Trẻ thành phố nghỉ hè, cũng không thoát cảnh bị bắt... học thêm
25/06/2016 15:02 GMT+7
Hè này, các lớp kỹ năng ở những trung tâm sinh hoạt dành cho thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM không nhộn nhịp hơn so với trong năm học là bao, bởi các em vẫn duy trì lịch học thêm dày đặc.
Tự động phát
Tại nhà thiếu nhi các quận, Cung Văn hóa Lao động (Q.1), Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM,… chỉ bắt gặp những lớp học cầu lông, bóng rổ, võ thuật hay học đàn, học nhảy quen thuộc đã mở và sinh hoạt thường niên trong năm.
Theo quan sát, tầm chiều, nhiều phụ huynh đưa con đến nhà thiếu nhi các quận để đăng ký tham gia thêm các lớp học kỹ năng, ngoài lịch học thêm hè nguyên tuần.
|
Lớp học cầu lông dành cho thanh thiếu niên ở Cung văn hóa lao động (Q.1) có 15 học viên, phần lớn là học sinh lớp 7, lớp 8. Đây là một trong những nơi hiếm hoi để vui chơi, gặp gỡ bạn bè.
Em Nguyễn Bá Tùng, học sinh lớp 7, trường THCS Võ Trường Toản nói: “Hè này bố mẹ có cho em học lớp cầu lông để thư giãn, rèn luyện sức khỏe. Hè em chỉ muốn chơi nhưng bố mẹ vẫn ‘bắt’ em đi học thêm 3 buổi/tuần”.
|
Học thêm 3 tháng hè mà đủ cho nguyên năm
Cô Nguyễn Trần Khánh Trinh, 40 tuổi, phụ huynh có con đang học lớp cầu lông chia sẻ, bản thân cô cũng “bắt” con đi học thêm từ thứ 2 đến thứ 6 nhưng mỗi ngày chỉ học 2-3 tiếng, thời gian còn lại con học cầu lông và học đàn.
|
“Trẻ em ngày nay thụ động lắm, nếu nghỉ hè không cho nó đi học, đi tham gia các hoạt động ngoại khóa thì chỉ biết ở nhà chơi điện tử, xem tivi, iPab thôi”, cô Trinh nói.
Phụ huynh Trần Thị Kim Anh bày tỏ: “Dù biết việc học trước rất nguy hiểm, làm giảm tư duy sáng tạo của trẻ nhưng tôi phải bắt con đi học thêm vì bạn bè nó ai cũng vậy”.
Cũng theo cô Trinh, chuyện cấm học thêm, dạy thêm là không thể vì học thêm nay đã là phong trào. Thậm chí, một số trường học còn mở thêm lớp học cấp tốc trong vòng 3 tháng hè đã dạy xong chương trình của năm học sau.
|
|
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em, đặc biệt là các trẻ em ở các thành phố lớn phải chật vật học hè, các lớp kỹ năng vì thiếu sân chơi trầm trọng. Những không gian sinh hoạt ở nhà văn hóa các quận rất hạn chế và cũng không phải em nào cũng có điều kiện tham gia.
“Không học thêm, tự học vẫn giỏi”
Hiện nay, nhiều bậc bố mẹ đã tạo áp lực vô hình cho con, bắt con học thêm triền miên để con được bằng bạn bằng bè mà không biết khuyến khích con tìm tòi một phương pháp học tập mới mẻ, sinh động hơn.
|
|
Chú Ninh kể: “Hiện tại, con tôi học lớp 7, sang hè lên lớp 8, nhưng chưa bao giờ học đi học thêm, vẫn học sinh giỏi đều các năm. Hầu như, con tôi tự học trên mạng, các môn Toán, Anh văn, Vật lý,…tự tìm tòi, học hỏi, phần nào chưa rõ thì lên lớp nhờ cô bộ môn hướng dẫn thêm”.
Cũng theo chú Ninh, ngày hè gia đình nên cho các trẻ đi du lịch đâu đó, tham gia học lớp kỹ năng sống, các bộ môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Thay vì học qua sách, vở khô khan, gia đình nên cho các em đi thực tế, khám phá mọi điều xung quanh, để có cái nhìn rộng hơn, hiểu biết nhiều hơn. Nhưng phải có định hướng, không buông lõng con mình.
|
|
Đang theo học võ Bình Định tại Nhà Văn hóa Thanh niên (Q.1), em Nguyễn Hữu Phước Lộc, học lớp 8, trường THCS Bàn Cờ nói: “Hè này, em chỉ đi học võ thuật Bình Định, học bơi để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng thích ứng cần thiết trong cuộc sống. Em không muốn học thêm vì không phải học thêm là giỏi. Có nhiều cách học lắm, chỉ cần tự giác là giỏi thôi”.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Hạ vào sáng ngày 7.6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, phải dứt khoát bỏ học thêm, dạy thêm kiểu “phong trào” như hiện nay, đặc biệt ở kỳ nghỉ hè.
|
|
Phụ huynh cần định hướng các bộ môn, trò chơi thiết thực, bổ ích trong kỳ nghỉ hè. Từ đó, hình thành nhân cách, kỹ năng sống, thể chất, tác phong của trẻ.
Trẻ em thành phố hào hứng tham gia các lớp rèn luyện thể chất - Video: Mai Quỳnh - Khẩm Cao
|
Bình luận (0)