Yêu thật chớ không phải giả bộ. Là vì từ những năm bao cấp, khi còn là sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, Nguyễn Ngọc Dũng đã “phải” lang thang về miệt Bạc Liêu thực tập. Sáu tháng ở đó, rồi mấy chục năm sau quay lại, người quen vốn là một “đại ca” lừng lẫy đúng nghĩa giờ trở thành ông lão, nuôi tôm và làm homestay, một quãng đời mới bắt đầu khi đã vào lứa “cổ lai hy”, rất bộc trực, phóng khoáng đúng bản chất miền Tây (Đến Bạc Liêu uống rượu với đại ca “Minh Thẹo”).
Tôi bắt đầu từ chuyện Bạc Liêu, là bởi tuy nằm ở trang 168 đến trang 187 của cuốn sách, nhưng chỉ với 20 trang ấy, nó đã “hút hồn” người đọc khi mô tả về một vùng đất hào sảng, nghĩa khí. Vốn là người thích lang thang, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã “lang thang” theo kiểu của mình - một người lãng tử với nghề, có tài viết và vẽ ký họa. Nên chi, đọc anh không thể chỉ lướt qua, bởi anh không viết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà đằm sâu trong con tim ấy, là đau đáu một vùng tâm huyết. Trên bước chân đi qua 11 tỉnh đồng bằng của anh, nhịp sống với ghe thuyền kênh rạch xao xác, uy nghiêm trong gió lồng lộng những di sản tiền nhân, nụ cười và nước mắt của người dân quê, món đặc sản qua mỗi biên địa (hay biên thủy) của từng tỉnh, phong cảnh lộng lẫy mỗi buổi hoàng hôn khi đàn cò về tổ… Và có cả vui buồn, hờn dỗi khi nghĩ đến những phận người. Anh viết, anh ký họa, anh tâm tình và như “xả” hết ra những điều anh biết, anh sưu tầm, anh tưởng tượng trong từng nét vẽ.
Này đây Long An, với căn nhà nhỏ nhưng chứa đựng biết bao điều “mê hoặc”; này đây Tiền Giang với hình ảnh những người phụ nữ can trường mạnh mẽ dù cuộc đời lấm bụi phong ba; này đây Bến Tre với một gã gàn phiêu dạt lại chăm chút từng hơi thở đời sống buộc phải cộng sinh với sông nước chợ đò… Qua 11 vùng đất, mỗi bước chân ấy là dặm dài dấu ấn tình tự, mỗi ngón tay đặt lên khung vải là hiển hiện di tích, chùa chiền và bàn chân đầy bùn đất của những lưu dân phiêu dạt.
Đi qua, đi qua mà viết, mà vẽ... Với 231 trang sách, ai nói anh không yêu?
Bình luận (0)