh sách đồ dùng được tính toán vô cùng đầy đủ, kĩ lưỡng, sao cho vừa đủ, không thừa không thiếu.
Không những thế, danh sách này chi tiết tới mức chỉ rõ bút cần những màu gì, vở loại nào, cỡ bao nhiêu, tẩy, hồ dán thế nào v.v.
Nhờ thế, các trường, và phụ huynh có thể dễ dàng dự đoán số lượng đồ dùng vừa đủ cho cả năm. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường, nếu cần thiết, tự lập danh sách riêng về đồ dùng học tập cho học sinh, nhưng phải đặc biệt chú ý sao cho "hợp lí", các danh sách này phải được đưa lên website của trường để thật … minh bạch.
Giáo viên phải có nghĩa vụ xem xét, tính toán sao để không yêu cầu đồ dùng học tập một cách quá nhiều, gây lãng phí. Bộ còn khuyến khích các trường thành lập "Ủy ban đồ dùng học sinh", nhằm hỗ trợ các em trong hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền hay … viết bằng tay trái.
Danh sách đồ dùng học tập còn được thông báo rõ ràng ở tòa thị chính mỗi thành phố, nên mọi phụ huynh nếu nắm rất rõ. Ở đây, mọi thông tin đều rõ ràng, đầy đủ và được thông báo nhanh gọn tới các đối tượng có liên quan, nên hầu như ai cũng tuân thủ rất nghiêm túc.
Do đồ dùng học tập khá đắt, nên nhiều gia đình khá vất vả để đáp ứng đủ danh sách đồ dùng này. Chính vì thế, chính phủ Pháp cũng có chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình thuộc dạng thu nhập thấp. Cứ tháng 8 hàng năm, các gia đình này sẽ nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ, và khoản tiền này nhìn chung là đủ để mua đồ dùng học tập cho cả năm cho mỗi học sinh nhận trợ cấp.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên trao đổi các kinh nghiệm sao cho tiết kiệm nhất. Cứ tầm tháng 8 là rộ lên trên báo, internet các chủ đề như làm thế nào làm mới sách cũ, ba lô cũ, trao đổi sách, đồ dùng còn thừa.
Có những tổ chức phi lợi nhuận còn cho các học sinh thuê lại sách, với điều kiện sách dùng phải được giữ gìn rất cẩn thận, làm giảm chi phí mua sách giáo khoa đến một nửa.
Tôi nhận thấy rằng Việt Nam còn nghèo, nhưng rất lãng phí. Chuyện mua đồ dùng học tập sao cho tiết kiệm, tránh lãng phí còn chưa là vấn đề được quan tâm đúng mức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.