Trẻ thông minh hơn nhờ… mê chơi thể thao

23/11/2016 08:30 GMT+7

Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, ngày nay quan niệm của các bậc phụ huynh về việc học, thành công của con trẻ đã thay đổi theo hướng thực tế hơn.

Chương trình giáo dục nhà nước, các trường hiện nay cũng đã cân đối hơn giữa học và... chơi, theo hướng tăng thực hành, thực tế với quan niệm học cũng là chơi mà chơi cũng chính là học.
Tuyệt đối không ép trẻ học
Trẻ thông minh hơn nhờ… mê chơi thể thao
       NGND-PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh: Chơi thể thao là một trong những hoạt động quan trọng để rèn luyện sức khỏe,
phát triển trí não và hình thành nhân cách
“Tuyệt đối không nên ép trẻ học, vì ép học có thể giết chết lòng say mê, ý chí và tính ngẫu hứng của trẻ”, đó là lời khuyên của NGND-PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IDP).
Theo ông, khi trẻ ở giai đoạn 6 - 12 tuổi, các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng việc cần phải dành bao nhiêu thời gian cho trẻ học, bao nhiêu thời gian cho việc chơi mỗi ngày. Các bậc cha mẹ chỉ cần xây dựng cho trẻ một thời gian biểu học tập, ăn ngủ, chơi thể thao hợp lý, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện nhất. Trong đó, mỗi ngày trẻ chỉ nên học khoảng 7 tiết. Xen kẽ các tiết học trẻ cần có thời gian giải lao. “Cha mẹ không nên bắt trẻ phải học thêm nhiều môn ngoài giờ học ở trường. Nên dành thời gian cho các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt các câu lạc bộ thể dục thể thao, hội họa, âm nhạc...”.
Chơi thể thao là rèn luyện sức khỏe, trí não và nhân cách
NGND-PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, thể thao là tất cả các loại hình hoạt động thể chất và trò chơi có tính cạnh tranh cải thiện các kỹ năng, năng lực thể chất, rèn luyện trí lực, có tính giải trí cao, đem lại niềm vui, hứng khởi cho trẻ. Theo ông, với thể thao trẻ chơi mà học, học mà chơi. Vì khi trẻ đam mê một môn học, một môn thể thao nào cũng đáng mừng. Nếu phụ huynh biết định hướng và tạo cơ hội cho trẻ chơi thể thao, trẻ sẽ tự tin, năng động hơn, có nhiều sáng tạo hơn, qua đó góp phần kích hoạt não bộ phát triển toàn diện và trí thông minh sẽ được bộc lộ. Không chỉ vậy, thể thao còn giúp trẻ có thêm thật nhiều những khoảnh khắc của “nhà vô địch”, là liều thuốc tinh thần kích thích trí sáng tạo, niềm đam mê, tự tin và qua đó giúp trẻ học tốt hơn.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh lợi ích của việc chơi thể thao. Cụ thể, lợi ích đối với việc rèn luyện sức khỏe, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh… Thể thao còn mang lại lợi ích đối với sự phát triển trí não của trẻ. Thể thao là một hoạt động rèn kỹ năng ngoại khóa bổ ích giúp trẻ ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, tinh thần sảng khoái, vui vẻ, giải tỏa trạng thái căng thẳng khi học tập. Nhờ vậy trẻ sẽ học tập tốt hơn, khả năng tập trung cao hơn…
Đặc biệt, thể thao còn mang lại lợi ích trong việc hoàn thiện nhân cách cho trẻ. Hoạt động thể thao còn giúp phát triển sự tự tin, tính kỷ luật cao, tinh thần đoàn kết, kỹ năng hợp tác và trách nhiệm trước tập thể, có nếp sống lành mạnh vui tươi, học tập và làm việc khoa học, có tác phong nhanh nhẹn, tính thật thà, trung thực... “Chính vì vậy, thể thao góp phần giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách con người”, ông nhìn nhận.
Đồng thời, thể thao cũng quan trọng trong việc giúp trẻ có thêm những khoảnh khắc “nhà vô địch” đáng quý. “Khoảnh khắc "nhà vô địch" là khi trẻ cảm thấy mình đã thành công trong lĩnh vực con yêu thích, có thể là học tập, cũng có thể là thể thao. Có thể đó chỉ là khi con giải thành công một phép toán, là thành công chuyền bóng tốt cho đồng đội ghi bàn, là khi con vượt qua nỗi sợ nước để thoải mái tập bơi cùng bạn bè... Chính những khoảnh khắc nhà vô địch này giúp con thêm tự tin hơn trong cuộc sống”, NGND-PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.